Cám ơn em đã biến căn nhà thành tổ ấm

12/02/2020 - 05:17

PNO - Hơn mười sáu năm hôn nhân, không ít lần, thậm chí là thường xuyên, tôi luôn tự hỏi mình có mang lại hạnh phúc cho anh hay không.


Buổi chụp hình diễn ra khá công phu hơn tôi tưởng tượng. Ba cô bé tranh nhau trang điểm, lựa trang phục cho tôi. Linh, du học sinh tại Anh trong vai đạo diễn kiêm trang bị đạo cụ. Cô “chỉ đạo” một cách nhẹ nhàng cho cặp vợ chồng ở tuổi trung niên là chúng tôi làm những hoạt cảnh nho nhỏ, qua đó, chúng tôi bộc lộ cảm xúc dành cho nhau một cách chân thật và tự nhiên nhất.

Màn cuối cùng, cô yêu cầu chúng tôi hãy cảm ơn nhau về ba điều mà mình hài lòng nhất về bạn đời trong những năm chung sống. Một trong ba điều chồng tôi nói khiến tôi rưng rưng và vô cùng vui sướng, đó là: “Cảm ơn em đã biến căn nhà thành tổ ấm”. Linh yêu cầu chúng tôi nhìn vào mắt nhau, và khi ấy, tôi biết anh đã nói thật lòng. 

Tác giả Phan Quỳnh Dao cùng ông xã - Ảnh: Linh Luyen
Tác giả Phan Quỳnh Dao cùng ông xã - Ảnh: Linh Luyen

Tuy nhiên, cảm giác vui sướng không lấp đầy nỗi ngạc nhiên trong tôi. Đồng hành cùng nhau hơn mười sáu năm, không ít lần, thậm chí là thường xuyên, tôi luôn tự hỏi mình có mang lại hạnh phúc cho anh không? Tự kiểm điểm, tôi biết mình là người khó chịu. Một điều nhỏ nhặt trật khỏi quỹ đạo cũng khiến tôi cau có, cằn nhằn. Tôi thuộc thế hệ cũ và theo truyền thống gia đình, tôi luôn duy trì những bữa cơm tự nấu ở nhà và luôn giữ nhà cửa sạch sẽ.

Tuy nhiên, tôi biết chắc chắn một điều mình không phải là người phụ nữ dịu hiền. Bữa cơm được nấu đôi khi đi kèm với những cái cau mày sau một ngày dài ở văn phòng. Quần áo được ủi kèm với những lời càm ràm “ôi ước gì ngày cuối tuần dài hơn để em được nghỉ ngơi thêm”. Dẫu biết rằng nếu lược bớt những điều đó, thì mình sẽ trở thành người phụ nữ hoàn hảo biết bao nhiêu.

Tôi luôn tự nhủ lần sau sẽ không làm thế nữa. Nhưng mọi việc vẫn lặp lại như một thói quen khó tránh khỏi. Chính vì thế, suốt mười sáu năm chung sống, dẫu biết anh rất yêu và quan tâm đến tôi, tôi vẫn luôn thắc mắc, trong mắt anh, tôi là cô tấm dịu hiền hay mụ phù thủy đáng ghét? 

Vì thế, khi nghe anh nói tôi đã làm căn nhà thành tổ ấm, trí tò mò của tôi vẫn chưa được thỏa mãn. Có thật là anh không bị chán ngấy bởi những lời cằn nhằn của tôi? Anh ít nói và ít khi bày tỏ cảm xúc, nên tôi biết có hỏi thêm anh cũng không nói, chi bằng tôi tự phân tích vì sao anh nói như thế, cũng là dịp để “kiểm điểm và phát huy” những điểm mạnh yếu của mình. 

Ngày nhỏ còn sống với má, tôi thấy má luôn tay luôn chân. Vừa đi làm, má vừa chăm đàn con lít nhít. Sau giờ làm là buổi chợ, rồi nấu nướng. Sau nấu nướng là dọn dẹp nhà cửa. Nhà có má lúc nào cũng sạch bong, cơm canh nóng sốt. Má phân công mỗi đứa một chuyện, và đương nhiên, việc tỵ nạnh hay ham chơi quên làm xảy ra thường xuyên. Lúc đó, đứa nào quên nhiệm vụ sẽ bị má mắng suốt ngày, những đứa khác bị nghe lây cũng chẳng sung sướng gì. Vì thế, chúng tôi hay gọi lén sau lưng má là “bà la sát”.

Tuy nhiên, đứa nào cũng thèm bữa cơm của bà la sát. Tôi còn nhớ những bữa tan học, cái cảm giác về nhà ăn cơm sao mà ấm áp. Những ngày mưa, tôi nhớ vô cùng nồi cá biển kho. Những ngày nắng, tôi nhớ tô nước rau luộc trong vắt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cảm giác thật lạ, ngoài việc được lấp đầy cái dạ dày đang réo sôi, là sự háo hức được thấy hình bóng má trong bếp, dù má đang la rầy, kêu đứa này dọn chén, la đứa kia chưa rửa tay đã ngồi vào bàn ăn. Tôi nhớ như in mỗi khi má nói hôm nay má nghỉ làm là tôi cảm thấy vui vô cùng, cảm giác thật an toàn, cứ muốn tan học là về nhà ngay.

Chồng tôi cũng thuộc thế hệ cũ. Những câu chuyện tuổi thơ anh là những món ăn do mẹ nấu, chuyện anh em chọc ghẹo nhau cũng quanh quẩn bên bàn ăn. Mẹ anh dành cả đời mình chăm sóc cho gia đình. Đến nay, thỉnh thoảng đến thăm bà, bà vẫn tự tay chuẩn bị ba bữa ăn chỉn chu cho chúng tôi mỗi ngày.

Hình ảnh bà trong căn bếp thân thuộc biết bao, cho tôi cảm giác ấm áp hệt như má tôi ngày xưa. Tôi cũng nghe tiếng bà cằn nhằn chồng con sao lại để tờ báo trên cái thớt của bà, ông bán thịt đưa nhầm xúc xích to dù bà đã đặt hàng loại nhỏ... Hai vợ chồng lại được dịp cười rúc rích sau lưng bà. 

Thời gian vợ chồng tôi dành cho nhau nhiều nhất là trong căn bếp nhỏ. Đi làm về, anh sẽ thấy tôi đang nấu bữa tối (dù có thể là vừa nấu vừa cằn nhằn). Cuối tuần, hai vợ chồng sẽ sửa soạn bữa sáng, bữa trưa, bữa trà chiều và bữa tối cũng trong bếp. Bữa ăn làm sẵn bán rất nhiều trong siêu thị, nhưng tôi vẫn theo thói quen tự chế biến để phù hợp ý thích của cả hai.

Tôi biết mình không đảm đang bằng má hay chỉn chu như mẹ chồng, nhưng hôm nay nghe anh nói nhà mình là tổ ấm, tôi vẫn thầm hy vọng mình đã tạo được cảm giác ấm áp mỗi khi anh về nhà, cũng giống như tôi đã từng ba chân bốn cẳng chạy ùa vào bếp mỗi buổi tan học, chỉ để được nhìn thấy má. 

Phan Quỳnh Dao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI