Hiểm họa khi vi nhựa xâm nhập cơ thể

27/07/2025 - 11:48

PNO - Chính phủ và TP Hà Nội vừa ban hành các chính sách nhằm hạn chế, ngăn chặn rác thải nhựa để bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân trước tác động của sản phẩm nhựa. Vậy, các sản phẩm chứa vi nhựa âm thầm “đầu độc” sức khỏe con người như thế nào?

Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cảnh báo, vi nhựa hiện diện ở khắp nơi, len lỏi vào cơ thể chúng ta mỗi ngày mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hệ quả là, sau khi bị phân rã trong môi trường sẽ tạo ra các hạt vi nhựa có kích thước siêu nhỏ, thường dưới 5mm, thậm chí chỉ vài micromet hoặc nanomet, đủ để vào cơ thể con người xuyên qua màng tế bào, vào máu, não và cả nhau thai.

Một cửa hàng ở chợ Văn Chương (phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP Hà Nội) đựng đồ uống trong các ly nhựa dùng 1 lần - ẢNH: BẢO KHANG
Một cửa hàng ở chợ Văn Chương (phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP Hà Nội) đựng đồ uống trong ly nhựa dùng 1 lần - Ảnh: Bảo Khang

Một nghiên cứu tổng hợp bởi Đại học Newcastle (Úc) và WWF chỉ ra, ước tính trung bình mỗi người có thể hấp thụ khoảng 5gr vi nhựa mỗi tuần, hoặc khoảng 250gr mỗi năm. Nếu tính theo con số này, theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, mỗi tuần, một người có thể ăn phải lượng vi nhựa tương đương với 1 chiếc thẻ ngân hàng; mỗi tháng tương đương 1 viên gạch Lego; mỗi thập kỷ, lượng vi nhựa tích tụ có thể bằng 1 chiếc phao cứu sinh. Trong suốt cuộc đời, con người có thể nạp vào cơ thể lượng vi nhựa đủ để lấp đầy 1 thùng rác lớn.

Vi nhựa có thể gây ô nhiễm trong cơ thể người bằng nhiều cách. Khi đi vào máu, chúng có thể len lỏi tới các cơ quan quan trọng như gan, thận, phổi và đặc biệt là não. Tại não bộ, vi nhựa gây phản ứng viêm, tạo ra stress ô xy hóa và phá vỡ cân bằng sinh học tế bào, ảnh hưởng đến thần kinh trung ương. Điều nguy hiểm là chúng ta không thể cảm nhận ngay lập tức các tác động này. Quá trình tích tụ là âm thầm nhưng dai dẳng, kéo dài hàng chục năm và để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe, đặc biệt là các thế hệ tương lai.

Nhiều nghiên cứu quốc tế đã xác nhận mối nguy hiểm này. Nghiên cứu đăng trên Environment International phát hiện có tới 80% mẫu máu người khỏe mạnh chứa vi nhựa, có thể theo máu đến mọi cơ quan nội tạng. Gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện vi nhựa trong các mảng xơ vữa động mạch của bệnh nhân tim mạch. Điều này cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm vi nhựa và nguy cơ đột quỵ.

Vi nhựa cũng đã được phát hiện trong nhau thai người. Một nghiên cứu khác tại Mỹ, do Đại học New Mexico thực hiện cho thấy, kiểm tra nhau thai của 61 phụ nữ đều chứa vi nhựa với mật độ trung bình 128,6 microgram/gram. Loại nhựa phổ biến nhất trong mẫu vật là nhựa dùng trong túi ni-lông và chai lọ, chiếm 54%.

Các loại nhựa cũng có mức độ gây độc khác nhau. Bác sĩ Phúc cho biết, các loại hạt như Polyethylene Terephthalate (PET), High-Density Polyethy(HDPE) và Low-Density Polyethylene (LDPE) là nhóm tương đối an toàn, trong khi Polyvinyl Chloride (PVC) và Polystyrene (PS) cần phải hạn chế hoặc tránh hoàn toàn. Đáng lưu ý, PS (thường có trong hộp xốp đựng đồ ăn) có thể giải phóng styrene (chất được chứng minh là gây ung thư) ở nhiệt độ cao.

Ngoài ra, các chất phụ gia để sử dụng khi sản xuất nhựa cũng nguy hiểm. Điển hình như chất BPA và PAE, được thêm vào để tạo độ dẻo và dai cho nhựa, là các chất có thể hoạt động như hormone estrogen giả, gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, làm dậy thì sớm ở trẻ và mãn kinh sớm ở phụ nữ. Phụ gia này có thể ngấm vào thức ăn, đặc biệt khi dùng hộp nhựa hoặc hộp xốp ở nhiệt độ cao.

“Một số ly, hộp giấy tưởng an toàn nhưng bên trong có lớp màng nhựa chống thấm - cũng là sản phẩm chứa chất độc hại, đặc biệt khi tiếp xúc với nhiệt độ cao” - bác sĩ Trần Văn Phúc nói thêm.

Bác sĩ Phúc nhấn mạnh rằng, để thay đổi, phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Khi người dân hiểu, họ sẽ lựa chọn sản phẩm tốt hơn. Ví dụ, thay vì dùng hộp xốp hay chai nhựa kém chất lượng, có thể chuyển sang hộp thủy tinh, inox, hoặc bao bì giấy không phủ màng nhựa. Trong dài hạn, các quốc gia cần luật hóa việc ghi rõ loại nhựa trên bao bì như Mỹ, Nhật Bản đã làm, nhằm minh bạch hóa nguồn gốc vật liệu và cảnh báo người tiêu dùng.

Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần

Ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu thí điểm việc cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như ly, ống hút, hộp, khay, bao bì tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cửa hàng đồ uống ở nội đô TP Hà Nội, bắt đầu từ quý IV/2025.

Ngày 10/7, HĐND TP Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 22/2025 quy định về việc giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo nghị quyết này, lần lượt kể từ ngày 1/1/2026 và 1/1/2028, khách sạn, khu du lịch, chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Kể từ ngày 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm trên.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI