ChatGPT được đưa vào đề thi học sinh giỏi lớp 12 TPHCM, thí sinh nói “đề hay đến giật mình”

07/03/2023 - 12:23

PNO - Nhiều thí sinh thi học sinh giỏi lớp 12 môn ngữ văn tỏ ra thích thú khi ChatGPT, áp lực đồng trang lứa, khoảng cách thế hệ... được đưa vào đề thi.

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 TPHCM chính thức diễn ra vào sáng ngày 7/3 với 5.213 thí sinh dự thi ở 12 môn: toán, vật lý, hóa học, tin học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp. 

Đề thi môn ngữ văn khiến nhiều học sinh thích thú khi không chỉ đề cập đến các vấn đề gần gũi với lứa tuổi học sinh lớp 12 như lựa chọn nghề nghiệp, cái tôi cá nhân mà còn được lồng ghép một cách khéo léo các từ khóa “hot” trong thời gian gần đây như ChatGPT, robot, áp lực đồng trang lứa…

Đề thi học sinh giỏi lớp 12 TPHCM khiến học sinh ngỡ ngàng, thích thú
Đề thi học sinh giỏi lớp 12 môn ngữ văn khiến học sinh thích thú

Thí sinh Hoàng Thu (thi học sinh giỏi lớp 12 môn ngữ văn) cho hay, khi đọc đề thi, em mất đến 30 giây để định hình, vì “đề hay đến giật mình”, nhất là khi thể hiện các vấn đề về ChatGPT, áp lực đồng trang lứa.

“Với đề thi này, chúng em có nhiều "đất" viết theo cách thức hiểu biết, nhìn nhận của mỗi người. Và theo em, với cách thức nào thì mỗi bạn cũng có những góc nhìn riêng về cuộc sống” - Hoàng Thu chia sẻ.

Thầy Lê Duy Tân - giáo viên ngữ văn, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) - đánh giá, đề thi khá mới mẻ, khơi gợi được hứng thú bởi những vấn đề vừa mới, vừa cũ. Hình thức chủ đề, chọn dữ kiện khá mới nhưng không xa lạ với học sinh TPHCM. 

Câu nghị luận xã hội đưa ra được các vấn đề nóng đang được học sinh quan tâm, tạo được đất viết cho học sinh định vị bản thân đối với các mối quan hệ xã hội xung quanh. Câu nghị luận văn học đặt ra vấn đề khá kinh điển. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề tốt và tạo được ấn tượng cho bài viết, học sinh phải có năng lực cảm thụ và trải nghiệm văn học - cuộc sống sâu sắc.

“Nhìn chung đây là đề thi thú vị, cho thấy nỗ lực chuyên môn không ngừng nghỉ của đội ngũ ra đề” - thầy Lê Duy Tân nhìn nhận.

Thạc sĩ Trần Lê Duy - giảng viên ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM - đánh giá, đề đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi thành phố. Đó là chọn lọc được những học sinh có năng khiếu, có kiến thức văn chương. Đồng thời, đề có tính giáo dục và thẩm mỹ, khơi gợi được hứng thú cho thí sinh.

Giáo viên, giảng viên đánh giá cao tính sáng tạo của đề, đi từ những vấn đề gần gũi với học sinh
Nhiều giáo viên, giảng viên đánh giá cao tính sáng tạo của đề thi học sinh giỏi lớp 12 môn ngữ văn

Ông chỉ rõ, ưu điểm của đề là tính sáng tạo và tính vừa sức. Tính sáng tạo thể hiện trong cách ra đề lẫn phạm vi đề, hình thức ra đề mới lạ. Cả đề là một chủ đề xuyên suốt “gọi đời vào trong chữ”, cả câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều được kết nối đến chủ đề này một cách nhuần nhị, tự nhiên.

Câu nghị luận xã hội ra hình thức mở, cho phép học sinh có nhiều khoảng trống để tự do bày tỏ chính kiến, thể hiện sự sáng tạo. Đây cũng là điểm đột phá về cách ra đề nghị luận xã hội khi học sinh được quyền lựa chọn đề tài của bài viết và thể hiện chính kiến. Điều này rất phù hợp với tinh thần dạy học phát triển năng lực theo chương trình mới.

Câu nghị luận văn học cũng có độ mở về phạm vi dẫn chứng để học sinh có thể lựa chọn những tác phẩm mình thích, say mê và có “đất” để thể hiện những cảm nhận riêng, những nhận định riêng về văn chương.

“Vấn đề đặt ra là cái tôi của người trẻ. Khi kết nối từ “tôi” với các từ khóa khác, thí sinh sẽ có cơ hội được nhìn nhận quá trình định hình cái tôi của bản thân cũng như bạn bè đồng trang lứa trong các vấn đề có tính chất toàn cầu, thiết thân với các em. Đó là trí tuệ nhân tạo, thể hiện bản thân, lựa chọn nghề nghiệp, áp lực đồng trang lứa... Cách đặt vấn đề này phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 12, khi các em đang ở ngưỡng cửa trưởng thành, đang dần hoàn thiện nhận thức về bản thân và thế giới, chuẩn bị cho ngưỡng cửa cuộc đời. Khi đối diện với đề này, thí sinh có thể viết từ tâm thế người trong cuộc để trải lòng, thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình” - thạc sĩ Trần Lê Duy phân tích.

Cũng theo thạc sĩ Trần Lê Duy, vấn đề nghị luận văn học khá quen thuộc (mối quan hệ giữa đời và chữ) song cách đặt vấn đề mới mẻ, giàu sức gợi. Đề này không khó làm nhưng lại khó để viết cho hay. Muốn viết hay, học sinh cần có những đột phá, có góc nhìn mới, có những cảm thụ riêng, có cái tôi tích cực và chính kiến rõ ràng trong bài viết, đây là những yếu tố rất cần đối với học sinh giỏi môn ngữ văn.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI