Chỉ số hạnh phúc của con

27/03/2016 - 09:22

PNO - Nhiều người bảo rằng những bé sống cảm xúc lớn lên sẽ khổ. Nhưng với riêng tôi, là một người mẹ, tôi thấy con mình sống cảm xúc cũng tốt...

Chi so hanh phuc cua con
Ảnh minh họa

Tôi không rõ ở tuổi lên ba, một đứa bé hiểu thế nào là hạnh phúc, nhưng đây là từ mà con trai tôi dùng nhiều lần hàng ngày để diễn đạt cảm xúc của mình và để thể hiện sự quan tâm đến ba mẹ, bắt đầu từ khi vừa thức giấc cho đến khi đi ngủ.

1. Gần đây, mỗi sáng thức dậy con trai thường nói: “Hôm nay trời năng nắng. Mẹ có hạnh phúc không?”. Và tôi luôn trả lời: “Cám ơn con, mẹ đang hạnh phúc”. Con trai tôi lại tiếp tục: “Con cũng hạnh phúc nữa”.

Ban đầu, những câu hỏi này chỉ xuất hiện thỉnh thoảng và tôi khá bất ngờ. Nhưng khi nghe bé hỏi nhiều lần trong ngày, tôi tin là con trai mình đã đạt đến cột mốc biết định lượng và quan tâm đến cảm xúc.

Em hay hỏi kiểu:

- Mẹ có hạnh phúc không?

- Mẹ ơi, mẹ đang bịnh hả?

Và khi hỏi, con tôi luôn mong chờ một câu trả lời rõ ràng, nghiêm túc từ ba mẹ chứ không phải là những câu hỏi qua loa. Thường khi em bé nhà mình hỏi như vậy dù có đang mỏi mệt hay phiền lòng mình đều trả lời:

- Ừ, mẹ đang thấy vui/ổn...

Và rồi em ấy sẽ phản hồi:

- Con cũng thấy vui nữa.

2. Từ trước khi quyết định có con, vợ chồng tôi đã thống nhất với nhau rằng chúng tôi sẽ không dạy con bằng cách la mắng hay đánh đòn. Chúng tôi hiểu bạo lực không bao giờ là giải pháp cho bất kỳ sự giáo dục nào. Để giữ được cam kết này không phải là điều dễ dàng, ai có con nhỏ cũng biết, đôi khi sự bướng bỉnh của trẻ vượt quá giới hạn chịu đựng của cha mẹ.

Những lúc đó, chúng tôi rất kiềm chế và tự nhủ: mình nổi giận với con chỉ là để giải tỏa cảm xúc tức giận chứ con có học được gì từ đó đâu. Chọn cách làm con sợ là vì ba mẹ thiếu kiên nhẫn và vì sự tiện lợi cho chính mình hơn là sự phát triển của con cái.

Thay vào đó, những lần con bướng bỉnh hoặc không nghe lời, chúng tôi thường nói: “Alex, điều đó không đúng. Con làm mẹ/ba buồn quá”, hoặc “Con làm ba/ mẹ không thấy vui”. Cách giao tiếp này luôn luôn hiệu quả trong gia đình chúng tôi.

Ban đầu, chúng tôi dùng cách nói này chỉ để diễn đạt là con mình đang làm một việc thiếu đúng đắn và hy vọng con sẽ dừng lại. Từ lúc nào không biết con trai tôi chủ động thể hiện sự quan tâm đến cảm xúc của ba mẹ. Có những ngày ngay khi vừa ngủ dậy con trai tôi đã nhìn ra cửa sổ phòng rồi nói: “Mẹ ơi, hôm nay trời nắng kìa. Mẹ có vui không?”.

3. Biết mẹ không vui khi bé chơi điện thoại, muốn mượn điện thoại bé thường bắt đầu quan tâm đến cảm xúc của mẹ:

- Mẹ có ổn không? Mẹ có đang vui không?

- Không, mẹ đang thấy phiền.

- Con cũng buồn quá mẹ ơi!

- Sao vậy, sao con buồn? Có chuyện gì sao?

- Con buồn bởi vì mẹ không vui. Vui lên đi mẹ.

- Mẹ vui rồi. Con hết buồn chưa?

- Con cũng vui rồi. Mẹ có chắc là mẹ vui không?

- Ừ, mẹ vui mà.

- Vậy cho con mượn điện thoại của mẹ đi. Nếu mẹ không cho mượn thì cuộc đối thoại sẽ bắt đầu lại từ đầu và em bé lại tiếp tục hỏi “Mẹ có thấy ổn không, con cũng buồn vì mẹ đang không vui...”. Cứ vậy cho đến khi em bé làm mẹ thấy vui dù miễn cưỡng đưa điện thoại.

4. Và các từ vui, hạnh phúc cũng là những từ mà con trai tôi dùng để nhận xét về người khác. Như cách em ấy nói về cô giáo của mình “Mẹ ơi, cô Hương rất tốt. Cô Hương lúc nào cũng vui”.

Hoặc ngay sau khi giúp ai làm chuyện nhỏ gì đó xong, em bé ấy hay chạy lại khoe với mẹ: “Mẹ ơi, con mới vừa giúp chú, chú rất vui và còn cười nữa”.

Nhiều người bảo rằng những bé sống cảm xúc lớn lên sẽ khổ. Nhưng với riêng tôi, là một người mẹ, tôi thấy con mình sống cảm xúc cũng tốt nếu con lấy từ “vui vẻ/hạnh phúc” làm hệ quy chiếu và định hướng cảm xúc của mình. Chỉ số hạnh phúc của con chính là điều tôi quan tâm nhất trong việc nuôi dạy bé. Đây không phải là điều mơ hồ mà thể hiện rất rõ trong cách bé diễn đạt cảm xúc hạnh phúc của mình và quan tâm đến cảm xúc vui vẻ của những người xung quanh.

Mong con luôn dùng từ “vui vẻ” để làm giá trị quy đổi chính cho mọi thứ diễn ra trong đời mình, cả bây giờ và mai sau.

Nhất Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI