Câu chuyện tình yêu: Sống vui để anh vui

10/09/2022 - 06:03

PNO - Cửa biển Nha Trang, trước ngôi chùa ở Hòn Đỏ, bà rải tro cốt của chồng về biển - theo ý nguyện của ông. Giữa sóng nước mênh mông và tiếng chuông chùa ngân vang, bà nghe trong sâu thẳm như có lời nói bên mình: “Mạnh mẽ lên em”…

 

Bà sống cùng những kỷ niệm bên ông
Bà sống cùng ông trong những kỷ niệm

1. Bây giờ, đã là hai năm sau, kể từ ngày ông đi. Nhưng mỗi ngày, bà Hồ Thị Ánh (sinh năm 1946, hiện sống tại Q.3, TPHCM) vẫn trò chuyện qua di ảnh với người chồng mà bà đã hết mực yêu thương.

Ông vẫn hiện diện ở đó, trong căn hộ ấm cúng có ban công nhiều cây xanh đón nắng, đón gió - nơi có bộ bàn trà mà ngày ngày bà vẫn ngồi ở đó nhìn ra khoảng trời thành phố, nhớ ông. 

Ảnh cưới của ông bà (năm 1972)
Ảnh cưới của ông bà (năm 1972)

 

Ngày ông còn khỏe mạnh, hai người đã cùng nhau đi du lịch khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Những chuyến đi đầy tiếng cười và kỷ niệm đẹp, từ Việt Nam đến Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Mỹ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ…

Không còn ông trong cuộc đời này nữa, bà vẫn thay ông đi cùng con cháu, bạn bè của hai người. Vẫn tiếp tục vui sống mỗi ngày, vì ông luôn muốn thế. Mỗi lần đến những nơi chốn mới hoặc trở lại thăm những vùng đất từng in dấu chân ông, bà đều chụp ảnh và chia sẻ trên Facebook, với dòng trạng thái: “Giờ này, anh ở đâu?”.

Ông vẫn sống trong tim người ở lại. 

Suốt đời sống vợ chồng, ông bà chưa từng rời xa nhau. Năm tháng tóc còn xanh, khi bà còn là cô gái nhỏ sống cùng mẹ ở Bắc Giang, mỗi lần ông về thăm, đi đâu cũng là ba mẹ con cùng đi với nhau. “Khi mẹ mất rồi, hai đứa vẫn tiếp tục hành trình cùng nhau như thế. Bạn bè, người thân đều quen với hình ảnh hai vợ chồng đi đâu, làm gì cũng có nhau. Nhưng giờ, chỉ còn lại một mình, tôi biết mình vẫn đang sống tiếp, sống thay cho cả cuộc đời của ông xã nữa.

Vợ chồng  ông Tương  bà Ánh cùng các con cháu trong một chuyến  du lịch
Vợ chồng ông Tương bà Ánh cùng các con cháu trong một chuyến du lịch

 

Có thế nào vẫn phải sống một cuộc sống có chất lượng như anh ấy đã từng sống, đã luôn mong muốn như thế. Tôi vẫn luôn tự nhủ với mình, hãy sống vui cho anh vui”, bà Ánh chia sẻ. 

“Sống vui cho anh vui” - câu nói ấy được nhắc lại rất nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện giữa tôi và bà. Có những lúc, bà đứng trước di ảnh trò chuyện với ông, nói với ông về người khách hôm nay ghé thăm và về câu chuyện mà bà đang kể cho tôi nghe. Như thể ông vẫn đang ở đó, lắng nghe và nhìn bà trìu mến. Phải sống vui, sống mạnh mẽ khi không còn có người bạn đời bên cạnh, dù khi nhớ về ông, nước mắt một người già đã chảy…

2. Trong phòng ngủ của bà, khá nhiều những bức ảnh thời ông bà còn là chàng trai, cô gái thanh tân. Bức ảnh cưới đen trắng quý giá được chụp vào những năm tháng đất nước còn chiến tranh ấy, bây giờ trở thành kỷ vật quý giá của đời bà.

Đêm nào bà cũng nhìn lên những bức ảnh ấy, ký ức lại trở về, cuộn trào như những cơn sóng. Bà không thể nào quên được cái ngày cô gái Hồ Thị Ánh và chàng trai lái tàu Đồng Văn Tương gặp nhau ở Bắc Giang vào năm 1965. Không thể quên những dòng thư đã viết gửi sang tận trời Âu khi người yêu du học ngành đường sắt ba năm ở Romania; những ngày thắt thỏm lo âu khi ông trở về và nhận nhiệm vụ lái tàu chở vũ khí vào Nam trên tuyến đường khốc liệt, đoàn tàu ấy biết bao lần bị máy bay địch tìm mọi cách đánh phá, ném bom ác liệt. Không thể quên ngày mình e ấp áo dài hoa cưới trong lễ thành hôn với người mình yêu thương nhất…

Vợ chồng ông Tương bà Ánh đi đâu cũng có nhau
Vợ chồng ông Tương bà Ánh đi đâu cũng có nhau

 

Cùng nhau đi qua một thời lửa đạn, đi qua sống chết để được về bên cạnh nhau, được sống trong hòa bình, với bà Hồ Thị Ánh, đó đã là món quà lớn nhất mà số phận đã dành tặng cho ông bà. Suốt gần nửa thế kỷ sống cùng nhau dưới một mái nhà, ông bà chưa một lần cãi vã hay giận hờn, làm gì cũng cùng nhau làm, có khó khăn cùng nhau tìm cách giải quyết, nơi chốn nào mong muốn đặt chân đến lại cùng nhau đi. 

“Anh ấy sống đàng hoàng và luôn luôn nói là sống phải chất lượng, lúc nào cũng chỉ mang niềm vui đến cho gia đình, bạn bè, con cháu. Đến lúc biết mình phải rời đi, anh cũng không đau buồn bế tắc mà còn động viên mọi người hãy bình tâm. Bạn bè đến thăm, anh đều nói: “75 tuổi, đi được rồi mà”. Tôi học tập cách sống lạc quan, vui vẻ và luôn đón nhận mọi điều bằng tâm thế nhẹ nhàng nhất của ông xã, để tiếp tục vui sống. Cát bụi mà, đâu ai có thể sống bên cạnh nhau được mãi. Rồi cũng đến một lúc nào đó, tôi sẽ gặp lại anh, ở một nơi nào đó…”, bà Hồ Thị Ánh tâm tình. 

Ông mất vào tháng 3/2020 vì ung thư máu. Khi phát hiện bệnh, thời gian của ông chỉ còn ba tháng. Và trong suốt thời gian còn lại quý giá ấy, có điều gì muốn nói cùng nhau, ông bà đều đã nói. Bà đưa ông về lại Nha Trang - nơi hai người đã sống thuở bà còn công tác ở Viện vắc-xin Nha Trang từ năm 1976 đến lúc về hưu (năm 2000) - để ông được thăm người thân, bạn bè lần cuối. Chuyến đi cuối cùng của ông, cũng là chuyến đi đong đầy những chia sẻ, yêu thương.

Tôi từng đọc đâu đó câu “Nếu gặp sai người, khổ tận cam lai. Nếu gặp đúng người, một đời không đủ”. Một ngày giữa mùa thu, ngồi với bà Hồ Thị Ánh, nghe câu chuyện của yêu thương viên mãn, chợt cảm thấy thấm thía câu “một đời không đủ”. Nếu có điều gì dài hơn một cuộc đời, thì đó chính là tình yêu. Nếu có điều gì không thể bị chia lìa bởi cái chết, thì đó cũng chính là tình yêu.

Ông đi rồi, nhưng mỗi ngày bà đều trò chuyện cùng ông. Những khi gặp điều gì khó khăn, những khi yếu đuối nhất, bà đều nhìn lên di ảnh chồng nói rằng: “Hãy đồng hành để em mạnh mẽ lên, để sống cho anh vui”. Một người già đã bước gần đến tuổi 80, khuôn mặt và nụ cười vẫn vô cùng rạng rỡ, vẫn đầy tràn năng lượng trong những chuyến đi xa, vẫn sống từng ngày có ý nghĩa nhất, bình an nhất.

Sống không chỉ cho bà, mà còn vì người đã khuất… 

Lục Diệp

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI