Bác sĩ - Á vương Huỳnh Võ Tiến: 'Đẹp quá cũng khổ'

09/02/2020 - 15:53

PNO - Á vương cuộc thi Nam vương Du lịch toàn cầu 2019 tại Philippines nói: "Vì sao mọi người luôn dè dặt và có khoảng cách với người có ngoại hình"

 

Một ngày, cô gái nhà mình bỗng đưa về một bạn trai đẹp như “nam thần”, hỏi thật, phụ huynh có thấy lo? Kim cổ vẫn lưu truyền hồng nhan phận mỏng, vậy trai đẹp có trong vòng xoáy bạc phận, hay bạc phận có rơi vào… những cô gái đi bên cạnh? 

Bác sĩ “showbiz” Huỳnh Võ Tiến
Bác sĩ “showbiz” Huỳnh Võ Tiến

Câu hỏi khó này được đặt lên “bàn mổ” của bác sĩ điển trai Huỳnh Võ Tiến (sinh năm 1993, quê Vĩnh Long, hiện công tác tại Bệnh viện Phụ sản quốc tế Phương Châu - Cần Thơ). Anh cũng là Á vương trong cuộc thi Nam vương Du lịch toàn cầu tổ chức vào cuối năm 2019 tại Philippines.

Phóng viên: Chào bác sĩ - tân Á vương, theo anh, ngoại hình góp điểm cộng hay trừ cho công việc và cuộc sống của anh?

Bác sĩ Huỳnh Võ Tiến: Cái đẹp chắc chắn có lợi ích, nếu không thì người người đã không dành thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư chăm chút dung mạo của mình. Ngoại hình đẹp giúp mình tự tin hơn trong giao tiếp, trong công việc và thuận lợi khi dự tuyển với tỷ lệ chọi cao. Tôi được ký hợp đồng ở bệnh viện này ngay trước khi tốt nghiệp đại học, bên cạnh kiến thức chuyên môn, cũng không thể phủ nhận có phần đóng góp của ngoại hình. 

Tôi không hẳn đẹp, nhưng ánh mắt, nụ cười dễ gây cảm tình, tạo ấn tượng nơi người đối diện. Có câu nói của bệnh nhân khiến tôi mát lòng và thêm động lực, rằng: “Chỉ nhìn bác sĩ thôi, tôi cũng cảm thấy dễ chịu hơn rồi!”. 

Tuy nhiên, thị phi luôn dành sẵn cho những ai có nhan sắc. Đẹp quá cũng khổ!

* Đàn ông đẹp có khó giữ mình?

- Theo tôi, việc giữ mình không do ngoại hình quyết định mà phụ thuộc nhiều vào ý thức của người đó. Biết đang sở hữu nhiều thứ quý giá như công việc, cơ thể khỏe đẹp… thì tôi càng cố giữ bằng việc nghiêm túc, chỉn chu, không buông thả, không nhậu nhẹt bê tha.

Hơn nữa, vẻ đẹp của tôi đến từ sự chăm sóc, vì lúc nhỏ tôi trông xấu và thiếu năng lượng do quá ốm yếu. Nên biết mình đẹp để có cách bảo quản cái đẹp đó, chỉ sợ những ai cho là mình quá đẹp. Khi đó, cảm thấy không ai, không công việc nào xứng với mình, thế là thất nghiệp, bị đào thải, cô đơn…

Có anh đẹp trai luôn cho rằng vợ không xứng nên tự cấp cho mình “gói khuyến mãi” được tự do lăng nhăng với các cô gái đẹp (và oái oăm thay, vợ cũng nhận thấy mình phải có trách nhiệm “bù lỗ” cho anh chồng đẹp). Rốt cuộc, anh không bù được gì mà càng đánh mất lòng tự trọng, mất khả năng kiềm chế dục vọng. Cuối cùng vợ cũng rời bỏ vì nhận ra người chồng như thế không đáng cho chị trao thân gửi phận trọn đời. 

Các bạn nữ cũng không nên chủ quan với mày râu kém sắc. Cái “ẩn ức” xấu trai chìm khuất lâu ngày càng khiến các anh ham chơi, hư hỏng, càng khát khao chứng minh ta đây cũng phong độ và đắt đào chẳng kém ai. Ai có mục đích, người đó sẽ đạt được (dù xấu trai thì có vẻ vất vả hơn khi cưa cẩm), chỉ có điều cái hậu trong tương lai chẳng biết ra sao.

Bàn về giữ mình, tôi tin mình không bao giờ sa ngã vì tôi thấm sâu triết lý nhân quả của đạo Phật, biết chừng mực, không ảo tưởng và không ham tiền tài danh vọng đến mức phải đánh đổi. Bật mí, do tham gia nhiều cuộc thi nam vương, sinh viên thanh lịch, làm người mẫu và dẫn chương trình truyền hình nên tôi được một bầu sô ở TP.HCM mời biểu diễn với điều kiện đêm trước đó phải… ngủ chung. Tất nhiên, tôi từ chối ngay. 

* Khi một cô gái chọn bạn trăm năm, ông bà khuyên “củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài”, cảnh báo mấy anh “tốt mã, rã đám”, có bao giờ anh sợ mình “ế” vì đáp ứng không nổi tiêu chuẩn “củi tre”?

- Câu hỏi của chị chạm vào góc khuất đầy tâm tư của tôi. Hiện tại tôi vẫn phòng không chiếc bóng. Nếu xét riêng về nhan sắc, một cô dung mạo tầm thường đi bên cạnh một trai đẹp thì khó tránh khỏi mặc cảm, chạnh lòng. Rồi khi đưa hình ảnh lên mạng xã hội, người ta bàn tán ra vào, hai người sinh áp lực, nghi ngờ, ghen tuông. Chưa kể nếu cô nàng giàu có, thì “hoàng tử” bên cạnh thế nào cũng bị gắn dấu hỏi “đào mỏ”. Người giàu cũng khóc, người giàu… nhan sắc cũng mếu. “Lắm mối tối nằm không”, chưa kể nếu chọn được một trong mười hay hơn thế nữa, thì xác suất chọn đúng lại thấp. 

Một cặp thanh mai trúc mã thì cũng khó hạnh phúc vì ngoại lực quá nhiều, dễ lạc lòng, buông tay nhau. Thử hỏi nếu thấy cô nàng chân dài mình đang ngắm nghía được quá nhiều đại gia săn đón… thì mình có tủi thân không, có ghen không? Tôi thường mơ vợ mình sau này là một cô gái có nhan sắc trung bình, yêu quý chồng con, thật tự tin và tin tôi.

Nhớ lần tôi đi tập gym, không có ai nhìn tôi, chào hỏi hay làm quen nhau. Nhưng khi tôi nghỉ tập thì bà chủ nhắn có nhiều cô hỏi thăm: “Sao lâu quá không thấy ảnh đến?”. Vì sao mọi người luôn dè dặt và có khoảng cách với người ngoại hình hơi sáng sủa? Giống như treo bảng hiệu bán căn hộ cao cấp thì không ai ngó đến, còn treo bảng hiệu bán nhà ở xã hội thì mọi người đổ xô đặt cọc (dù chưa hẳn giá cả chênh lệch nhau nhiều). Hãy xem tôi là “nhà ở xã hội” các bạn nhé, để tôi có nhiều hơn cơ hội được tương tác, chia sẻ.

Tôi mong xã hội xóa bỏ định kiến, đừng quy chụp tất cả người đẹp là đa tình, thực dụng, thiếu chung thủy, “chân dài óc ngắn”… Nếu không trả về đúng nơi chốn của họ thì quả là phí cho một xã hội phát triển. Nếu mở lòng nhìn nhận, sẽ thấy người đẹp cống hiến rất nhiều. 

Tôi đang hằng ngày xây dựng cho mình một chuẩn đẹp của người ham học hỏi, trải nghiệm, biết đồng cảm, và phát huy tốt nhất năng lực của mình là có thể làm cho ngày càng nhiều chị em… có bầu (vì tôi là bác sĩ của khoa hiếm muộn).

* Xin cảm ơn bác sĩ về buổi chuyện trò thú vị và hữu ích. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI