Cách nào chia sẻ nỗi đau mất người thân?

20/12/2020 - 09:18

PNO - Khi đối diện với sự mất mát của người khác, chúng ta dễ bối rối vì không tìm được ngôn ngữ để diễn tả. Các chuyên gia tâm lý có vài gợi ý sau đây.

Theo Tổ chức từ thiện Cruse Bereavement Care (Chia sẻ nỗi buồn mất mát), sự khổ đau do mất người thân sẽ trở nên nặng nề hơn khi những người xung quanh không biết cách chia sẻ.

Nhà báo Maria Lally đã có những trải nghiệm cá nhân, và cô chia sẻ những cách chia buồn để tránh làm đau lòng thêm cho người nhận.

Nỗi đau mất mát có nhiều dạng khác nhau. Sự đau đớn thể chất trong tim khi biết rằng mình sẽ không bao giờ còn được nói chuyện với người đã khuất. Hay cú giật thót khi bạn có cảm giác bạn vừa mới thấy người đó trong đám đông, nhưng thực tế lạnh lùng khiến bạn nhận ra rằng điều đó là không thể. 

Nhưng điều không ngờ nhất về nỗi buồn là cách đối xử của những người xung quanh. 

Mẹ của Maria mất vào năm 2018, sau một cuộc chiến đấu ngắn ngủi chống lại bệnh ung thư, khi bà mới 67 tuổi. Hầu hết mọi người đều tốt bụng và hỗ trợ cô. Tuy nhiên, vẫn có những người chìm vào sự im lặng kỳ quặc khi cô báo tin mẹ mất. Lời khuyên cho bạn là, nếu không biết nói gì khi nghe thông tin tương tự, bạn chỉ cần nhẹ nhàng nói: “Tôi rất lấy làm tiếc”, thay vì im lặng. 

Có một người trẻ khoảng trên dưới 20 tuổi còn so sánh sự qua đời của mẹ cô với người bà 91 tuổi đã khuất của cô ấy. Thậm chí, cô ấy còn bảo mình hoàn toàn thấu hiểu cảm giác của Maria. Thêm một lời khuyên khác: không nên nói điều này với một người đang chịu mất mát, trừ khi bạn đã trải qua nỗi mất mát tương tự.

Nhiều người còn chịu đựng những sự chia sẻ tồi tệ hơn. Khi Anna bị sẩy thai vào tuần thứ 39, có người thành thật chia sẻ rằng: “Ít nhất là cô đã có một cậu con trai sáu tuổi, và rằng cô còn đủ trẻ để có thể sinh thêm con nữa”. Tuy bị xát thêm muối vào vết thương, Anna vẫn cho rằng, ít nhất những người này còn trò chuyện với cô. Có những bà mẹ hoặc hàng xóm vẫn gặp nhau hằng ngày trước cổng trường khi cô đưa con trai đi học, đã rẽ ngang hướng khác hoặc băng qua đường để tránh nói chuyện với cô. Mất con đã đủ đau và hủy hoại con tim, bị cô lập chỉ vì người ta không biết chia sẻ như thế nào mới thật kinh khủng.

Julia Samuel, nhà trị liệu tâm lý về nỗi buồn, cho biết: “Chúng ta thường tránh nghĩ và nói về cái chết, thậm chí cho rằng nếu ta không nghĩ về nó, nó sẽ đến với người khác chứ không đến với mình. Vì thế, khi đối diện với sự mất mát của người khác, họ không tìm được ngôn ngữ tình cảm để diễn tả. Họ sợ sẽ nói những điều không nên nói. Họ cũng muốn làm cho người đang chịu đựng mất mát cảm thấy tốt hơn, nhưng không biết làm cách nào. Cho nên, họ nghĩ không nói gì là tốt nhất”.

Tuy nhiên, Julia cho rằng, trong khi không có lời nói nào khiến người đang chịu đựng mất mát cảm thấy tốt hơn, thì ít nhất bạn nên ghi nhận sự mất mát của họ. Nếu nỗi buồn không được chia sẻ, nó sẽ trở nên nặng nề hơn. Khi bạn mất một ai đó, tình yêu dành cho họ không chết đi. Nói chuyện về họ với người khác là cách tốt nhất duy trì tình yêu đó.

Một trong những lời nói có ý tốt nhưng làm Maria đau đớn nhất, là sau khi mẹ cô mất, có người nói rằng con gái cô khi đó lên bốn còn quá nhỏ để nhớ đến nỗi đau buồn này. Maria có thể hiểu ẩn ý trong lời nói này là con cô sẽ quên hết những kỷ niệm mà bé đã có với bà trước khi bà lâm bệnh, và khi con lớn lên, bé sẽ quên tất cả về bà. Vì thế, cô luôn miệng nói chuyện với con về bà ngoại, rằng bà đã làm kẹo dẻo cho bé, và những cái tên ngộ nghĩnh bà đặt cho bé. Điều này đã có kết quả, có lần bé nhặt một chiếc lá và giải thích: “Chiếc lá này là từ cái cây có tên Red Robin, bà ngoại đã dạy cho con đó”.

Người đang chịu mất mát cần được nói về người đã khuất, dù điều này có thể làm người đối diện lúng túng vì không biết phải chia sẻ thế nào. Andy Langford, Giám đốc Tổ chức từ thiện Chia sẻ nỗi buồn mất mát, khuyên rằng: “Hãy lắng nghe họ, dù cho điều đó có thể làm bạn cảm thấy không thoải mái, và cũng đừng ngại nói đến những kỷ niệm đẹp. Nhiều người cho biết họ rất vui khi được nghe kể về người thân đã khuất, về những điều họ đã làm khi còn sống. Cảm thấy buồn rồi cười khi nhớ về người thân đã mất là quá trình đi qua nỗi mất mát”.

Andy cũng khuyên rằng những cái chết liên quan đến trẻ em hay người trẻ tuổi, tự vẫn hay những cái chết đột ngột như tai nạn giao thông thường đặc biệt phức tạp: “Trong trường hợp người chết do tự vẫn, người xung quanh không biết chia sẻ như thế nào, và người chịu mất mát cảm thấy bị bỏ rơi vì rất khó để người khác hiểu được nguyên nhân của cái chết và sự đau buồn. Lời khuyên của các chuyên gia là hãy chỉ nói rất lấy làm tiếc, viết một lá thư hoặc tìm cách giúp đỡ họ. Làm gì thì làm, nhưng đừng bỏ mặc họ chỉ vì cảm giác không thoải mái của riêng bạn”.

Có nhiều cách để giúp những người đang có nỗi đau do mất người thân. Không chỉ nói: “Hãy cho tôi biết bạn đang cần gì, tôi sẽ giúp”, hãy nấu buổi tối và mang sang cho họ hay gợi ý đón con cho họ mà không cần đợi đến khi họ nhờ. 

Không nên nói hãy nhìn về phía trước, hay thời gian sẽ làm lành tất cả hoặc bạn sẽ vượt qua nỗi đau này. Nên hiểu rằng nỗi đau mất mát sẽ không bao giờ biến mất, theo thời gian nỗi đau sẽ bớt chiếm trọn trong tâm trí, nhưng sẽ có những thời điểm, nó sẽ làm người ta thêm nhớ, cho dù đã qua nhiều năm hay nhiều thập niên sau đó. 

Hãy gửi tin chia buồn qua kỹ thuật số (với lời lẽ chọn lọc) như qua Facebook, nhưng bạn bè thân thiết thì nên viết thư hoặc gửi thiệp hay gọi điện chia buồn là tốt nhất.

Cuối cùng là hãy thả lỏng bản thân. Nhu cầu của một người đang chịu đựng mất mát thay đổi từng ngày và bạn không thể lúc nào cũng làm đúng theo mong muốn của họ. Họ rất dễ nổi cáu khi bạn làm sai ý họ, đừng e ngại hỏi thẳng họ xem bạn làm thế nào là tốt nhất. 

Phan Quỳnh Dao 
(theo Stella)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI