Càng có tuổi, càng sống chất

22/01/2015 - 16:07

PNO - PN - Chăm sóc sức khỏe người già không chỉ là lo điều trị cho hết bệnh mà còn phải lo phục hồi sức khỏe, quan tâm đến “chất lượng cuộc sống” của họ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Do tuổi già, các hoạt động chức năng của cơ thể đã sút giảm, phần lớn đã hoặc đang “quá date”, không còn được như xưa, đặc biệt dễ nảy sinh các vấn đề sức khỏe tâm thần, rối loạn tâm lý ngày càng phức tạp khiến chất lượng cuộc sống càng xuống cấp nhanh chóng. Già không phải là bệnh nhưng già thì dễ mắc bệnh. Mà mắc bệnh thì mắc nhiều thứ một lúc. Bệnh này sinh bệnh kia. Chữa dứt chỗ này, xì ra chỗ khác.

Lệ thuộc vào thầy, vào thuốc thì chất lượng cuộc sống càng tệ hại. Bởi chỉ có mình mới biết rõ mình thôi. Đã đến lúc nên biết sống một mình, biết “độc cư”, biết “tự tại”. “Trời cao đất rộng/ Một mình tôi đi/ Đời như vô tận/ Một mình tôi về…/ Một mình tôi về/ Với tôi…” (Trịnh Công Sơn).

Chất lượng cuộc sống (Quality of life) được định nghĩa là “những cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ” (Tổ chức Sức khỏe Thế giới - WHO).

Cang co tuoi, cang song chat

Cảm nhận riêng mình, trong bối cảnh văn hóa, trong hệ thống giá trị… của riêng mình. Cho nên một “bà mẹ quê” sẽ chịu không nổi khi con cái hiếu thảo đưa về thành phố, nhốt trong phòng máy lạnh, ngày ngày cho uống sữa và ăn các thức cao lương mỹ vị, tháng tháng đi bác sĩ kiểm tra, ôm về một đống thuốc… Bà sẽ khổ sở biết chừng nào khi nhớ đến sông nước, đồng lúa, cá kho tộ…

Có một bảng chỉ số giúp đo đạc chất lượng cuộc sống trong lĩnh vực sức khỏe gồm các yếu tố thể chất, tâm lý, tính độc lập, quan hệ xã hội và môi trường sống để mỗi người già có thể tự đánh giá và điều chỉnh, thích nghi.

Về thể chất chẳng hạn, ăn uống tốt không, có đủ chất không, có đủ năng lượng không; tiêu tiểu có bình thường không, có bị táo bón, rối loạn tiêu hóa; hít thở dễ dàng không, có mệt mỏi, đau nhức thường xuyên không, giấc ngủ thế nào?…

Về tâm lý thì tự nhìn nhận bản thân mình thế nào, có “tự hào” dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn như thuở nào hay “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”. Có những cảm xúc tiêu cực hay tích cực khi nhìn ngắm cuộc đời; tự đánh giá về khả năng suy nghĩ, học tập, trí nhớ, khả năng tập trung của mình ra sao?

Về tính độc lập: mức độ vận động, đi lại, sinh hoạt cá nhân thế nào? Có bị lệ thuộc nhiều vào thuốc men? Khả năng thích ứng công việc hằng ngày? Về các mối quan hệ với gia đình, với bạn bè?

Qua thang điểm trên bảng chỉ số, có thể giúp tự đánh giá và tự điều chỉnh.

 Bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC

Già nhưng vẫn khỏe, vẫn vui; già nhưng không ai dám bảo mình già. Những chia sẻ thú vị, dí dỏm được nhìn dưới góc độ nhân văn và khoa học của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong chuyên mục mới Một tuổi già hạnh phúc sẽ mang đến cho bạn đọc cách nhìn, cách nghĩ mới về những người-không-chịu-già. Bạn đọc có thể gửi thắc mắc của mình để được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trả lời về bí quyết già mà vui, khỏe qua địa chỉ: tuoigiahanhphuc@baophunu.org.vn.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI