PNO - Khi mặt trời lùi dần sau hàng cây, nội thường bảo với chúng tôi: “Chập chiều chập choạng rồi, cất hết đồ đạc, rửa ráy, soạn sửa mà dọn cơm”.
Chập chiều chập choạng chính là khoảng thời gian cuối ngày, khắp cánh đồng trước nhà bắt đầu dâng lên màu tím thẫm. Từng tàng cây lớn, những bụi cây nhỏ hòa lẫn vào nhau. Đâu đó, chốc chốc vang lên những tiếng lích chích của bầy chim gọi bạn, chúng rủ nhau bay về tổ, khép cửa một ngày dài.
Bấy giờ, khói từ gian bếp cũng bắt đầu bay lên, mùi thơm của gạo mới, của ruốc, thịt, cá kho thoảng ra nức mũi khiến những chiếc bụng háu đói của chị em tôi càng thêm réo rắt. Có đứa lập cà lập cập chạy vào đòi nội cho phần ăn trước.
Những món nội nấu thường rất hao cơm. Từ những món mẹ mang về, nội luôn tỉ mỉ nhặt nhạnh rồi chế biến theo công thức đơn giản nhưng lành vị nhất. Đâu chỉ cơm sôi mới nhỏ lửa, món kho, món mặn, món chiên gì cũng đậm đà hơn khi nội để lửa liu riu.
Nội không thích bọn trẻ suốt ngày chỉ biết học, hễ đứa nào khi chiều xuống còn tranh thủ vùi đầu vào sách, nội sẽ quát: “Chập chiều chập choạng, thấy gì mà đọc? Ưa hư mắt à, cất hết sách vở, soạn sửa dọn cơm!”.
Thường thì vào mùa nắng, dù có đói đến mấy nội cũng bắt tụi nhỏ phải đợi cha mẹ đi làm đồng về, cả nhà đông đủ mới ăn. Còn mùa đông, mưa rét, nội cho chúng tôi ăn trước. Mỗi đứa mỗi tô, nội gắp cho miếng cá kho, rau xào để lên mặt rồi của ai tự xúc lấy. Đó luôn là những bữa cơm thú vị, ngon nhất trần đời. Ở đó, có mùi thức ăn thơm phức, cơm nóng hổi, trong đáy mắt nhờ ánh lửa mà soi rõ bóng nội phản chiếu bập bùng. Mỗi đứa đánh chén một bụng no say.
Những buổi chiều lúc đang vào mùa, nông sản sẽ được xe kéo về, hoặc cha mẹ gánh về thả phịch trước hàng hiên. Ngôi nhà lúc đó cũng đã thẫm mờ, mọi người bắt đầu nhẩn nha ngồi xuống, dựa lưng vào những cây cột chống xà. Họ cùng nhau rót nước uống, rũ bỏ những bộ quần áo lao động đẫm ướt mồ hôi, mùi sình bùn ngai ngái theo gió loang về phía khu vườn rộng trước mặt.
Những người phụ nữ gia đình chẳng cần thắp đèn lên, cũng chẳng vội vàng cơm nước. Họ sẽ nói về số lượng và chất lượng của số nông sản vừa mới thu hoạch. Mẹ tính còn bao nhiêu ngày nữa sẽ giải quyết hết những mảnh ruộng còn lại. Bố thì bảo, xong mùa sẽ tu bổ lại cái sân phơi...
Theo năm tháng, những buổi chiều thơ bé dần qua đi, tôi lớn lên có dịp ngồi trên những chuyến tàu để đi xa. Sau ô cửa kính, là những buổi chiều khác nhau, khi mà nơi này tàu chạy qua cánh đồng, nơi khác, tàu băng qua vuông sen, núi đồi hay những mặt nước cạn… Sau cánh cửa, bầu trời dần nhạt nắng. Trên những ngọn cây, ánh sáng dịch chuyển, những cung đường tôi qua cũng không ngừng dịch chuyển, chúng cộng hưởng vào nhau. Tôi trộm nghĩ, trên cuộc đời này, chúng ta là những lữ khách, chẳng có thể chạm vào điều gì, nắm giữ một điều gì mãi mãi.
Tôi luôn tự hỏi, những chái bếp, những ngôi nhà sâu trong phía làng, ẩn mình dưới những tàng cây và bóng mặt trời mỗi ngày đều dịch chuyển ấy, liệu chúng còn giữ được làn khói bếp, liệu có đón được những bước chân trở về của người thân. Liệu ở đó còn có sự yêu thương, đoàn tụ, gắn kết của hai chữ “gia đình”.
Mặt trời, cây cỏ, gió mây thì luôn quen thuộc, nếu từng ấn tượng khuôn hình nào đó một lần thì dù đi qua cung đường nào khác, ta cũng cảm nhận được sự hao hao. Và thiên nhiên trên xứ sở nhiệt đới này không hề vô tình hay hoàn toàn ngẫu hứng. Mỗi mảng miếng, sắc màu mà trời đất, không gian tạo tác theo mùa đều mang tính tượng trưng, lặp lại. Chúng khiến ta rung động, bồi hồi. Không dưng mà ánh ban mai buổi sớm luôn trong veo, tinh sạch, lấp lánh, còn hoàng hôn lại chậm rãi, mờ ảo như việc phủ dần xuống một tấm rèm…
Nhìn hoàng hôn, ai cũng nhớ mẹ, nhớ quê. Nhìn hoàng hôn, ai cũng muốn trở về. Trở về với những chập chiều chập choạng vương mùi củi lửa nơi góc bếp thân quen.
Minh Thi
Chia sẻ bài viết: |
Nghỉ làm khi chưa có chế độ lương hưu nghĩa là bạn phải chốt được vấn đề “sống bằng gì, sống như thế nào?”…
Nhà tôi vẫn còn cái bếp củi bên tường và tủ gạc măng rê trong bếp. Anh em tôi từng đòi bỏ đi, nhưng má không chịu.
Đăng hỏi: “Mẹ muốn con cưới con gái hay con trai?”. Mẹ nói: “Con cưới ai cũng được, miễn là người con thương”.
Bức ảnh này được chụp vào mùng Hai tết Quý Mão 1963, khi ba mẹ tôi đưa các con đến chúc tết bà ngoại. Tôi khi ấy đang… nằm trong bụng mẹ.
Cứ sum vầy là sẽ có tết Trung thu. Vậy nên Trung thu truyền thống hay hiện đại không quan trọng bằng niềm vui bên nhau.
Đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Kim Thủy và Nguyễn Hoàng Sơn mày mò nghiên cứu, phục dựng những mẫu lồng đèn có tuổi đời hàng trăm năm.
Mấy chục năm mới có cơ hội làm lồng đèn cho con, chồng tôi như trở về thời còn là đứa trẻ vô tư, vô lo.
Tôi dạo bước giữa ngược xuôi giữa thị thành, bất giác lại nhớ thương hình bóng của những mùa Trung thu năm cũ, nơi quê nhà.
Cha mẹ chỉ cần "mang con về" là đủ. Con về cha mẹ nào cũng vui, nhà vui, trăng ngày nào cũng tròn.
Chính cú máy không sắp đặt hôm ấy lại là bức chân dung cuối cùng của bà còn sót lại cho đến ngày hôm nay.
Đó cũng là lúc tôi nhận ra được giá trị của sự tự do - tự do làm điều mình muốn, tự do đi những nơi mình thích.
Những chiếc đèn ống lon, đèn chai nhựa tự chế đã đưa chúng tôi đi qua bao mùa trăng đầy ắp tiếng cười...
Tôi không còn sống ở Sài Gòn, mỗi lần thấy những bức ảnh này, tôi lại muốn nói: “Xin chào, người đàn ông lặng lẽ ở góc quán!”.
Ngày Tránh thai thế giới 26/9 nhằm nâng cao nhận thức về việc mang thai ngoài ý muốn, sự nguy hại của phá thai không an toàn.
Vì sao cuộc vui của 2 người mà chỉ có người phụ nữ loay hoay xoay trở khâu “hậu kỳ”?
Sau gần 10 năm kết hôn, tôi quyết định tìm lại giấc mơ thời con gái, đó là leo núi, mong tìm lại cân bằng trong cuộc sống.
Hồi nhỏ, tôi cứ nhìn theo mây trời và đám chuồn chuồn để đoán trời nắng mưa. Đôi khi đó cũng là một khả năng kỳ diệu.
21 mùa Trung thu qua vèo một cái, các con bây giờ đã là 2 cô gái năm cuối đại học, đi đâu cũng như hình với bóng.