Chấp nhận mất giọng nói để con được ra đời

08/06/2023 - 06:24

PNO - Chỉ cần con được ra đời, còn mình thế nào cũng chấp nhận. Người mẹ trẻ không đắn đo khi đưa ra lựa chọn sinh tử.

Từ chối điều trị để con được sống, sợ con thiếu sữa nên không dùng thuốc tây. Khi con được 5 tháng tuổi cũng là lúc người mẹ ấy đi viện một mình và đối diện với sự thật: ung thư tuyến giáp đã di căn vào thanh quản, phải cắt toàn bộ khí quản mới giữ được mạng sống và không thể nói được nữa.

Đó là câu chuyện cảm động về tình mẫu tử của người mẹ trẻ Nguyễn Thị Khánh (Bình Nam, Thăng Bình, Quảng Nam) với cậu con trai út.

Con cần được sống dù mình có ra sao, chị Khánh đã không ngần ngại lựa chon (ảnh nhân vật cung cấp)
Con cần được sống dù mình có ra sao, chị Khánh đã không ngần ngại lựa chọn (ảnh nhân vật cung cấp)

“Bác sĩ ơi, em chọn con”

Cách đây 3 năm, vợ chồng chị Khánh vỡ kế hoạch khi đã có một con trai, một con gái. Lúc thai nhi được 13 tuần tuổi, chị Khánh thấy khó thở nên được đưa ra bệnh viện ở Đà Nẵng cấp cứu. Chị bất ngờ khi được bác sĩ khuyên “cân nhắc giữa cứu mẹ hay giữ con”.

29 tuổi, Khánh còn quá trẻ để đối diện với sự thật: đang nói bình thường bỗng có thể mất đi giọng nói vĩnh viễn. Thế nhưng, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, người mẹ ấy trả lời ngay: “Bác sĩ ơi, em chọn con”.

Mang thai không can thiệp nên mỗi ngày chị Khánh thêm thở dốc. Để cứu mẹ và con, bác sĩ tiến hành khai mở khí quản. Khi thuốc tê hết tác dụng cũng là lúc chị  bàng hoàng cảm nhận tiếng nói của mình đã không thể phát ra.

Được mọi người động viên, chị vẫn hy vọng chờ sinh con xong, đợi con lớn thêm một chút, chị sẽ đi chữa bệnh và lấy lại được giọng nói. Khánh đâu ngờ, khoảng thời gian tiếp theo với mình lại ngoài sức tưởng tượng.

Ở quê nhiều người không hiểu chuyện xì xầm về chị. Họ đoán già đoán non khi thấy chị ú ớ như người câm. Kể cả những người thân quen cũng có chút nghi ngại ngờ vực. 2 đứa con lớn ra đường cũng bị chọc ghẹo, bị người ác ý hỏi ngược hỏi xuôi.

Khổ sở hơn, khi khí quản có mùi hôi ra theo hơi thở, cảm giác tự ti, khó chịu, bực bội tràn ngập, chị Khánh ngại giao tiếp với mọi người, kể cả chồng con.

Đánh con, cắn chồng, bao nhiêu bí bách bực dọc khi không còn giao tiếp được nữa khiến chị Khánh đã từng có những hành động cực đoan. Người mẹ ấy đau lòng mỗi khi nghe con hỏi: “Bao giờ mẹ nói lại được vậy mẹ?”.

Giữ tinh thần lạc quan

Sau 3 năm, sức khỏe của chị Khánh hiện đã tạm thời ổn định. Cứ 2 tháng chị lại đi viện tái khám một lần. Các bác sĩ, điều dưỡng ở khoa Ung bướu bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã quen mặt chị. Bởi họ ít gặp bệnh nhân nào lên bàn phẫu thuật mà vẫn tươi tỉnh trêu đùa bác sĩ. 

Nụ cười luôn hiện hữu trên gương mặt cô trong bất cứ hoàn cảnh nào(ảnh nhân vật cung cấp)
Nụ cười hiện hữu trên gương mặt chị Khánh trong bất cứ hoàn cảnh nào (ảnh nhân vật cung cấp)

Dịp ấy, các nhân viên y tế thương và khâm phục nghị lực của một người mẹ trẻ nhập viện chỉ có  một mình (giai đoạn đó COVID-19 bùng phát, anh Lựu - chồng chị Khánh cùng bà ngoại phải ở nhà chăm 3 đứa nhỏ). Chị nhớ con, cương sữa nhưng không biết làm cách nào, càng không dám gọi về nhà vì… sợ con thấy mẹ lại khóc đòi.

Trên đường đi làm, Khánh tranh thủ ship hàng cho khách vì đồng lương công nhân và thợ sửa xe của 2 vợ chồng luôn chật vật(ảnh nhân vật cung cấp)
Trên đường đi làm, Khánh tranh thủ ship hàng cho khách vì đồng lương công nhân và thợ sửa xe của 2 vợ chồng khiến cuộc sống chật vật (ảnh nhân vật cung cấp)

Hiện tại, cách thức giao tiếp của người phụ nữ 31 tuổi chủ yếu bằng khẩu hình, hoặc thì thầm bằng tiếng gió. Nếu diễn tả khó quá thì chị Khánh nhắn tin. Bất tiện đủ đường, có lúc chị còn gây hiểu lầm cho đồng nghiệp. Lâu dần mọi người cũng hiểu, thương và đồng cảm cho hoàn cảnh của chị. Những lần đi viện điều trị, công ty lại kêu gọi quyên góp để hỗ trợ chị vật chất lẫn tinh thần. Trong khó khăn, chị cảm nhận nhiều hơn sự chân thành mà bạn bè, đồng nghiệp, y bác sĩ dành cho mình.

Ngày làm công nhân ở công ty, tối về người mẹ 3 con tranh thủ bán hàng online. Trợ thủ đắc lực nhất của chị là bé Bi. Bi là chị cả nên hiểu chuyện, thương mẹ và biết chơi với em. Cô bé 10 tuổi thay mẹ trả lời những câu hỏi ngây thơ của em, giúp mẹ Khánh soạn hàng và ship hàng. Với những khách muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm, cô chị cả “phát ngôn” thay mẹ.

Chồng cô ít nói nhưng biết thương vợ chăm con(ảnh nhân vật cung cấp)
Chồng chị Khánh ít nói nhưng thương vợ, giỏi chăm con (ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Khánh ngày càng lấy lại được sự tự tin. Chị bớt giận chồng vô cớ. Chị đặt mình vào vị trí của anh để hiểu những tâm tư sâu kín của chồng. Chị thấy may mắn khi có anh bên cạnh. Thấy mình còn được sống, còn được thấy 3 chị em Bi, Win, Chuột lớn lên từng ngày, được chồng chở đi uống cà phê vào những ngày Chủ nhật, Khánh không mong ước gì hơn.

Với chị Khánh, còn hơi thở là còn sự sống. Chị cho rằng, ung thư không đáng sợ bằng suy nghĩ đầu hàng. 

Cuộc sống dẫu còn khó khăn, hành trình đi tìm giọng nói còn vất vả, nhưng được cùng chồng chăm sóc con khôn lớn, chị Khánh đã hạnh phúc lắm rồi(ảnh nhân vật cung cấp)
Cuộc sống dẫu còn khó khăn, hành trình đi tìm giọng nói còn vất vả, nhưng được cùng chồng chăm sóc các con, chị Khánh cho rằng bản thân đã hạnh phúc lắm rồi (ảnh nhân vật cung cấp)

“Tôi không hối tiếc đã đổi giọng nói để con được ra đời”, chị Khánh chia sẻ. Người mẹ trẻ vẫn đang lạc quan bên chồng con và hy vọng phép màu sẽ đến trên hành trình đi tìm giọng nói.

Lâm Hoàng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI