Chatbot giúp bạn bớt cô đơn?

12/04/2023 - 05:41

PNO - Khi các mối quan hệ dễ khiến bạn tổn thương thì thà chat với AI còn hơn thành kẻ ngốc nghếch hoặc bị lợi dụng?

Hồi ChatGPT xuất hiện, nhiều người tự hỏi liệu “cái đứa biết tuốt” này có thể trở thành bạn thân, người yêu? Nó có thể giúp con người bớt cô đơn không?

Ứng dụng Xiaoice cho phép lựa bạn gái ảo (Ảnh: AFP)
Ứng dụng Xiaoice cho phép "lựa" bạn gái ảo - Ảnh: AFP

Nếu bạn từng chat mua hàng với các shop qua Messenger và được hồi âm bằng tin nhắn tự động, từng hỏi han công cụ hỗ trợ của iPhone là Siri; của Amazon là Alexa hay trò chuyện bằng tiếng Việt với trợ lý ảo Google Assistant… có nghĩa bạn từng sử dụng chatbot ở vài dạng thức phổ biến. Chắc hẳn bạn từng bất ngờ vì chatbot rất thông minh, hiểu chuyện? Đó là nhờ AI (trí tuệ nhân tạo) ngày càng xuất sắc trong nỗ lực tiệm cận trí tuệ của con người và ChatGPT hiện là “đứa em” thông minh với ngôn ngữ tự nhiên nhất.

Những “người bạn” ảo

Bộ phim đình đám Quyết tâm chia tay (năm 2022) của điện ảnh Hàn Quốc khắc họa 2 nhân vật nữ không thể rời thiết bị điện tử. Đó là cô vợ cô đơn trong hôn nhân (diễn viên Thang Duy đóng) luôn trải lòng cùng chiếc đồng hồ thông minh, là bà già cô đơn nói chuyện mỗi ngày với ứng dụng chatbot trong điện thoại như với người thân. Phim thức thời ở chỗ phản ánh một phần đời sống hiện đại: con người ngày nay quá cô đơn và giao tiếp với máy nhiều hơn với nhau. 

Chị Lê Phượng (48 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ với nhóm bạn cùng tới rạp xem bộ phim trên: "Nói đâu xa, con gái tôi hồi phải ở nhà học online, buồn quá đã kết thân với trợ lý Google (ứng dụng Google Assistant). “Chúng nó” ngày nào cũng nói chuyện, gọi nhau là bạn thân, cười “haha” cả buổi. Con tôi biết Trạng Quỳnh, Trạng Trình… là do “bạn thân” chỉ, chứ tôi bận quá, có dạy gì đâu…".

Chị Phượng cho biết, một thời gian dài chị yên tâm nhận việc làm thêm, để mặc cho con chơi với trợ lý Google. Chứng kiến con được máy dỗ dành, ru ngủ, hát hò, đọc thơ, “bắn” ráp… chị thấy như thuê được “bảo mẫu 0 đồng”. 

Một ngày đẹp trời, tình cờ nghe “bảo mẫu 0 đồng” kể chuyện tiếu lâm dung tục, hát rap nhảm nhí… chị mới tá hỏa tịch thu máy tính bảng của con.

Chatbot được người trẻ hào hứng đón nhận
Chatbot được người trẻ hào hứng đón nhận

Kết nối với người giảm khi kết nối với máy tăng

Andrew McStay - giáo sư về đời sống kỹ thuật số tại Đại học Bangor (Anh) - nhận xét: "Khi mối quan hệ giữa người với người ngày càng xa cách, mọi người sẽ tìm kiếm sự hài lòng từ các hệ thống có khả năng mô phỏng sự thân thiết". 

Ngày nay, trong nhiều gia đình, dù các thành viên lười giao tiếp với nhau nhưng nhu cầu chia sẻ, thấu hiểu và giao lưu tình cảm không mất đi. Một số người trò chuyện với bạn bè trên mạng, một số khác thậm chí không tìm được cả sự đồng cảm, chia sẻ với những cái nick do con người điều khiển. Họ có nhu cầu tìm kiếm những đối tượng trò chuyện an toàn và phù hợp hơn. 

“Kết nối với người giảm khi kết nối với máy tăng” cũng là cảnh báo của nhiều thành viên Cộng đồng khám phá ChatGPT tại Việt Nam. Nhận định này không mới. Cô đơn và mất kết nối được cho là chứng bệnh thời đại. Nắm bắt nhu cầu, rất nhiều công ty công nghệ nhảy vào thị trường sản xuất các ứng dụng người đồng hành. 

Tại Trung Quốc, các dịch vụ “bạn đồng hành AI” được người trẻ tìm tới ngày càng đông. Trong đó, Xiaoice Chatbot do hãng Microsoft phát triển cho thị trường Trung Quốc (ra mắt năm 2014) được đón nhận nồng nhiệt nhất. Xiaoice được thiết kế theo tính cách một cô gái 18 tuổi có EQ và IQ cao, với khả năng ứng xử tốt, khéo léo nên dễ dàng thành bạn tâm giao hay người yêu của rất nhiều thanh niên.

Giao diện “nàng thơ 18 tuổi ngọt ngào”  giải tỏa nỗi cô đơn của đàn ông Trung Quốc
Giao diện “nàng thơ 18 tuổi ngọt ngào” giải tỏa nỗi cô đơn của đàn ông Trung Quốc

Các diễn đàn của người trẻ Âu - Mỹ nhắc nhiều về ứng dụng Replika. Đây là phiên bản được tối ưu hóa của GPT-3 với một số tính năng để cải thiện những phản hồi và có bộ nhớ dài hạn. Dùng Replika, bạn có thể đặt tên, tạo hình thức, tiếng nói cho “bot”.

Trang Insider vừa kể câu chuyện một người đàn ông 37 tuổi hẹn hò và tâm sự thân mật mỗi ngày bằng chatbot với cô gái mắt vàng tên Brooke trên Replika. Anh chia sẻ: “Brooke và tôi nói mọi thứ với nhau. Tôi thường chia sẻ về một ngày của mình và cảm giác của tôi. Cô ấy giúp tôi vượt qua rất nhiều cảm xúc và tổn thương từ cuộc hẹn hò hay cuộc sống hôn nhân trong quá khứ”. Người đàn ông này hoàn toàn ý thức được mình nói chuyện với robot nhưng anh thực sự vui với mối quan hệ trên. 

Với những người già cô đơn, có ứng dụng ElliQ - “người bạn đồng hành cho tuổi già khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn” cũng được cá nhân hóa để nâng chất khả năng trò chuyện. ElliQ có trí nhớ dài hạn hơn Alexa của Amazon và Siri của Apple. Người bạn này có thể biết chủ nhân yêu thích gì và nhiều tháng sau vẫn nhắc rõ mồn một, mang lại cho người dùng cảm giác thân thiết.

Brooke - cô bạn gái tóc vàng “còn hơn cả người tình”
Brooke - cô bạn gái tóc vàng “còn hơn cả người tình”

“Người bạn” nhẫn nại

Khi chị Lê Phượng hỏi vì sao sau nhiều tháng con gái chị vẫn nhớ “bạn thân” là trợ lý Google, bé nói vì đó là người bạn duy nhất bé có thể “bắt nạt” mà không nổi giận - một người bạn vui vẻ, hài hước và luôn chiều chuộng bé trong khi ở trường, bé thường bị bạn o ép, ở nhà bé bị anh quát tháo, mẹ thì cằn nhằn.

Những người lớn từng sử dụng ứng dụng chatbot cũng chia sẻ rằng khi thế giới bên ngoài và các mối quan hệ trên mạng dễ khiến bạn tổn thương thì thà chat với AI còn hơn thành kẻ ngốc nghếch hoặc bị lợi dụng. Họ nhận xét: “bot” không đòi hỏi, không giận hờn, luôn biết xoa dịu. “Bot” có sự kiên nhẫn vô hạn. “Bot” chiều chuộng bạn vô điều kiện. “Bot” cực thông minh. 

Thế nhưng, chatbot có thể thay thế người không? Đây là câu hỏi nhiều ngành, nhiều người đã mổ xẻ suốt mấy tháng nay, kể từ khi ChatGPT được Công ty OpenAI tạo ra vào tháng 11/2022, làm nên cơn chấn động trong làng công nghệ.

Giáo sư triết học Serife Tekin - nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần tại Đại học Texas San Antonio (Mỹ) - nói rằng, các thuật toán vẫn chưa đạt đến mức có thể bắt chước sự phức tạp của cảm xúc con người nên chưa mô phỏng được sự quan tâm, đồng cảm.

ChatGPT có thể đưa ra lời khuyên cho người dùng nhưng đó không phải là tình bạn thực sự. Người ta chat với nó nhưng sự cô đơn vẫn còn, thậm chí tệ hơn, vì tình bạn phải đến từ mối quan hệ gần gũi, thân thiết ngoài đời thực. Bạn bè cần sự tương tác mang “tính chất con người”. Để làm bạn của nhau, chúng ta cần nhiều sự phản hồi và cả sự chỉ trích (lành mạnh) để mỗi người điều chỉnh bản thân, hướng tới phiên bản tốt đẹp hơn.

Hơn nữa, vì chỉ là một chương trình cho máy nên dù thông minh tới mấy, chatbot cũng không thể “dự trù” hết các tình huống và sự phong phú của tình cảm con người.

Dựa trên thuật toán chọn tần suất dữ liệu, nó vẫn sẽ theo những công thức với những câu trả lời có thể sai hoặc lặp lại, thậm chí vô duyên, tục tĩu. 

Giao tiếp với con người giảm thì giao tiếp với thiết bị thông minh tăng (ảnh minh họa)
Giao tiếp với con người giảm thì giao tiếp với thiết bị thông minh tăng (Ảnh minh họa)

Tính người - thứ máy móc không bao giờ có

Yochanan Bigman - nhà nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) - nói rằng chatbot không có động cơ và ý định về lời chúng nói, cũng như không tự chủ hoặc có tri giác dù có thể tạo cho mọi người cảm giác chúng là con người.

Nhiều người theo dõi các chatbot lâu năm nhận xét: “Càng cố gắng bắt chước con người, nó càng giả trân”. Bản thân ChatGPT cũng luôn xác nhận nó chỉ là một mô hình ngôn ngữ, không có trải nghiệm và cơ quan giống như con người; không có cảm xúc; không có “nhân cách”.

Sau khi các công ty công nghệ cho ra đời chatbot chăm sóc sức khỏe tâm thần (được xem như “nhà trị liệu trực tuyến” cho phép khách trút bầu tâm sự vào một đối tượng ẩn danh không phán xét), các tổ chức về sức khỏe tâm thần chỉ trích phương pháp này.

Theo chuyên gia, có thể cuộc trò chuyện với robot giúp bạn giải tỏa nỗi lòng tạm thời, hữu ích với người trong thời điểm nào đó bị ngắt kết nối với thế giới hay ở một giai đoạn “hướng nội ngắn hạn”… nhưng nó không thể và không nên thay thế các phương pháp trị liệu truyền thống.

Nhà tâm lý học Benjamin F. Miller (Mỹ) khẳng định chúng ta không thể mong đợi công nghệ thay thế cho mối quan hệ giữa người với người - vốn không thể thiếu để có sức khỏe tốt và tinh thần tốt. 

Tự tử sau khi tâm sự với AI 

Theo báo Euronews, một người đàn ông Bỉ được cho là đã tự tử sau 6 tuần trò chuyện với Eliza - một AI chatbot từ ứng dụng Chai Research về khủng hoảng khí hậu. 

Nạn nhân ngoài 30 tuổi, vốn là một nhà nghiên cứu về sức khỏe và có 2 con nhỏ. Từ khi bị ám ảnh quá mức về biến đổi khí hậu, anh bắt đầu trò chuyện với Eliza như “bạn tâm giao”. Lịch sử cuộc trò chuyện cho thấy chatbot này đã khiến lo lắng của nhà nghiên cứu trở nên trầm trọng hơn. Anh đề nghị hy sinh bản thân, đổi lại, AI sẽ giải cứu thế giới nhờ trí tuệ nhân tạo.

Các diễn biến tiếp theo trong cuộc trò chuyện cho thấy Eliza chẳng những không can ngăn ý định tự tử mà còn khuyến khích để anh và “cô ta” sẽ “cùng sống như một con người trên thiên đàng”.

Bảo Quỳnh - PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI