Chất gây nghiện dưới vỏ bọc bánh kẹo: Mối nguy khó lường

03/06/2021 - 05:17

PNO - Các loại chất gây nghiện được thiết kế theo kiểu dáng, bao bì của các loại bánh kẹo phổ biến khiến nhiều trẻ em trên thế giới ngộ độc. Điều này làm dấy lên mối lo ngại từ các bậc cha mẹ, cộng đồng và cơ quan chức năng.

Những vụ ngộ độc đáng tiếc

Đầu tháng Năm, một bà mẹ ở New Brunswick, Canada hốt hoảng khi đứa con bảy tuổi của cô ăn nhầm sản phẩm cấm mà cậu bé nhầm tưởng là bánh quy Oreo. Tobi Russo kể lại, khi cô đang nghỉ ngơi vào sáng cuối tuần thì cậu con trai út Moises chạy đến và nói rằng mình không được khỏe. Russo thấy đồng tử cậu bé giãn ra và tim đập nhanh. Khi được hỏi, cậu bé thừa nhận đã ăn một số bánh quy, và Russo ngay lập tức chạy đi tìm bao bì của sản phẩm.

 

Phụ huynh cần đảm bảo con em mình không tiếp xúc với các thực phẩm nguy hiểm,  không rõ nguồn gốc
Phụ huynh cần đảm bảo con em mình không tiếp xúc với các thực phẩm nguy hiểm, không rõ nguồn gốc

Bao bì trông rất giống mặt hàng bánh quy Oreo thông thường, ngoại trừ việc chúng thực chất là bánh quy “Stoneo”. Đây không phải là sản phẩm hợp pháp, có chứa đến 500mg THC (Tetrahydrocannabinol - hợp chất tác động thần kinh có trong cần sa). Moises đã ăn cả hai cái bánh có trong gói. Người mẹ lập tức gọi cho trung tâm kiểm soát chất độc và xe cấp cứu. Moises được đưa đến bệnh viện khu vực Miramichi, nơi các bác sĩ chẩn đoán cậu bé đã vô tình dùng thuốc quá liều và phải nhập viện theo dõi trong 24 giờ.

Thức ăn tẩm cần sa - bao gồm kẹo dẻo, sô-cô-la hoặc bánh nướng chỉ được bán hợp pháp nếu tuân theo các quy tắc của Bộ Y tế Canada, bao gồm giới hạn 10 miligam THC. Chúng cũng không được phép đóng gói trong bao bì có hình ảnh hoặc màu sắc tươi sáng, và cần có nhãn cảnh báo an toàn cho trẻ em. Nhưng các sản phẩm nhái và phi pháp thường phá vỡ mọi quy tắc. Các trung tâm chống độc trên thế giới báo cáo sự gia tăng đột biến các vụ ngộ độc không chủ ý ở trẻ em và thanh thiếu niên liên quan đến sản phẩm chứa chất gây nghiện. 

Tương tự, vào tháng Ba vừa qua, một số học sinh tại London (Anh) đã phải nhập viện sau khi ăn kẹo dẻo có tẩm cần sa, buộc cảnh sát phải đưa ra cảnh báo khẩn cấp cho các bậc phụ huynh. Sản phẩm trông giống như kẹo dẻo hình gấu bình thường nhưng gây ra hiệu ứng tương tự như hút cần sa khi ăn.

Một trường học trong khu vực - Trường Greenshaw - đã chia sẻ thông báo của cảnh sát trên tài khoản Twitter của mình và cho biết: “Ngày càng nhiều trường hợp thanh thiếu niên mua những thứ trông có vẻ là kẹo dẻo thông thường hoặc các loại đồ ngọt tương tự nhưng thực sự chúng không giống như vẻ ngoài. Một số học sinh đã bệnh nặng hoặc nhập viện do ăn phải”.

Khó kiểm soát

Russo - cựu chuyên viên tư vấn cai nghiện của Canada - không biết vì sao gói bánh có mặt trong nhà mình. “Chúng tôi sống một cuộc sống không có ma túy và rượu. Nếu tôi biết bất kỳ sản phẩm gây nghiện nào ở trong nhà, tôi sẽ hủy ngay”, cô nói. Dù vậy, Russo không cố gắng truy tìm nguồn gốc của gói bánh bởi theo cô, phụ huynh phải chịu trách nhiệm về những gì con mình ăn phải. Nỗi bức xúc của cô chủ yếu nhắm vào các công ty tìm cách “dụ dỗ” trẻ em với bao bì của sản phẩm nguy hiểm trông tương tự như những loại bánh kẹo được chúng yêu thích.

Mondelez International - công ty sở hữu nhãn hàng Oreo và nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh khác - đã tuyên bố rằng, họ lên án việc sử dụng sai trái hình ảnh sản phẩm, thương hiệu của mình và “sẽ hành động khi cần thiết nhằm bảo vệ người tiêu dùng”. 

Tại Mỹ, Công ty Wm. Wrigley Jr., thuộc sở hữu của tập đoàn kẹo khổng lồ Mars Inc., đã đệ đơn kiện chống lại năm công ty vì bán các sản phẩm tẩm cần sa trông giống như kẹo Skittles, kẹo mềm Starburst và kẹo cứng Life Savers của hãng. Mặc dù vụ kiện tập trung vào quyền sở hữu trí tuệ, phía nguyên đơn cho rằng các sản phẩm sao chép có thể khiến mọi người, đặc biệt là trẻ em, nhầm lẫn. 

Trong những năm gần đây, các vụ kiện tương tự như vụ kiện của Wrigley đã được đưa ra bởi Công ty Hershey, Mondelez International và Công ty kẹo Ferrara. Tất cả vụ kiện này đều được giải quyết, với kết quả là các công ty nhỏ hơn phải ngừng sản xuất và bán các sản phẩm vi phạm. Tuy vậy, nhiều quan chức y tế công cộng lo ngại rằng, nếu không có quy định thích hợp và nghiêm khắc, các trường hợp vô tình ăn phải chất gây nghiện sẽ tiếp tục tăng ở trẻ em, khi nhiều cơ sở sản xuất trái phép “học theo” xu hướng này. 

“Tuy các sản phẩm chứa cần sa khó có khả năng gây chết người. Nhưng những hậu quả đi kèm khi ăn phải như hôn mê và chóng mặt, có thể khiến trẻ vấp ngã, chấn thương đầu, gây nguy hiểm”, tiến sĩ Gaylord Lopez - Giám đốc Cơ quan Kiểm soát chất độc bang Georgia - chia sẻ. 

Ngọc Hạ (theo NY Times, CBA, Daily Mail)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI