Chiếc cối đá thần kỳ

18/08/2021 - 17:17

PNO - Thời bây giờ bột xay bằng máy, ít ai dùng cối đá như ngày xưa. Cái cối làm nên cơm gạo ngày nào giờ nằm im lìm trong kho củi.

Cho đến giờ, nhà tôi vẫn còn chiếc cối đá thật to, nặng nề, nằm lặng lẽ ở góc nhà. Nhìn chiếc cối, tôi như thấy lại một thời khó khăn của gia đình mình, thấy lại hình bóng lam lũ, tảo tần của má tôi bên chiếc cối.

Hồi đó, má tôi có nghề xay bột. Các thứ bánh làm từ bột của má luôn rất ngon, miếng bánh trong veo, dẻo, ngon nức tiếng ở chợ huyện nên má bán rất đắt hàng. Bí quyết làm bột ngon của má thật ra rất đơn giản. Má chọn loại nếp tốt, dùng trái khóm xắt nhỏ trộn vào, ngâm nếp khoảng nửa ngày. Trước khi xay nếp phải lược bỏ xác khóm.

Công đoạn vất vả nhất là xay bột. Lúc nhỏ, tôi có nhiệm vụ phụ má đổ nếp đã ngâm vào cối cho má xay. Múc nếp cũng phải khéo, sao cho lượng nếp và nước phải đều nhau, lúc xay mới không bị nghẹt.

Cái cối rất nặng, người má lại gầy, mỗi lần quay cối, má phải dùng hết sức mới đẩy nổi. Tôi phải canh lúc nếp vừa cạn, má chậm vòng xoay là nhanh tay đổ thêm nếp vào. Nếu để cối dừng hẳn, vòng xoay mất trớn, má đẩy sẽ rất mệt. Cứ thế, má cần mẫn xoay từng vòng cối để chảy ra thứ bột dẻo mịn, trắng ngần.

Tôi chỉ có nhiệm vụ múc nếp đổ vào cối mà cứ than mỏi tay, đau lưng, trong khi hai tay má phải gồng người, dùng hết sức để xoay vòng chiếc cối nặng nề. Lưng má đẫm mồ hôi, tóc mai bết trên mặt, hơi thở hào hển, vậy mà má không than thở, còn động viên tôi: “Ráng đi con, bán được bột nhà mình mới có tiền mua gạo”.

Tôi canh vá nếp cuối cùng vừa xong liền phóng đi chơi, còn má thì cặm cụi rửa cối, đổ mớ bột loãng vào bao vải, rồi dùng chính chiếc cối dằn lên để ép nước ra. Khi bột đã ráo nước, tôi mới chịu chạy về phụ má bẻ từng cục bột nhỏ, để lên chiếc xề tre, mang ra phơi nắng.

Chị em tôi càng lớn, tiền gạo, tiền sách vở áo quần càng nhiều, má phải xay nhiều bột hơn mới đủ chi phí. Đêm đêm, chị em tôi ngồi học bên ánh đèn dầu, nghe dưới bếp tiếng cối đá nghiến vào nhau lộp cộp, tiếng bột chảy long tong.

Những vòng cối nặng nề của má đang chở nặng những ước mơ, hoài bão về tương lai tươi sáng của chị em tôi. Nước mắt tôi lặng lẽ chảy bên trang vở. Tôi dặn các em ráng lo học hành, đừng phụ công của má.

Sau này, khi chị em tôi đã công thành danh toại, có thể lo được cho má, má mới chịu bỏ nghề xay bột. Về già, những ngày lam lũ xưa đã làm má nhức mỏi chân tay, lưng còng hẳn xuống. Nhìn dáng đi lom khom của má, thương đến chảy nước mắt mà không có cách nào bù đắp.

Thời bây giờ bột xay bằng máy, ít ai dùng cối đá như ngày xưa. Cái cối làm nên cơm gạo ngày nào giờ nằm im lìm trong kho củi. Điều thú vị là nhiều người lùng mua cối đá để trang trí cho mấy khu du lịch sinh thái. Họ dựng căn bếp xưa có bếp lò bằng đất, tủ gạc-măng-rê, và không thể thiếu cái cối đá làm nên hồn quê để ở góc nhà.

Có lần về quê, các con tôi và mấy đứa cháu cứ xúm quanh chiếc cối, lạ lẫm hỏi đây là cái gì, dùng để làm chi. Tôi giải thích cho lũ trẻ hiểu và bảo rằng: “Ngày xưa, bà ngoại đã dùng cái cối này xay bột để nuôi mẹ và các dì cậu khôn lớn, ăn học nên người”.

Lũ trẻ tròn mắt ngạc nhiên, kêu: “Cái cối của bà ngoại thần kỳ quá”. Tôi ngậm ngùi thầm nghĩ, không phải cái cối thần kỳ, mà chính má tôi mới thực sự tài giỏi, thần kỳ. 

Nguyễn Minh Trang 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI