Anh Quốc, bạn trai con dù có điểm thi không cao nhưng cũng đủ để nộp hồ sơ đại học vào trường dân lập, quốc tế gần nhà tại TPHCM. Nhưng Quốc lại nhất quyết chọn trường “bình dân” ở tỉnh lẻ. Con khuyên nhủ hết lời và cảnh báo nguy cơ phai lạt tình cảm. Quốc vẫn quyết “dứt áo ra đi”, viện cớ “dù ba mẹ có đủ tài chính để đóng học phí cao cho Quốc nhưng còn phải để dành tiền lo cho đứa út nữa”.
Có phải Quốc đã quen mối khác nên cố tình đăng ký học xa để chia cắt con? Từ nửa năm nay, Quốc ít chủ động hẹn hò. Con hỏi thì Quốc nói 2 đứa phải dồn sức cho năm cuối cấp (Quốc lên đại học còn con lên lớp 10). Con có nên nói lời chia tay trước khi Quốc đi học xa?
Thiên Quỳnh (phường Hiệp Bình, TPHCM)
 |
Ảnh minh họa: Internet |
Ngưỡng cuối cấp II, học sinh đang ở độ tuổi vị thành niên, giai đoạn có nhiều biến động về tâm sinh lý, cảm xúc. Tình cảm ở lứa tuổi này thường mang tính chiếm hữu, lãng mạn, có xu hướng quấn quýt, “thường trực” bên nhau mới cảm thấy an toàn và được yêu thương.
Còn lứa cuối cấp III bước qua đại học là đặt 1 chân vào giai đoạn trưởng thành độc lập. Thanh niên có xu hướng khám phá thế giới bên ngoài, tự khẳng định bản thân và thoát ra khỏi vùng an toàn. Thử thách trải nghiệm yêu xa của Quốc là 1 trong những biểu hiện tâm sinh lý ngưỡng cửa vào đời này chăng?
Nếu con lập luận theo hướng "buộc tội" Quốc thì có vô vàn lý lẽ và chúng lại kết chuỗi nhau, vô tình xếp thành “thang cuốn” đưa người này "đăng xuất" khỏi trái tim người kia. Đây chỉ là học tỉnh khác, còn những bạn du học thì chẳng lẽ đa số có động cơ “đổi bồ” hay kết cuộc chia ly?
Tại sao con chọn mốc “Quốc đi tỉnh học” để tuyên bố cắt đứt mà không phải là khi đã thấu hiểu tâm tư Quốc và đo lường mức độ tình cảm từ 2 phía? Như thế khác nào con đưa “chiếc vé xe” liên tỉnh để Quốc rời xa thành phố “ngay và luôn”. Lòng còn muốn duy trì mối quan hệ, con lại xài hao “dao kéo” khiến hành trình yêu thương mang thêm vết trầy, vết sẹo. Sẽ dễ “lờn thuốc” và mất cảm hứng nếu người đòi chia tay sau đó cứ chủ động kết nối lại, “nộp đơn xin yêu tiếp”.
Cùng với nghi vấn “anh ấy thay lòng khi nằng nặc đòi đi học xa?”, con thử đặt thêm các câu hỏi: “Anh có hụt hẫng khi nhận kết quả thiếu điểm đăng ký vào trường công tại TPHCM?”, “Anh có quá áp lực về món nợ “cơm cha áo mẹ chữ thầy”?”, “Ngành và trường anh định theo đuổi có gì đặc biệt?”, “có điều gì ở gia đình mà anh chưa tiện thổ lộ với em?”…
Con cần xác định lại nguyện vọng mong được song hành với bạn trai. Song hành ở đây phải thoát khỏi tầm nghĩa hẹp là suốt ngày kè kè bên nhau mà luôn có hình bóng, tiếng nói của “nửa kia” trong tâm tưởng, nhất là những lúc khó khăn, thử thách, rối bời...
Thay vì “lật tẩy” Quốc cố tình chọn học xa để thay thuyền đổi bến, con hãy họa cho Quốc nhìn thấu bức tranh tâm trạng của con. Ví dụ: “Xa nhau lâu ngày chắc nhớ lắm, không biết mình chịu nổi không?”, “Mai mốt anh vào học lu bu, sợ không thể bắt xe về thăm em vào mỗi cuối tuần được. Mà về hoài thì chi phí di chuyển tốn kém, học phí rẻ cũng thành mắc”, “Mình thử tìm thêm các giải pháp khác để anh vẫn học trường phù hợp mà được gần nhà, gần em...”.
Tất nhiên, ta không loại trừ khả năng Quốc có bóng hồng khác. Nhưng đã yêu thì luôn phải trong trạng thái cạnh tranh lành mạnh. Kết hôn rồi cũng vậy, hãy cho đối phương thấy mình luôn đáng yêu, hòa hợp, là nguồn vui, hạnh phúc mà không thể có ai thay thế. Đâu ai muốn rời xa một người dễ thương, hiểu mình, là điểm tựa tinh thần và đã có thời gian dài gắn bó. Nếu thực sự có tình cảm với người khác, thái độ của Quốc đã thay đổi rõ rệt như thờ ơ, né tránh hoặc cáu gắt khi bạn gái đề cập đến tương lai chung, chứ không chỉ là giảm tần suất hẹn hò.
Con hãy tự tin, thẳng thắn chia sẻ, gợi mở, cung cấp thông tin giúp Quốc tìm giải pháp tối ưu nhưng vẫn cần tôn trọng quyết định của anh ấy. Nếu phải yêu xa thì cả 2 cùng thiết kế phiên bản mới với những hạng mục lãng mạn, sôi động, “tuy xa mà gần”.
Yêu xa không hề là dấu chấm hết mà là lối dẫn vào cung đường mới. Con đừng quên dành thời gian chăm sóc bản thân và theo đuổi những mục tiêu cá nhân để thật rộng đường ở ngưỡng cửa đại học.
Bác sĩ Hoa Tiêu