15 năm rộn ràng của cặp đôi “đàn bà xây nhà…”

06/10/2021 - 06:00

PNO - Năm nay, sinh nhật tuổi 49 của chồng, chị Hà tặng Travis một món quà đặc biệt. Đó là tờ đơn hoàn tất thủ tục để bán căn nhà ở thủ đô

Sau sáu tháng quen nhau, chị Lương Thúy Hà nhận lời cầu hôn của Travis Fennell. Nhiều người nghĩ chị vội vàng, nhưng với chị, khi đã có duyên may gặp một người tốt, vấn đề không còn ở thời gian. “Chúng tôi bây giờ, bên cạnh tình yêu, sự hòa hợp, còn đồng sức đồng lòng trong những thời khắc gian khó nhất”, chị Hà chia sẻ.

Vì em không muốn sống thử

Vốn yêu thích lĩnh vực marketing, truyền thông, nên chỉ sau vài năm tốt nghiệp, chị Lương Thúy Hà đã là giám đốc một công ty truyền thông tại Hà Nội. Từ năm 2003-2006, phần lớn tâm sức và tài chính chị đều đổ dồn vào phát triển doanh nghiệp của mình. 

Đang trên đà thành công về sự nghiệp, lại tham gia các hoạt động giải trí, thể thao cùng bao điều thú vị trong đời sống tinh thần nên chị Hà luôn bận rộn, bỏ qua những hò hẹn lứa đôi.

Một ngày vào tháng Chín năm 2005, chị đang chạy xe máy trên đường thì gặp sự cố. Chiếc xe của chị dở chứng, chết máy giữa phố cổ. Một anh Tây từ đâu xuất hiện, ngỏ ý giúp. Và tất nhiên anh không sửa được. Xe Vespa cổ mà, dễ gì!

Thời họ mới yêu nhau
Thời họ mới yêu nhau

Xe không sửa được, thì… sửa người vậy. Trong vòng mấy tháng sau ngày “sét đánh”, anh Tây tích cực mời chị đi ăn, đi cà phê, đi xem phim... Anh luôn kiếm cớ tiếp cận để quan tâm và tìm hiểu chị. Đỉnh điểm, Travis ngỏ lời đưa Hà về nhà sống chung. 

“Lúc đó, mình cũng thấy anh chân thành, nhưng mình không “Tây” đến mức như vậy, mình từ chối lời đề nghị sống thử. Thế là anh chàng cuống quýt tìm hiểu thủ tục để làm lễ ăn hỏi nhằm chính thức hóa mối quan hệ. Hôn lễ của bọn mình diễn ra sau sáu tháng quen nhau. Bố mẹ, họ hàng, bạn bè của Travis từ nước Úc xa xôi cũng có mặt đầy đủ”, chị Hà chia sẻ.

Sau khi cưới, những đứa con lần lượt ra đời, quỹ thời gian rảnh hầu như bị rút cạn. 

Bỏ sự nghiệp theo chồng

Thời điểm đó, Travis có một công ty du lịch với bạn, nhưng các anh chỉ giỏi khâu phát triển thị trường, những phần việc khác như nhân sự, tài chính, kế toán thì lúng túng.

Thấy chị Hà quá bận rộn, Travis muốn chị giảm tải công việc, về nhà sớm vào mỗi cuối ngày. Sau vài lần căng thẳng, chị Hà cân nhắc, cuối cùng quyết định bán hết cổ phần công ty, gác lại những giấc mơ trong lĩnh vực marketing, quảng cáo, trở về hỗ trợ công ty du lịch của chồng và chăm sóc con cái. 

“Mình bị ảnh hưởng tâm lý một thời gian dài, bởi chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ công việc mà mình yêu thích, đã dồn bao nhiêu tâm huyết để học hỏi, gầy dựng gần chục năm trời.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải lối rẽ lớn nhất. Năm 2014, hai vợ chồng rời Hà Nội, chuyển đến định cư ở Hội An. Những điều mới mẻ tiếp tục vẽ nên cuộc đời đầy sắc màu của bọn mình”.

Mùa hè năm 2014, gia đình Travis Hà chuyển đến sinh sống tại một ngôi nhà nhỏ ở làng chài An Bàng (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam). Hướng khởi nghiệp mà họ chọn là các sản phẩm du lịch mới, hướng tới sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Chị Hà kể: “Ngôi làng ven biển lúc ấy vẫn còn hoang sơ, buồn tẻ. Để khởi nghiệp và gầy dựng cơ ngơi, hai vợ chồng phải từng bước dọn cỏ, mở đường, đóng cọc, xin thủ tục kéo đường dây điện… Lúc đó, chúng mình tìm kiếm các dịch vụ homestay của dân địa phương đang manh nha phát triển để giới thiệu đến du khách.

Tuy nhiên, dịch vụ còn thiếu, chưa đồng nhất, chỉ phục vụ một vài đối tượng nhất định. Vậy nên, song song với việc quảng bá, chúng mình phát triển thêm các căn hộ lưu trú ngắn hạn hoặc dài hạn dành cho các gia đình. Đó là những ngôi nhà có diện tích không quá lớn, nhưng xinh xắn, sạch sẽ và đầy đủ công năng.

Chúng lại lọt thỏm ngay giữa khu dân cư nên du khách nước ngoài rất thích thú khi đến ở. Vì ngoài được trải nghiệm những dịch vụ chu đáo và riêng tư thì họ còn được khám phá những nét đẹp tập tục, văn hóa cộng đồng của địa phương”. 

Chị Hà cùng mọi người nhảy múa tại  chợ phiên Tân Thành, phường Cẩm An, thành phố Hội An (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát)
Chị Hà cùng mọi người nhảy múa tại chợ phiên Tân Thành, phường Cẩm An, thành phố Hội An (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát)

Khi du khách tìm đến khá đông, trong làng, những ai không làm homestay thì tham gia vào dịch vụ ăn theo từ bình dân cho đến cao cấp, như dọn phòng, bán hàng tạp hóa, đồ lưu niệm, các dịch vụ giặt là, làm bảo vệ, chăm sóc cây cảnh…

Mỗi tháng, một người cũng kiếm được từ 5 - 10 triệu đồng, ai năng động hơn thì mở quán ăn nhỏ phục vụ du khách, thu nhập cao hơn nhiều. Chẳng bao lâu, từ một làng chài vắng vẻ, An Bàng lột xác thành một làng homestay nổi tiếng cả nước. 

Còn thở là còn gỡ

Đầu năm 2020 dịch COVID-19 xuất hiện, các hoạt động du lịch, lữ hành bắt đầu ngưng trệ. Khách nước ngoài dần vắng bóng, tuy nhiên khách nội địa vẫn còn.

Vợ chồng Travis Hà cùng một vài doanh nghiệp nhỏ trong địa phương đã nảy ra ý tưởng thành lập phiên chợ cuối tuần Tân Thành để lôi kéo du khách, tiếp lửa cho ngành du lịch địa phương.

Từ khi đưa ra ý tưởng cho đến khi phiên chợ chính thức đi vào hoạt động, mọi người chỉ mất ba tuần vận động bà con và hoàn tất các thủ tục hồ sơ xin cấp phép. Để tạo thêm màu sắc và sức hút cho phiên chợ, Thúy Hà đã nghĩ ra nhiều cách để “khuấy đảo”.

Ngoài bán hàng, chị và các bạn nghề thành lập thêm các nhóm, câu lạc bộ biểu diễn các môn nghệ thuật đường phố như nhảy Zumba, các cuộc thi đàn hát cây nhà lá vườn, ký họa chân dung… 

Tiếp sức cho vợ, Travis nhiệt tình tham gia các hoạt động. Anh dẫn các con ra chợ, cho bọn trẻ đi chơi, đi mua sắm ủng hộ bà con, chị Hà thì xắn tay áo phụ người này bưng bê, phụ gian hàng kia kê dọn, rồi cùng lên ý tưởng, thiết kế những không gian sinh hoạt cộng đồng.

“Mỗi ngày trôi qua, khách càng đông nườm nượp. Họ thích thú khi được trải nghiệm phiên chợ độc đáo, vừa thanh bình, vừa sôi động.

Và trong những ngày sát cánh cùng nhau xoay xở, duy trì phiên chợ, mình và chồng nhận ra, điều khó khăn nhất không phải là khi bắt đầu một điều gì đó, mà là việc phải duy trì điều đã khởi động, giữa những ngày bão giông.

Đời sống hôn nhân gia đình cũng y như vậy, trong khó khăn mỗi người càng phải biết thay đổi góc nhìn và hành động, đó là sự điều chỉnh chứ không phải hy sinh”, Thúy Hà kể thêm.

Ông cha ta vẫn có câu “đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm”, nhưng câu chuyện vận hành của gia đình Travis Hà lại ngược đời. Ở đây, người xây nhà là chị vợ. Mà không chỉ nhà, trong kinh doanh, gầy dựng cơ ngơi như mua đất, chọn nguyên vật liệu, chạy lo thủ tục giấy tờ, giám sát thi công… đều một tay Thúy Hà “bảo kê”.

Còn Travis, anh hằng ngày đi đến các quầy, bàn nước để chuyện trò, nắm bắt nhu cầu và lắng nghe những câu chuyện buồn vui, hài hước từ khách hàng.

“Điều lạ là từ khách Tây đến khách ta ai cũng quý mến anh ấy, họ đến một lần, rồi hẹn những lần sau cũng vì mến mộ sự chân thành. Anh ấy luôn thật tâm, và đặt cảm xúc của khách hàng lên trên hết”, Hà tự hào nói về chồng. 

Gia đình Travis Hà
Gia đình Travis Hà

Năm nay, sinh nhật tuổi 49 của chồng, chị Hà tặng Travis một món quà đặc biệt. Đó là tờ đơn hoàn tất thủ tục để bán căn nhà ở thủ đô. Chị Hà chia sẻ: “Mình biết anh sẽ buồn, nhưng như mọi lần, chúng mình chỉ buồn trong phút chốc, sau đó sẽ xoay chuyển góc nhìn để tìm lại nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống.

Travis từng bảo, món quà giá trị nhất không phải là vật chất, tài sản có được mà là sự tử tế và niềm tin. Mình bán nhà để giải quyết chuyện công nợ căng thẳng giữa mùa dịch và duy trì trả lương nhân viên, một phần dành hoàn trả những số tiền đặt cọc của du khách trong và ngoài nước.

Còn thở là còn gỡ, bọn mình sẽ xoay xở đến cùng để giữ uy tín với khách hàng. Vì giãn cách, bây giờ họ không đến được với mình, nhưng nếu mình vẫn giữ sự tử tế, thì khi có cơ hội, chắc chắn họ sẽ trở lại. Niềm tin và sự chân thành chính là của để dành đặc biệt nhất mà Travis đã dạy cho mình sau 15 năm chung sống rộn ràng”. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI