Diễn đàn "Ý kiến GEN Z" - Không gian để sẻ chia

Ngày nào cũng gặp, việc gì phải chào hỏi nhau?

27/07/2025 - 09:52

PNO - “Ngày nào cũng gặp, chào hỏi làm gì”. Cùng ý nghĩ đó nên cả người thân trong nhà, những người hay ghé chơi, cũng không nhận được câu chào hỏi của cháu.

Gen Z không có thói quen chào hỏi nơi môi trường công sở - Ảnh minh họa: Freepik
Gen Z không có thói quen chào hỏi nơi môi trường công sở? - Ảnh minh họa: Freepik

Ở cơ quan tôi đang làm việc có 2 em vào thực tập. Theo yếu tố công việc thực tập không bắt buộc ngồi yên một chỗ nên mỗi ngày 2 em chỉ ghé chút rồi đi.

Phòng tôi ngồi còn có chỗ của chú tài xế dành cho những lúc không phải chạy xe. Buổi sáng, khi 2 em thực tập vừa rời đi, chú chép miệng: “Sao đám trẻ bây giờ chẳng biết chào hỏi gì”. Tôi mới để ý, đúng là 2 em ra vào rất ít khi chào hỏi. Trong khi, ngồi cùng phòng cũng chỉ có tôi và chú tài xế là cố định.

Có lẽ, các em ấy không có thói quen chào hỏi người lớn, hoặc là chỉ chào hỏi đúng người phụ trách, tôi cũng không rõ.

Hôm nọ, chị gái tôi kể tội con gái chị đang ở độ tuổi cấp III. Chị nhắc nhở cháu sao gặp hàng xóm không chào hỏi gì. Cháu tỉnh queo: “Ngày nào cũng gặp, chào hỏi làm gì cho mất công”. Cùng ý nghĩ đó nên cả người thân trong nhà, những người hay ghé nhà chị chơi cũng không nhận được câu chào của cháu bao giờ. Thế nhưng, đứa con trai lớn của chị thì từ nhà ra đến đầu hẻm, gặp ai cũng chào, hỏi chuyện vui vẻ.

Chị tặc lưỡi: “Đấy, dạy dỗ như nhau mà mỗi đứa mỗi tính cách. Giờ con gái ở tuổi này cũng không biết nói sao cho con chịu nghe. Làm căng quá cũng không được, tuổi của con dễ nổi loạn”. Vậy nên thấy con ương bướng, ngang ngược chẳng coi ai ra gì, chị chỉ biết ôm nỗi buồn trong lòng. Mong đến một lúc nào đó con sẽ tự nhận ra để điều chỉnh.

Nhìn đám trẻ, tôi nhớ lại mình ngày xưa ở tuổi ấy. Đúng là có những sự việc chẳng nghe người lớn. Chỉ đợi khi ra đời, va vấp các kiểu mới tự rút kinh nghiệm.

Có cả những kỹ năng mà chỉ khi bước chân vào môi trường làm việc mình mới học được từ cấp trên, đồng nghiệp hay những người có cơ hội tiếp xúc.

Tôi nhớ những năm đầu đi làm, khi nghe sếp nói gửi tài liệu liên quan công việc cho sếp qua email, tôi thật thà gửi đúng tài liệu, chẳng có dòng nội dung nào. Sau đó, nhận được email của khách hàng, tôi thấy họ chỉn chu đến từng câu chữ, lời lẽ nhã nhặn dễ nghe, tuy cũng chỉ là gửi file thông tin như đã trao đổi qua điện thoại. Từ lần đó, tôi học được cách viết một email hoàn chỉnh. Mỗi lần gửi đi luôn tự tin là mang lại sự dễ chịu cho người nhận.

Cuộc sống là chuỗi hành trình học hỏi không ngừng. Ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có những điều cần học hỏi. Mà chính những bài học rút ra từ hành trình tự thân mới khiến mình nhớ lâu nhất.

Đi qua những tháng ngày tuổi trẻ, thỉnh thoảng nhìn lại, tôi nhận ra mình còn quá nhiều thiết sót. Có những điều khiến tôi nhói lòng khi nhớ lại. Khi nhìn lại và nhận ra, cũng là lúc bản thân đã đi qua biết bao thiếu sót. Có những thiếu sót bù đắp được phần nào, có những thiếu sót hằn sâu nỗi day dứt trong lòng. Nhưng có lẽ tuổi trẻ nào cũng khó tránh khỏi.

Vậy nên tôi tin đến một lúc nào đó các em sẽ nhận ra việc chào hỏi không chỉ là nghi thức, thể hiện phép lịch sự trong giao tiếp mà còn là sự tôn trọng, nhận biết sự hiện diện của người khác. Đó cũng chính là nền móng để xây dựng các tương tác xã hội không thể thiếu đối với mỗi người.

Diễn đàn “Ý kiến Gen Z - Không gian để sẻ chia”

Mỗi thế hệ đều có tiếng nói riêng. Gen Z - người trẻ giữa thế giới nhiều chuyển động - cũng có những suy nghĩ, cảm xúc, trăn trở về các vấn đề trong cuộc sống.

Diễn đàn “Ý kiến Gen Z” là nơi lắng nghe những góc nhìn ấy - một không gian để nói điều mình nghĩ, viết điều mình cảm nhận. Đây còn là nhịp cầu đối thoại giữa Gen Z với các thế hệ đi trước để hiểu nhau hơn, đồng hành cùng nhau tốt hơn.

Nếu có điều muốn sẻ chia, bạn có thể gửi bài từ 600-800 từ đến: ykienGenz@baophunu.org.vn.

Ban Mai

Ý kiến GEN Z
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI