Các bà ngoại bây giờ sợ con gái lắm!

21/06/2022 - 15:03

PNO - Xem ra, bà ngoại trẻ bây giờ là hàng quý. Các bà ngoại trẻ lại có dịp nói với nhau, ráng giữ gìn sức khoẻ để mà còn chăm cháu!

 

Bà ngoại nằm trong kế hoạch cuộc đời của không ít đứa con (Ảnh minh họa)
Bà ngoại nằm trong kế hoạch sinh nở của không ít đứa con (Ảnh minh họa)

Có nghe một nhóm bạn trẻ (nam) tán gẫu với nhau quanh bàn cà phê mới thấy, giờ đây, những người trẻ đã biết tính toán cho tương lai khi lập gia đình: ưu tiên bà ngoại còn trẻ.

Bà ngoại ở đây theo cách gọi của đứa con tương lai, nghĩa là bà mẹ vợ đấy!

Chuyện đùa mà thật, bởi giờ đây vai trò bà mẹ được con cái tận dụng tối đa. Ngay cả hai bên sui gia nhìn nhau cũng vậy, bên nội nhìn bên ngoại, an tâm khi thấy bà ngoại còn trẻ. 

Thử tưởng tượng một gia đình trẻ sống xa cha mẹ hai bên. Một đứa con ra đời biết bao nhiêu khó khăn. Hết “triệu” bà ngoại rồi đến nhờ bà nội. Ngay cả ông nội/ngoại vốn chỉ biết chỉ tay năm ngón cũng được vợ chồng trẻ “tận dụng”. Cha mẹ nỡ nào từ chối con khi mình còn sức khoẻ, lại rảnh rang mà con cái bấn người trông cháu?

Nhìn rộng ra bên ngoài xã hội mới thấy, nghề Osin ngày càng cao giá. Tìm được người giúp việc đạt yêu cầu rất khó! Người thì cho là mình nuông chiều người giúp việc hết cỡ, muốn gì cũng có mà ba bảy hai mốt ngày họ lại bỏ đi. Chẳng có nguyên nhân gì hết, thích thì ở, không thích thì đi. Người thì cho là phải “ác ác” một chút mới có được người giúp việc trung thành. Trên các phương tiện thông tin đại chúng bây giờ đầy rẫy tin tức chủ nhà đối xử tàn ác với Osin. Lại có người cho là, tìm người giúp việc trung tín khó như hái sao trên trời. Bao nhiêu gương sờ sờ ra đấy. Không kể bị mất tài sản mà còn mất cả tính mạng nữa! Nói chung là, không dám tin ai. Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà lợi bất cập hại như thế nào xưa nay ai cũng biết. Cực chẳng đã, gia đình neo đơn mới phải kiếm Osin.

Vậy thì, ai thế vào chỗ Osin nếu không là ông/bà nội/ngoại? Với bà nội thì cô con dâu trẻ còn e ngại bởi dù gì cũng phận dâu con. Gặp mẹ chồng khó tính, phong kiến chẳng những không giúp đỡ con dâu còn ra điều răn đe dâu phải biết phận làm dâu. Chỉ có bà ngoại là nhất. Các cụ đã chẳng nói: “Cháu bà nội tội bà ngoại”, “con so về nhà mẹ”, “một mẹ già bằng ba đứa ở” là gì?  

Con dâu bây giờ cũng nhiều người kỳ lắm! Phần do gia đình ít con, các cô quen được nuông chiều từ bé. Có cô sinh con làm tội bố mẹ  đủ thứ, như bố mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc con cho mình. Con cô khóc, cô trách mẹ sao không dỗ cháu; bà cho cháu ăn, cô còn nghi ngờ cháu có ăn hết suất không, ăn xong, cháu bị ói là bà... coi chừng! 

Mà các bà mẹ vợ bây giờ cũng sợ con gái lắm, càng cưng cháu ngoại thì càng sợ dữ. Sợ con giận lẫy, bồng cháu về, không ở với bà nữa thì gay! Cái gay ở đây là bà lo cho đứa cháu, mẹ nó (con gái mình) vụng thế lại bận đi làm sao chăm con được? Đêm hôm ai thức khuya pha sữa? Chồng nó lỡ buổi chiều có chút “sương sương” thì đêm sẽ ngủ như chết, biết gì. Hoàn cảnh như vậy làm sao vợ chồng không hục hặc? Khi con cái cơm chẳng lành thì ông bà canh cũng chẳng ngọt, đôi khi bà còn bị ông nhằn là không chịu khó chăm cháu, giữ cháu ở lại… 

Bây giờ thường thấy cảnh bà mẹ vừa về hưu lại có ngay “nhiệm sở” mới khi con gái sinh cháu. Các bà ngoại kiểu này tính toán rất hay. Đến tuổi hưu thì vừa vặn con cái lập gia đình, các bà còn sức khoẻ giúp con.

Có đến thăm các cô “nằm ổ” mới thấy sản phụ bây giờ rất hiện đại, chẳng có gì gọi là ở cữ hay kiêng khem. Phòng thì máy lạnh, nệm dày, không mang vớ thì chớ các cô còn nhét tai bằng headphone nghe nhạc. Trên giường lại có laptop suốt ngày online chat chit. Bà mẹ khó tính cổ hũ cỡ nào cũng chào thua, đừng nói gì đến xông, hơ, nhét bông vào lỗ tai, ngồi nhiều đau lưng… Lạc hậu rồi!

Có bà thương con đến nỗi đã trông cháu cả ngày rồi, chiều tối ăn cơm xong còn nhận việc ôm cháu cho vợ chồng trẻ đi chơi, bạn bè, cà phê, thư giãn… Bà ngoại nào cũng có chung một quan điểm là cho con cái thoải mái hết mức. Đến nỗi, có cô, con lớn rồi mà vẫn bám nhà mẹ không chịu về nhà chồng hay nhà riêng của mình. Mẹ có hờn nói tiếng đuổi đi, cô cũng khăng khăng không đi.

Vai trò của bà ngoại vừa chấm dứt khi cháu đi được mẫu giáo thì có ông ngoại đưa đón cháu đi học. Rõ ràng, không ai làm tốt vai trò này hơn ông ngoại còn trẻ, khoẻ. Ông đón cháu về bà có ngay đĩa trái cây hay hũ yaourt, cái bánh… Bố mẹ nó còn bận việc công ty hay đang dã ngoại đâu đó bà không quan tâm, bà chỉ biết bụng đứa cháu yêu giờ đang cần nạp các thứ mà mẹ nó căn dặn sẵn…

Vai trò bà ngoại vừa kết thúc thì tới lượt ông ngoại bận bịu, vất vả với cháu (Ảnh minh họa)
Vai trò bà ngoại vừa kết thúc thì tới lượt ông ngoại bận bịu, vất vả với cháu (Ảnh minh họa)

Và như thế, hỏi sao những người trẻ giờ đây không ưu tiên một cho việc chọn bà ngoại trẻ trong vấn đề quyết định hôn nhân? Bởi ngay chính các bà ngoại trẻ cũng hối thúc, sinh cháu đi, mẹ còn khoẻ, mẹ chăm cho… Đến nỗi, có cô còn tuyên bố, sinh hai đứa con rồi mà không biết nuôi con mọn là gì! 

Xem ra, bà ngoại trẻ bây giờ là hàng quý. Các bà ngoại trẻ lại có dịp nói với nhau, ráng giữ gìn sức khoẻ để mà còn chăm cháu!

Các bà ngoại/nội chỉ biết hy sinh cho con cháu mà không mong một ngày con cháu trả ơn. Các bà hiểu, chúng nó lo phần đời riêng đã quá áp lực rồi, nên giúp được gì cho con cháu, các bà chẳng từ nan. Bởi thế người đời mới gọi đó là “đức hy sinh”.

Kim Duy

 

                                                                                                                       

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI