Chuẩn bị cho con du học

01/05/2013 - 16:05

PNO - PN - Tăng Hiếu Nhân (học sinh lớp 9 Trường Trung học Việt Mỹ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) rưng rưng trong buổi tiệc tiễn em đi du học Úc, khi nghe ba nhắc đến ông nội (vừa qua đời hai tháng trước).

Ông nội từng ước nguyện Nhân sẽ du học thành tài, sống có ích. Mọi người dặn dò đủ điều. Bà nội già yếu ngồi xe lăn, cũng góp mặt để động viên tinh thần cháu. Ba mẹ Nhân tổ chức tiệc không phải để phô trương, mà xem đây là dịp nhắc nhở con “du học chứ không phải du hí”, có ý thức chăm học, không phụ lòng mong mỏi của gia đình.

Ba của Nhân là anh Tăng Trung Hiếu (giảng viên tiếng Anh) và mẹ là chị Tô Thị Thanh Hiếu (giảng viên chuyên ngành quản trị kinh doanh). Có ý muốn con du học, anh chị Hiếu đã chuẩn bị nhiều thứ và tích lũy tài chính từ khi con trai mới ba tuổi. Về vốn tiếng Anh, anh chị rèn cho con từ tiểu học, chọn trường song ngữ để con giao tiếp thành thạo. Một năm trước khi con đi du học, anh Hiếu lên mạng tìm thông tin các trường, đưa con tham dự các hội thảo du học.

Chuan bi cho con du hoc

Tăng Hiếu Nhân trong vòng tay yêu thương của gia đình

Anh Hiếu cho rằng, khi quyết định cho con học ở nước ngoài, bên cạnh vấn đề tài chính phải chuẩn bị lâu dài, cha mẹ cần chú ý hai yếu tố quan trọng là đứa trẻ có thích du học hay không? Cháu có tính tự lập không? Tự lập là chìa khóa đầu tiên giúp con thích nghi, đỡ bị sốc khi đến môi trường khác. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài.

Hơn một năm trước khi con đi du học, chị Hiếu không tiếp tục thuê người giúp việc. Cả nhà cùng chia sẻ việc gia đình, tập dần cho Nhân tự giác làm việc nội trợ, tự lo cho bản thân và không là gánh nặng khi gia nhập vào nhà của dì dượng bên Úc (nơi Nhân tá túc suốt thời gian du học). Cuối năm lớp 8, Nhân được giao rửa chén thứ Hai - Tư - Sáu, lau nhà mỗi ngày… Lúc đầu, Nhân còn ngại, đợi nhắc mấy lượt mới làm, nhưng sau đó quen dần.

Theo chị Hiếu, “trăm nghe không bằng một thấy”, cha mẹ nên cố gắng cho con du lịch ít nhất một chuyến trước khi du học, để các cháu tiếp cận ít nhiều về môi trường mới. Trải nghiệm thực tế sẽ giúp các cháu đỡ bỡ ngỡ khi mới qua và có những hành xử thích hợp.

Trực tiếp đưa Nhân sang học, anh Hiếu đã đi xe buýt cùng con đến trường, chủ động hẹn gặp thầy hiệu trưởng (Trường Fairvale, TP. Sydney, Úc) để tìm hiểu chương trình học của con. Do vậy, khi hai cha con trao đổi với nhau, anh Hiếu hiểu và hình dung ngay được những gì Nhân nói. Nhớ con, anh chị vẫn ít khi gọi điện, chat vì muốn con tập trung học tập và trưởng thành hơn. Dù thế, anh chị luôn có lời động viên vừa phải, kịp lúc khi Nhân có chuyện vui buồn.

Nhiều phụ huynh do bận rộn, không chuẩn bị bước “tiền du học”, đến khi con bị sốc, chán nản, sợ hãi trước môi trường lạ lẫm, phụ huynh cũng khó bề xoay xở. “Gửi con tại nhà người thân ở nước ngoài nên hoàn toàn an tâm” thực sự là một suy nghĩ chưa đúng. Nếu con không hiểu, không thích nghi nếp sống, văn hóa của gia đình này sẽ dễ xảy ra xung đột, khiến con không chú tâm vào việc học.

Với sự chuẩn bị chu đáo của ba mẹ, mặc dù mới 15 tuổi, nhưng Hiếu Nhân hòa nhập vào môi trường mới rất nhanh. Nhân không chỉ bắt kịp tiến độ học tập mà còn tích cực tham gia nhiều hoạt động khác như: câu cá, chơi thể thao trong các câu lạc bộ của trường… Nhân hy vọng sẽ có hồ sơ “nặng ký” khi xét tuyển đại học sau này.

 Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI