Câu chuyện tình yêu: Để em được mãi tựa đầu vai anh

05/07/2022 - 09:32

PNO - 60 năm bên nhau, hồn thơ như “chiếc bình giữ nhiệt” thần kỳ giúp tình yêu của ông bà luôn nồng ấm, đong đầy…

Ngày 30/6, đại gia đình chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai - phó giáo sư - tiến sĩ sử học Huỳnh Lứa trang trọng tổ chức đám cưới “kim cương” kỷ niệm 60 năm ông bà nên duyên.

Không cần xem trước kịch bản của chương trình, con cháu, bạn hữu cũng biết lễ “hấp hôn” sẽ tràn ngập những vần thơ. Thơ như “chiếc bình giữ nhiệt” thần kỳ giúp tình yêu của ông bà luôn nồng ấm, đong đầy…

Vợ chồng phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Lứa - chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai khi mới cưới, năm 1962
Vợ chồng phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Lứa - chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai khi mới cưới, năm 1962

Nhịp đập xuyên biên giới

Người mai mối cho “chuyện tình trăm năm” này chính là anh trai của ông, cũng là cấp dưới của cha bà - một vị lãnh đạo ngành đường sắt ở Hà Nội. 

Năm 1958, cậu sinh viên Huỳnh Lứa (du học sinh tại Trường đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) nhận một lá thư từ Việt Nam. Vẫn là dòng chữ thân quen của anh mình nhưng nay sao lạ quá. Thư kèm bức ảnh cô học sinh tuổi 16 với nét mặt trong trẻo, hồn nhiên khiến trái tim Huỳnh Lứa loạn nhịp.

Chỉ tay về phía đầu giường, nơi treo bức ảnh chân dung cô gái 16 tuổi ấy, phó giáo sư Huỳnh Lứa hồi tưởng và chậm rãi nói: “Ngắm qua hình rồi thư đi tin lại, tôi tìm hiểu việc học hành, thái độ ứng xử trong cuộc sống. Tổng hợp, hình dung, tôi tin đây sẽ là bạn đời của mình trên bước đường tương lai. Tình cảm trong sáng lắm, chủ yếu chỉ được gặp nhau qua trang thư”. 

Thuở ấy, đã nhen trong lòng tình cảm đặc biệt nhưng cô nữ sinh Tuyết Mai giấu cha mẹ cho đến một ngày hè, chàng sinh viên về nước, đến chào ra mắt. Với số tiền ít ỏi tiết kiệm được, chàng mua tặng cô chuỗi ngọc trai và mua thuốc bổ tặng song thân cô. Cha mẹ rất ưng lòng khi thấy bạn trai con gái có dáng vẻ khôi ngô, tác phong đĩnh đạc, hiền lành, khiêm tốn.

Ngày anh sinh viên chia tay trở lại Bắc Kinh, cô gái khóc vùi hai ngày liền, không thiết ăn uống, chỉ… “lần chuỗi hạt”. Thấy không ổn, cha cô dỗ dành: “Cha biết con buồn, nhưng con phải ăn uống chứ. Con mà có chuyện gì thì thằng Lứa ra sao?”. Cũng tương tự vậy là tâm tư của người ra đi. Nhà sử học Huỳnh Lứa nhớ lại: “Tôi không bỏ ăn, không khóc nhưng nhớ lắm, buồn lắm! Cái buồn của đàn ông hơi khác. Càng buồn nhớ càng mạnh mẽ, kiên cường, cố gắng học để ngày về trọn vẹn niềm vui”.

Có lần chàng sinh viên buồn giận, hiểu lầm. Cô viết bức tâm thư phác họa tâm trạng não nùng, hiu hắt tựa như “lá vàng rơi” khi “nửa kia” không tin tưởng lòng chung thủy của mình. Nhận được thư, anh sinh viên tức tốc về nước bằng tàu liên vận, trên tay cầm quà tặng là chiếc khăn choàng trắng thay cho lời xin lỗi. Cô gái lại làm thơ, lần này là âm điệu nồng nàn, réo rắt…

Hai mươi chữ vàng vun trồng “cây hạnh phúc”

Ông bà kết hôn năm 1962. Ba năm sau, nỗi đau xé lòng ập đến khi con trai đầu lòng sinh non thiếu tháng đã ra đi (khi đó bà đã là một cô giáo dạy văn cấp III). Bà cứ khóc, nhớ gương mặt con giống hệt cha, nhớ mái tóc đen mun, nhớ hơi thở yếu ớt trong lồng kính... 

“Mình còn trẻ, tương lai còn dài, có anh có em, chúng ta sẽ đủ sức vượt qua tất cả” - ông an ủi, vỗ về bà khi đút từng miếng cháo. Ông có mặt mọi lúc mọi nơi để bà tin chắc rằng trong cuộc đời này dù xảy ra chuyện gì cũng có ông kề bên chia sẻ.

Dành dụm tiền mua được chiếc xe đạp đầu tiên khoảng năm 1966, ông nhường cho bà dùng. Nhìn bà đạp xe, nhẹ lướt trên khắp nẻo đường hoặc được ông đèo đi, lòng ông vơi bớt nỗi ân hận, day dứt. Ông cho rằng trước đây bà bụng mang dạ chửa mà phải đi bộ đến trường quá xa mới bị vỡ ối, sinh non.

Đại gia đình quây quần đón xuân năm 2017
Đại gia đình quây quần đón xuân năm 2017

 

Lãnh được miếng thịt nào, ông đều nhường bà ăn. Bà cương quyết: “Anh không ăn thì em cũng không ăn”. Vậy là ông chịu thua: “Thôi thì anh ăn chút thôi. Em ăn đi!”. Các con Huỳnh Tường Lân, Huỳnh Tường Vy, Huỳnh Tường Long sinh ra và lớn lên trong thời chiến gian khó nhưng thừa hưởng đức tính cần cù, hiếu học của cha mẹ, đã trở thành những kỹ sư kinh tế, kiến trúc sư, luật sư vững vàng trong nghề. Đại gia đình mỗi người một lĩnh vực, tỷ lệ áp đảo là ngành luật, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

Khi được đặt vấn đề “chữ yêu trong hôn nhân giỏi lắm là tồn tại ba năm, đoạn sau chỉ là cái nghĩa”, chuyên gia tâm lý Tuyết Mai cười lắc đầu: “Phải có tình yêu suốt cuộc đời chứ! Tình yêu đích thực vượt qua mọi cám dỗ. Tình yêu đích thực là nền tảng cho vợ chồng đồng cảm, hòa hợp và xác định không để cho gia đình gặp sự cố gì hết, mặc cho bao tác động khách quan”. Ông bà xen kẽ đọc 20 chữ vàng tự đúc kết như bửu bối giúp hạnh phúc gia đình bền vững:

Tự trọng, tôn trọng, bình đẳng, trung thực, thủy chung, lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, hợp tác.

Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Lứa phong độ, tài năng, từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM. Khi thấy có tín hiệu nhấp nháy nào từ một bóng hồng, ông cũng về nhà “méc” vợ. Méc không phải để… khoe, mà để ngăn chặn. Nếu giấu thì trong lòng cứ cảm thấy lập lờ, như mình có lỗi. Kiến thức sử học phần nào cho ông đúc kết quy luật “trung thực mới giữ được mình, giữ được tình”, hoàn toàn không có ngoại lệ.

Bao lần như một, bà Tuyết Mai phản ứng bình tĩnh: “Anh có mũ kim cô trên đầu nên em đâu sợ gì”. Mũ kim cô là cách ông bà ví von rằng danh dự, uy tín của ông… sẽ là rào chắn an toàn trước bao thử thách.

Bình đẳng là yếu tố được ông bà xếp vào hàng thứ ba trong 20 chữ vàng. Nhưng hình như có gì mâu thuẫn khi trong bữa ăn, bà cung kính dâng chén cơm cho chồng. Bà cắt nghĩa, phụ nữ hướng đến bình đẳng không có nghĩa là lấn át hay không xem trọng bạn đời. Cử chỉ ấy hoàn toàn tự nguyện và đem lại niềm vui của sự kính cẩn, chứ không hề hạ thấp bản thân. Ngày xưa, khi mới cưới, có lần bà bới cơm cho chồng mà chỉ đưa bằng một tay (do tay còn lại phải cầm cái vá). Mẹ của bà (vốn là con quan) nhắc con gái: “Đưa cho chồng, con phải đưa bằng hai tay. Con cứ đặt vá xuống, hai tay bưng chén rồi đưa. Chậm một phút có sao đâu? Người vợ luôn phải xem chồng hơn mình cái đầu mới được”.

Bà Tuyết Mai từng là Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Khoa học Xã hội tại TP.HCM, là chuyên gia tâm lý của Trung tâm Tư vấn Tình yêu Hôn nhân Gia đình - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (tổng đài 1088). Công việc giàu tính nhân văn cộng với những truyền dạy của cha mẹ đã cho bà góc nhìn tinh tế để thấu hiểu, đồng hành cùng chồng con, vun đắp “cây hạnh phúc” ngày thêm tươi tốt. 
(*): thơ Hồ Thị Tuyết Mai.

Mỗi sáng, ông bà đọc sách báo và luận bàn thế sự
Mỗi sáng, ông bà đọc sách báo và luận bàn thế sự
 

Hồn thơ quyện nghĩa phu thê

Chuẩn bị cho đám cưới kim cương, bà nắn nót ghi lại thơ của “chàng” và thơ của “nàng”. Mái tóc bạc phơ, trí nhớ có khi… “đi ăn giỗ”, nhưng không gì ngăn được những dòng thơ dào dạt như suối nguồn. Men theo dòng suối ấy có thể chiêm ngưỡng được tất cả đoạn đời của “cặp đôi” từ thuở chớm yêu đến thành gia thất, đón chào những đứa con, đến khi có cháu chắt, nếm trải bao vất vả lẫn vinh quanh trong sự nghiệp, những khi bạo bệnh hay cùng đi du lịch nước ngoài…

Mắt bà loang loáng nước khi nhắc đến hồi ức ông từng vắt mình trên miệng hầm cá nhân để bảo vệ bà dưới làn bom đạn giặc. Rồi khi cha mất ở quê nhà Bình Định, ông ở Hà Nội không thể về thắp một nén hương, bà tìm cách nâng đỡ tinh thần ông. Thuở ấy đất nước còn chia cắt hai miền. 

Phu thê đồng cảm tác biết bao trang thơ trong lửa đạn quân thù, ở nơi sơ tán, trên đường công tác hoặc ngay trong hội nghị tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ. Thi hứng càng cao tại vườn cây trên sân thượng nhà mình hay giờ đây chân ông đau, không leo lầu nổi thì “lò thơ” đặt ngay bàn ăn, giường ngủ… Bà trìu mến gọi ông là “Người đẹp” còn ông năn nỉ: “Cô gái Huế ơi! đọc thơ anh nghe” (những năm đầu đời bà Tuyết Mai ở Huế).

Ông vào tuổi 90, đã chịu thua bà tuổi 80 về tài đọc thơ. Bà thuộc giỏi hơn, nhưng nếu vờ đọc sai thì y như rằng sẽ bị ông “thổi còi”, nhẹ nhàng chỉnh đốn. Ông dí dỏm chia sẻ: “Phải nói nhỏ nhẹ chớ nói nặng lỡ cô gái Huế giận, không chịu đọc cho mình nghe nữa thì sao!”. Bà cười tươi rồi xích lại gần ông hơn, ngâm nga tiếp vần thơ thời cắp sách:

“Một chiều mưa nhẹ hạt,
Anh tiễn em vào trường, 
Hương đời dâng bát ngát,
Lòng dào dạt yêu thương
…”.

(Bài Tiễn em vào trường đại học - 
thơ của “chàng”, năm 1961)

 

“Chiều hè anh đến thăm em,
Lòng vui cứ ngỡ nắng đem xuân về.
Cây cành chẳng điểm hoa lê, 
Mà lòng em vẫn tràn trề gió xuân”.

(Bài Anh vào trường thăm em - 
thơ của “nàng”, năm 1962) 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI