Con tôi bị “rối loạn cảm xúc”

30/05/2016 - 16:12

PNO - Dù bận nhiều việc, nhưng tôi luôn nhìn kỹ gương mặt con mỗi ngày hai lần. Nếu cháu có biểu hiện buồn, tôi hỏi thăm ngay để cùng tìm phương án...

Con trai tôi sinh năm 2002. Lúc sinh ra được 3,4kg. Bác sĩ bảo vậy là tuyệt vời đối với bà mẹ thấp bé như tôi. Nhưng buồn thay, con lại bị ngộp, ra khỏi lòng mẹ thì đã tím tái. May nhờ bác sĩ “cứng tay” nên tôi không mất con. Nhưng con tôi có gì đó lạ lạ khi ở tuổi đi lẫm chẫm, khóc rất dai và cười rất to.

Cuộc sống cuốn đi mải miết nên tôi bỏ qua những điều không bình thường nơi con. Rồi hôn nhân đổ vỡ, tôi một mình vật lộn với áo cơm nên không chú ý đến những khác lạ ngày càng rõ rệt của con. Mãi đến khi con học lớp 2, một ngày nọ cô giáo gọi: “Chị xem lại nhé, hình như cháu K. bị bệnh gì đó. Vào giờ học rồi, em bảo ổn định lớp nhưng cháu cứ cười hoài, làm cả lớp cười theo mất 5-10 phút”. Tôi hỏi con, sao lại cười vậy, không nghe cô bảo im lặng ổn định lớp à? Con nói, có nghe nhưng không hiểu sao không nín cười được.

Con toi bi “roi loan cam xuc”
Tác giả và con trai cùng làm việc

Cười đã lạ mà buồn càng lạ hơn. Đôi khi điểm kém hơn đứa bạn ngồi gần, hoặc bị ghẹo vì mới cắt tóc “giống thầy chùa”, con đều buồn đến bỏ ăn bỏ ngủ. Một đôi lần tôi hứa đưa con đi nhà sách, đi hồ bơi nhưng không đi được vì bận việc gấp hoặc vì mưa gió, con không chấp nhận lời giải thích và xin lỗi của mẹ, vẫn đòi mẹ phải thực hiện lời hứa mới vừa lòng. Nếu không sẽ buồn đến mất ngủ, không thể tập trung học tập. Khi nghe âm thanh bên hàng xóm, dù đó là phim siêu nhân hay bản nhạc rap thì bất kể đang học bài, ăn uống, con cũng bỏ để múa may hú hét theo. Nếu là đám cưới có nhạc sống, hay đám tang có lễ nhạc thì con kêu rất nhức đầu, mặt đỏ gay.

Năm con học giữa lớp 3 thì tôi lập gia đình mới. Bệnh "lạ" của con càng tăng rõ rệt khi tỏ ra không hợp tác với cha dượng. Anh cho đồ chơi thì con len lén ném đi, trong bữa ăn anh gắp thức ăn cho thì con cũng “ùm” nhưng rồi khóc lên kêu cay quá, mặn quá, nóng quá… dù thật sự không phải như vậy.

Tôi an ủi hết lời, thêm các dì, cậu cũng thương yêu bảo ban nhưng thằng bé càng làm tôi mệt mỏi bởi suốt ngày cứ phải năn nỉ, giải thích… Khi tôi bảo nhà mình sắp có em bé, 10 tuổi nhưng con phản ứng bằng cách ngồi sụp xuống rồi chà chà đôi chân dưới nền nhà, kêu gào: “Con không chịu… không chịu em bé đâu…”. Chồng tôi bảo “con hư hỏng là do em chiều chuộng quá đáng, cứ quất cho nó vài trận là xong”. Nhưng linh cảm người mẹ mách tôi rằng thằng bé đang gặp một vấn đề gì đó chứ không phải “hư hỏng vì được chiều chuộng”. Tôi bàn với chồng, hay là đưa con đi khám tâm thần? Anh gạt đi, còn nói tôi “bệnh tưởng”, con người ta cầu bình yên không ra, em lại rước bệnh điên vào người.

Tôi tâm sự với vài người bạn, họ hướng dẫn đến khoa Tâm lý tâm thần trẻ em (BV Tâm thần TP.HCM). Nhưng chồng tôi lại gạt đi, nói rằng trên đời không thấy có con nít nào bệnh tâm thần hết. Tôi phải chờ một thời gian nữa, khi con vào giữa học kỳ lớp 5, nhân dịp chồng đi công tác xa, tôi mới đưa con đi khám. Kết quả con tôi bị chứng “rối loạn cư xử và cảm xúc” theo mã số bệnh là F92. Và cháu đã được điều trị suốt tám tháng.

Con toi bi “roi loan cam xuc”

Tôi bị bác sĩ “quạt” cho một trận rằng bệnh của cháu đã có triệu chứng từ lâu lắm, nếu điều trị sớm đã tốt hơn. Bệnh này không hẳn vì lúc sinh ra bị ngộp, có thể do hoàn cảnh sống hoặc cũng có thể do khiếm khuyết lúc hình thành thai nhi. Bác sĩ hết lòng và con tôi chịu hợp tác nên cháu uống thuốc đều đặn, đến tháng thứ hai đã thấy khả quan.

Kết thúc liệu trình điều trị tám tháng, bác sĩ bảo cháu đã hết bệnh hoàn toàn. Nhưng như một đoạn đường có ổ gà, dù đã lấp rồi, nơi đó vẫn còn tì vết. Ngoài việc hạn chế tối đa cho cháu tiếp xúc với âm thanh khuếch đại thì người mẹ phải luôn làm “công tác tư tưởng” cho con, luôn đồng hành với con trong mọi cảm xúc, mọi hoàn cảnh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI