Chuyến du hành hoành tráng cùng sách

14/07/2022 - 05:36

PNO - Trẻ yêu sách sẽ đỡ dán mắt vào máy tính, điện thoại; có cơ hội giao kết bạn bè. Trẻ đọc sách nhiều hơn, tăng khả năng viết văn, dám bộc bạch ý nghĩ của mình, tự do và sáng tạo hơn…

Sách là "thảm bay" đưa em đi chơi 

Chị Phan Thị Uyên Thi (giảng viên, tư vấn bảo hiểm tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cùng hai con trai Hoàng Phúc, Hoàng Long vừa trải qua chuyến du hành đặc biệt cùng sách, và những trò chơi mang đậm dấu ấn văn hóa và sáng tạo tại TPHCM.

Cả nhà chị Uyên Thi cùng tham gia dự án Ô cửa sách của thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm (Đà Lạt) từ mùa giãn cách xã hội phòng, chống COVID-19 đến nay.

Với những nội dung trong hoạt động “Kể chuyện trên những đám mây” (kể chuyện online qua ứng dụng Zoom), thạc sĩ Thanh Tâm tập hợp lại để in bộ sách COVID trong mắt trẻ thơ (Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam) với sự góp sức của chín em nhỏ dưới 12 tuổi trong việc chuyển ngữ sang tiếng Anh và vẽ tranh minh họa.

Bộ sách nằm trong top 8 tác phẩm lọt vào vòng chung kết - chấm điểm tại giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3/2022 (Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức). 

Chị Uyên Thi cùng hai con trai hướng dẫn các bạn nhỏ làm con rối tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM
Chị Uyên Thi cùng hai con trai hướng dẫn các bạn nhỏ làm con rối tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM

 

Chuyến xe đặc biệt đã đưa các tác giả nhí từ thành phố ngàn hoa đến thành phố mang tên Bác trong buổi ra mắt sách và các hoạt động sáng tạo do Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, Ô cửa sách, Nhà Thiếu nhi TPHCM và Hội quán Các Bà Mẹ đồng tổ chức vào tháng Sáu vừa qua.

Hầu hết các bé chưa lần nào được đến TPHCM nên rất háo hức, nhất là khi các em đọc qua kế hoạch “sang chảnh” với hoạt động giao lưu, văn nghệ, trưng bày ảnh, biểu diễn kể chuyện bằng rối, rối bóng, chiếc hộp ti vi (bằng giấy), tham quan thành phố, khám phá ẩm thực… 

Trên xe, bé Hoàng Long và Hoàng Phúc ríu rít với các bạn vì đã thân quen từ lâu khi cùng tham gia các hoạt động của Ô cửa sách. Chương trình diễn ra, vài phút đầu hai bạn nhỏ hơi rối vì nhiều hoạt động trải nghiệm song song và khán giả quá đông. Khi hai anh em dần ổn định, chúng bắt tay vào hướng dẫn các bạn nhỏ làm con rối từ giấy màu, lõi cuộn giấy vệ sinh.

Các bạn nhỏ tròn xoe mắt nhìn những chú rối bé xinh được giật que cùng giọng kể trầm bổng, nhấn nhá của hai anh em. Diễn biến câu chuyện Vi-rút có ăn được trăng rằm? cuốn hút và đầy cảm xúc. Ban đầu là cảnh gia đình thỏ hát múa dưới trăng đến thỏ cụ sống tốt được đưa lên mặt trăng, rồi thỏ ông bị đau nhưng gia đình thỏ không sang thăm ông được.

Gia đình thỏ tìm cách chiếu bóng của mình lên tường cạnh giường ông để ông cảm nhận tình yêu thương của gia đình mà mau khỏi bệnh. Hay chuyện thỏ cụ cùng chị Hằng trên cung trăng ngày ngày điều chế thuốc cho nhân gian, để cho gia đình thỏ mau mau được bên nhau… 

Chị Uyên Thi - mẹ hai bé - vừa tất bật chuẩn bị nguyên liệu làm rối, vừa lắng nghe các con diễn, thỉnh thoảng nhắc nhỏ các con về đạo cụ cũng như đảm bảo thời gian.

Mồ hôi mồ kê chảy ròng trong bộ áo dài với họa tiết được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học, các tác giả nhí vẫn hăng say kể chuyện, giật rối thỏ. Vài tia nắng sớm làm cho gò má các bạn đến từ xứ lạnh ửng hồng. Có nhiều cơ hội thể hiện “ta đây người lớn” khi hai anh em hướng dẫn các bạn nhỏ cắt dán giấy màu, tạo hình rối.

Rồi khi các bạn nhỏ cần xác nhận vào “hộ chiếu” rằng đã tham gia các trạm hoạt động trải nghiệm để được nhận quà, cần phải có chữ ký của các tác giả nhí hẳn hoi. Thật oách phải không!

Hai anh em Hoàng Phúc - Hoàng Long tham gia trò chơi ngày hội gia đình tại Ô cửa sách
Hai anh em Hoàng Phúc - Hoàng Long tham gia trò chơi ngày hội gia đình tại Ô cửa sách

 

Thay đổi nhờ ô cửa sách 

Là người mẹ theo trường phái “kỷ luật tích cực”, chị Uyên Thi luôn áp dụng thời gian biểu để các con cân đối việc học - chơi. Ngay trong hè, chị vẫn không giao các con cho “bảo mẫu phẳng” (thiết bị điện tử).

Nhận bản thảo tiếng Việt của cô Thanh Tâm, anh em Hoàng Phúc - Hoàng Long đọc xong thốt lên: “Chuyện hay quá mẹ ơi! Cảm động quá!”. Và hai cậu xung phong tham gia dịch sang tiếng Anh, dù thời điểm ấy còn trong năm học. Chị Uyên Thi chốt: “Tùy các con. Nhưng đã nhận là phải làm trách nhiệm, tới nơi tới chốn”.

Lịch học, làm bài tập, giải trí và dịch sách của hai anh em phải chặt chẽ, chủ động hơn để bảo đảm tiến độ hoàn thành: mỗi tuần dịch một truyện. Là người hiệu đính tiếng Anh cho bộ sách, chị Uyên Thi vẫn để con “tự bơi”.

Chị chỉ giúp con phương tiện như từ điển, các trang mạng để tra cứu. Có thể các con dịch chưa thật chuẩn xác, chỉn chu, trau chuốt, nhưng văn phong trẻ nhỏ có nét hồn nhiên, ngộ nghĩnh, khiến bao lần đọc lại, chị vẫn bật cười.

Chị Uyên Thi chia sẻ: “Tôi biết ơn cô Thanh Tâm đã tạo cơ hội cho các con tham gia hoạt động bổ ích này. Hiệu quả thấy rõ nhất là các con đỡ dán mắt vào máy tính, điện thoại; có cơ hội giao kết bạn bè; yêu sách và đọc sách nhiều hơn; tăng khả năng viết văn và dám bộc bạch ý nghĩ của mình và tự do sáng tạo hơn. Các con thực sự chạm vào thành quả đầu đời và tự tin “nếu cố gắng, mình sẽ làm được”.

Điều này xóa tan những nghi ngại ban đầu của phụ huynh: “Không biết các con có làm được việc này không?”. Cả đội chưa bao giờ làm sách mà trận đầu ra quân lại… “chơi lớn” với bộ sách đến bảy cuốn, lại viết bằng song ngữ Việt - Anh”. 

Được hỏi về “trải nghiệm và trưởng thành trong suy nghĩ của các con”, chị Uyên Thi ngập ngừng: “Không biết có phải nhờ bộ sách hay không mà gần đây hai con đã có chuyển hóa hơn trong nhận thức, lời nói và hành động”. Chị kể, khi ba mẹ bị cách ly vì COVID-19, các con luôn quan tâm, hỏi han, động viên nhắc nhở ba mẹ nghỉ ngơi, đừng lo lắng, uống nhiều nước cam để tăng sức đề kháng.

Trẻ em thường chỉ thích mai này làm các ngành giáo viên, bác sĩ, nhưng câu chuyện Cô giáo phù thủy nói về cô giáo tạm xa bục giảng vì COVID-19 nên chuyển sang bán trái cây, trà sữa, quần áo… đã giúp cho các con hiểu nghề nghiệp nào cũng hữu ích và đáng trân trọng.

Với Hoàng Phúc, Hoàng Long và các tác giả nhí, cuốn sách chào đời và những chuyến du hành liên tỉnh là cơ hội mở mang tầm nhìn, đem lại những kỷ niệm mùa hè không thể nào quên. Đó là khi được tham quan Thảo Cầm Viên Sài Gòn với đa dạng chủng loài sinh vật mà ở Đà Lạt không có. Lần đầu các em được tận mắt thấy con cọp trắng và đồng thanh: “Nhìn kìa, cọp trắng kìa”. Lần đầu các em gặp rái cá và nghe cô Tâm kể hoàn cảnh ra đời của câu chuyện Chuyện gì xảy ra khi Rái Cá vào thành phố?. 

Đó cũng là khi được hòa mình trong các khu trò chơi hướng nghiệp thú vị, bổ ích tại Vietopia. Hay khoảng thời gian tuyệt vời khi vào Đầm Sen, các con học cách đọc kỹ bảng chỉ dẫn rồi dắt tay nhau tự do rong chơi, không bị người lớn “kè kè” kiểm soát…

Trở về Đà Lạt, các bạn nhỏ lại tiếp tục mùa hè thú vị với những quyển sách, tham gia các hoạt động hằng tuần của Ô cửa sách và mong đợi những dự án tiếp theo… 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI