Cả nhà nhiễm COVID-19 và cuộc chiến tại gia

07/12/2020 - 07:37

PNO - Trước đó tôi cứ nghĩ COVID-19 ở nơi nào đó xa xôi lắm, mình cẩn thận thế này, sẽ không bao giờ bị nó "viếng thăm".

 


Sau tám năm định cư tại thành phố Schorndorf (Đức), cuối cùng tôi cũng đã xây dựng cho mình một tổ ấm xinh xắn với người chồng bản địa và hai đứa con lai, một trai, một gái.

Một ngày giữa tháng 11, đang trong giờ làm việc, ông xã tôi đột ngột quay về nhà giữa chừng. Nhìn vẻ mặt không rõ đang vui hay buồn của anh, tôi đoán là có chuyện. Anh thú nhận đã tiếp xúc gần với đồng nghiệp vừa xác nhận nhiễm COVID-19 tại công ty.

Gia đình chị Minh Thuật trong một chuyến du lịch tại Tây Ban Nha thời chưa có COVID-19
Gia đình chị Minh Thuật trong một chuyến du lịch tại Tây Ban Nha thời chưa có COVID-19

Những ngày "nín thở"

Tôi choáng váng khi nhận tin. Công ty anh đã có quy định nghiêm ngặt là mọi nhân viên đều bắt buộc phải đeo khẩu trang trong giờ làm việc. Nhưng trong lúc sếp và nhân viên họp bàn, để cho thoải mái và dễ thở, họ chủ quan... tháo khẩu trang ra. Biết tính sao đây? Chuyện xảy ra cũng đã xảy ra rồi. Giờ không phải lúc vợ chồng ngồi đay nghiến lẫn nhau. Việc chúng tôi cần làm là gọi ngay bác sĩ gia đình để xin trợ giúp.

Nhưng hôm đó là một buổi chiều thứ Sáu. Ở Đức, ngoại trừ các siêu thị, tiệm cà phê bánh ngọt, hầu hết các công sở đều kết thúc tuần làm việc vào trưa thứ Sáu. Chúng tôi phải ráng đợi đến sáng thứ Hai tuần tới, trong tâm trạng như đang ngồi trên đống lửa. Chồng tôi gọi đến nơi làm việc của tôi, trình bày hoàn cảnh, và nói nguy cơ bị nhiễm COVID-19 của vợ chồng tôi là ngang nhau. Ngay lập tức tôi nhận quyết định được nghỉ theo diện bị bệnh, và trong thời gian đó vẫn được hưởng nguyên lương theo các chính sách bảo hộ người lao động.

Rồi sáng thứ Hai cũng đến. Ngay khi liên lạc được với bác sĩ gia đình, chúng tôi lại nhận được tin không thể xấu hơn. Họ nói không thể viết giấy chuyển viện cho chúng tôi, chúng tôi phải gọi qua đường dây nóng của bệnh viện để xin trợ giúp. Trong lúc chờ đợi, thì cơ thể chúng tôi đã có những dấu hiệu điển hình của người bị nhiễm COVID-19 bộc phát.

Anh bị đau đầu, sốt 40 độ, viêm nhiễm phần nam khoa. Còn tôi thì sợ ánh sáng, mắt đau nhức dữ dội, cơ thể lúc nóng lúc lạnh như người sốt rét. Các rèm cửa buộc phải kéo xuống, tôi nằm chịu trận trong bóng tối. Các con thấy mẹ bệnh thì vào đòi bóp đầu bóp tay cho mẹ. Tôi muốn cách ly với các con, nhưng trước đó đã ôm ấp hôn hít chúng nó rồi, nếu nhiễm COVID-19 thì cả gia đình đều đã bị, giờ cách ly còn ý nghĩa gì đâu?

Khi anh nhận được lịch của đường dây nóng tới để xét nghiệm COVID-19, tôi đòi đi theo để xét nghiệm cùng. Anh nói không thể nóng vội. Nếu anh có kết quả dương tính, thì tôi hẵng đi, còn nếu anh hoàn toàn bình thường, thì tôi chỉ đang trải qua trận cúm mùa mà thôi. Trong thời gian nhạy cảm này, tốt nhất chúng tôi lên tinh thần tự cách ly với cộng đồng.

Ba ngày sau, anh có kết quả dương tính. Cả gia đình tôi chết lặng. Vẫn hy vọng trước đó rằng, sức đề kháng của anh tốt, chắc COVID-19 sẽ không ghé thăm đâu. Rằng chúng tôi chỉ đang bị trận cúm thông thường hoành hành, nhưng do diễn ra trong thời điểm nhạy cảm này, cộng với nguy cơ anh tiếp xúc với người bệnh nên chúng tôi bị ám thị mà thôi.

Vậy mà việc anh bị nhiễm COVID-19 là sự thật, và tôi bị điều đi xét nghiệm ngay. Tới phòng xét nghiệm, nhìn đội ngũ y, bác sĩ mà tôi choáng ngợp vì tưởng đang gặp người ngoài hành tinh. Họ được bảo hộ kín mít từ trên xuống dưới, hở mỗi đôi mắt để nhìn. Các phòng khám thông nhau. Tôi ngồi ở phòng đợi, thoắt cái cửa bên trái bật mở, một cô y tá chỉ thò mỗi cánh tay vào đòi thẻ bảo hiểm y tế. Một lát sau cửa bên phải bật mở tự động, bác sĩ xét nghiệm chính bước vào. Ông nói xét nghiệm sẽ đau đấy, tôi cố gắng nhé. Rồi ông lấy một cái que có đầu mềm được bọc bông băng, chọc vào cổ họng, vào mũi tôi để lấy dung dịch. Hai ngày sau, tôi nhận kết quả dương tính.

"Cơm tẻ mẹ ruột" và những áng mây

Lúc này tại gia đình, tôi đang đau đớn đối diện với sự tàn phá của vi-rút. Các khớp xương trở nên đau nhức dữ dội, đôi mắt như bị ai đó bóp nghẹt, không thể mở ra được. Điều khủng khiếp hơn là tôi mất dần vị giác, chẳng biết mình đang ăn gì uống gì. Tôi khóc nức nở, tự hỏi có phải mình đang chết dần đi không?

Chúng tôi đã vào diện theo dõi của trung tâm y tế cộng đồng. Họ liên tục gửi email, yêu cầu chúng tôi tự cách ly. Thực ra họ không gửi thư, chúng tôi cũng biết mình phải làm gì và nên làm gì. Hơn nữa chúng tôi không còn sức để thở nữa, lấy đâu tinh thần để ra ngoài mà lây cho người khác.

Các con tôi bị điều đi xét nghiệm, đều đã nhận kết quả dương tính. May mắn là chủng loại vi-rút này ở trong cơ thể con trẻ thường tự tiêu biến, chứ không bộc phát và hành hạ như với cơ thể người lớn. Chính vì thế, trong khi bố mẹ chúng nằm la liệt hai nơi và đau đớn, thì chúng vẫn có thể tự mở tủ lạnh lấy đồ ăn và tự phục vụ.

Con trai lớn của chúng tôi năm nay học lớp Một. Chúng tôi đã báo cáo tình hình với cô giáo chủ nhiệm từ lâu. Lớp học đã bị đóng cửa và chuyển sang học online. Giờ là lúc cả gia đình nội bất xuất ngoại bất nhập, tự cách ly và điều trị. Tôi bị nhiễm trùng vùng lưng, bác sĩ gia đình cho uống thuốc kháng sinh. Nhưng đặc trị COVID-19, thì các bác sĩ không chỉ định thuốc gì cả. Cơ thể của người nhiễm tự sản sinh ra kháng thể chống lại bệnh. Suy nghĩ tích cực, khát vọng sống là liều thuốc rất quý để vợ chồng tôi chiến đấu với COVID-19.  

Hai ngày sau, ông xã tôi dần hồi phục, đã có thể tự nấu nướng phục vụ gia đình. Còn tôi vẫn hai nóng hai lạnh, cơ thể run bần bật, và sợ ánh sáng. Nhưng các món ăn anh nấu đều là đồ tây, trong khi tôi thèm da diết một bát cháo gà, cho thật nhiều hành. Gọi ai đây? Tôi không muốn trong cộng đồng người Việt, ai đó biết gia đình mình bị bệnh, sẽ bất lợi cho các con khi quay trở lại trường. Sau này nghĩ lại, tôi thấy đó là suy nghĩ cực kỳ thiển cận. Vì nếu không lên tiếng, sẽ không ai biết bản thân đang gặp khó khăn và cần giúp đỡ. Cứ kêu lên đi, sự hỗ trợ của những người đồng hương sẽ khiến bạn bất ngờ. Đấu tranh mãi, cuối cùng tôi thú nhận với một chị bạn, và nói cần được trợ giúp.

Ngay lập tức, chị nấu cháo gà mang đến. Chị bấm chuông ra hiệu, để đồ ăn phía ngoài, đợi chị về rồi tôi mới ra lấy. Cầm bát cháo gà nóng hổi, thơm phức, tôi chỉ muốn ăn ngay lập tức. Tôi húp thử một thìa. Vị ngọt, vị thanh của nước dùng. Vị thơm của cháo, của gạo mà ra. Ôi "cơm tẻ mẹ ruột" là đây. Tôi rơm rớm nước mắt, là do tôi mừng vì vị giác đã dần quay trở lại, hay do xúc động vì tấm chân tình mà người bạn đồng hương mang tới?

Cơ thể tôi cũng đã dần bình phục. Từ đó cứ đều đặn, người bạn đồng hương nấu cơm, nấu cháo, nấu phở, những món do tôi đề xuất - rồi đặt trước sảnh và bấm chuông ra hiệu. Tôi cảm thấy mình đang khỏe dần lên, không bị thở hụt hơi nữa. Tôi ngồi dậy được, đã biết cảm nhận và thấy rõ đất trời đang chuyển mùa từ thu sang đông. 

Từ cửa sổ, tôi nhìn thấy những áng mây lướt qua. Trời lạnh nhưng có nắng. Nắng rất đẹp, rọi chiếu những chậu cây cảnh, tạo nên những bông hoa nắng nhảy múa. Nếu không bị cách ly, thời tiết đẹp thế này, tôi đã đưa các con đạp xe ra ngoại ô, đi hái quả. Không ngờ cuộc sống gia đình bị đảo lộn bất ngờ chỉ vì chủng vi-rút này tấn công. Trước đó tôi cứ nghĩ COVID-19 ở nơi nào đó xa xôi lắm, mình cẩn thận thế này, sẽ không bao giờ bị nó "viếng thăm". Có ai ngờ, nó sẽ đột ngột đến với gia đình chỉ trong một giây phút lơ là.

Hai tuần sau đó, chúng tôi được phép ra khỏi vùng tự cách ly. Tôi và ông xã quay trở lại guồng quay công việc, hai con lại được đến trường. Sáng hôm đầu tiên được "tự do", tôi dậy thật sớm, đi bộ ra ngoại ô. Chưa bao giờ tôi thấy trời xanh đến thế. Không khí yên bình vô cùng, nghe rõ cả tiếng cỏ cây. Lòng tự nhủ, sẽ thật cẩn thận để gia đình không phải chạm đến COVID-19 bất cứ lần nào nữa. 
 

Minh Thuật (từ Đức)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI