Cuộc đua vắc xin COVID-19 nội địa ở châu Á

25/08/2021 - 06:12

PNO - Cuộc chạy đua phát triển vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước ở châu Á đang diễn ra vô cùng khẩn trương trước sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn thế giới, biến thể Delta khiến ca nhiễm và tử vong khu vực này ngày càng trầm trọng.

Ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore và Campuchia, các nước còn lại đều rơi vào tình trạng thiếu vắc xin nghiêm trọng. Các khoản tài trợ gần đây của Mỹ và thế giới chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu. Các quốc gia hiện đang cố gắng giải quyết các rào cản pháp lý đối với việc phát triển vắc xin và tăng cường năng lực sản xuất để có thể chủ động hơn trong việc đối phó với đại dịch.

Tại Thái Lan, có chưa đến 10% dân số được tiêm chủng đầy đủ dù quốc gia này đã tận dụng tất cả các loại vắc xin được cấp phép như Sinovac, Sinopharm, AstraZeneca và Pfizer. Mặc dù đang sản xuất vắc xin AstraZeneca theo giấy phép nhưng Thái Lan cũng đang phải cố gắng mượn 150.000 liều từ Bhutan.

Vắc-xin Nanocovax do Công ty Công nghệ Sinh học Dược phẩm Nanogen phối hợp với Học viện Quân y Việt Nam phát triển đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba
Vắc xin Nanocovax do Công ty Công nghệ Sinh học Dược phẩm Nanogen phối hợp với Học viện Quân y Việt Nam phát triển đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn cầu hiện có 112 loại vắc xin COVID-19 đang được phát triển lâm sàng. Con số đó ở Đông Nam Á là 16. Trong đó, vắc xin Nanocovax của Việt Nam hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và hứa hẹn sẽ có mặt trong thời gian không xa. Trong khi Thái Lan có sáu loại vắc xin đang được thử nghiệm và ba trong số đó được thử nghiệm từ đầu năm nay. Mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất khu vực nhưng Singapore không tự loại mình ra khỏi cuộc đua vắc xin. Hiện có ba loại vắc xin đang được quốc gia này phát triển và thử nghiệm lâm sàng.  

Các cơ quan y tế ở Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ cũng đã nhanh chóng đẩy mạnh công tác sản xuất vắc xin bằng cách cấp phép khẩn cấp để sử dụng các loại vắc xin được phát triển trong nước chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.

Ngày 23/8, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Trung Quốc) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Medigen trong trường hợp khẩn cấp. Đầu năm nay, vắc xin Covaxin của Ấn Độ (được phát triển bởi Bharat Biotech International) cũng được cấp phép khẩn cấp và bắt đầu sử dụng từ đầu tháng Ba. Gần đây nhất là ngày 21/8, vắc xin thứ hai của Ấn Độ và là loại vắc xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới không dùng kim tiêm ZyCoV-D đã được duyệt. Vắc xin này sẽ được sử dụng cho trẻ em từ 12-18 tuổi trở lên và sẽ được dùng rộng rãi vào tháng Mười tới. Ngoài ra, Ấn Độ còn có ít nhất 15 loại vắc xin COVID-19 nội địa đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó nhà sản xuất Zydus Cadila đang thử nghiệm vắc xin cho trẻ từ 3 tuổi.

Hàn Quốc thì đang sản xuất bốn loại vắc xin COVID-19 khác nhau theo giấy phép và đang đặt mục tiêu nằm trong top 5 nhà sản xuất vắc xin toàn cầu vào năm 2025. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết cung cấp tất cả nguồn lực để phát triển vắc xin. Phát biểu trong tháng này, ông nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện một bước nhảy vọt để trở thành một trong năm nhà sản xuất vắc xin toàn cầu hàng đầu vào năm 2025”. Các chuyên gia cho biết Hàn Quốc có khả năng sản xuất dược phẩm sinh học lớn nhất thế giới và đã xuất khẩu số hàng hóa trị giá 5,1 tỷ USD vào năm ngoái, đủ khả năng để trở thành một thế lực lớn trong ngành công nghiệp vắc xin toàn cầu. Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, các loại vắc xin tự sản xuất của nước này sẽ được đưa vào sử dụng cho người dân vào năm tới.

Nhật Bản cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Hiện có ít nhất bốn công ty đang trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau. Tuy nhiên, trước “độ phủ” tiêm vắc xin nhập khẩu cho người dân ở quốc gia này hiện nay, các công ty dược phẩm có thể sẽ phải ra nước ngoài để tìm đối tượng thực hiện các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. 

Khánh Anh (theo AFP, Straits Times

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI