Biến thể Delta thách thức chính sách “không khoan nhượng” của nhiều quốc gia

23/08/2021 - 06:14

PNO - Chính sách “không khoan nhượng” với những đợt phong tỏa, giãn cách và truy vết mạnh mẽ giúp nhiều quốc gia vượt qua một năm đại dịch đầy cam go. Tuy nhiên, biến thể Delta đã làm thay đổi “cuộc chơi” khi dễ dàng xuyên qua hàng rào phòng thủ giữa lúc người dân, chính phủ và nền kinh tế đã thấm mệt.

Bài học từ chính sách “không khoan nhượng”

Chỉ với một ca nhiễm COVID-19 mới sau sáu tháng không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng là đủ để New Zealand kích hoạt tình trạng phong tỏa toàn quốc ba ngày vào hôm 17/8. Hiện tại, đất nước chim kiwi đã kéo dài các hạn chế nghiêm ngặt cho đến nửa đêm ngày 24/8, do ổ dịch lan rộng ra ngoài hai thành phố trọng điểm với tổng cộng 72 ca nhiễm. Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ triệu tập nội các trong ngày 23/8 để xác nhận gia hạn phong tỏa đối với Auckland và Wellington, đồng thời xem xét các mức hạn chế đối với phần còn lại của đất nước. 

Các đợt bùng phát do biến thể Delta ở bang New South Wales và Victoria đã phá vỡ kế hoạch triệt tiêu lây nhiễm nhờ chính sách “không khoan nhượng” của Úc - Ảnh: EPA
Các đợt bùng phát do biến thể Delta ở bang New South Wales và Victoria đã phá vỡ kế hoạch triệt tiêu lây nhiễm nhờ chính sách “không khoan nhượng” của Úc - Ảnh: EPA

Trong cuộc chiến chống lại COVID-19, Trung Quốc chính là hình mẫu cho sự thành công của chính sách “không khoan nhượng” trước nguy cơ lây nhiễm. Trong vòng vài tuần kể từ khi căn bệnh mới được xác định, Trung Quốc bắt đầu báo cáo số ca nhiễm giảm đáng kể. Bắc Kinh đưa ra chính sách “không lây nhiễm”. Theo đó, việc phát hiện dù chỉ một trường hợp cũng có thể ngay lập tức kích hoạt các biện pháp cách ly diện rộng, hạn chế đi lại, xét nghiệm hàng loạt và truy vết cho đến khi số trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng hạ xuống bằng 0. 

Tuy nhiều chuyên gia nghi ngờ độ tin cậy của số liệu thống kê chính thức do Trung Quốc công bố, đặc biệt là trước những nỗ lực ban đầu của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn thông tin cơ bản về sự xuất hiện của virus mới ở Vũ Hán, vẫn có đủ lý do để tin rằng Trung Quốc thực sự đã làm tốt hơn nhiều trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus so với các nền kinh tế lớn khác. Trong nhiều tháng, sự lây nhiễm đã được xóa bỏ hoàn toàn trên phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, với cuộc sống hằng ngày gần như trở lại mức bình thường trước đại dịch.

Thử thách mới từ biến thể Delta

Từ Úc, New Zealand đến Trung Quốc, biến thể Delta đang tạo ra một khả năng không chắc chắn về hiệu quả của chính sách “không khoan nhượng”, với các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ như phong tỏa diện rộng.
Trong tháng Tám, biến thể Delta đã xuất hiện ở hơn một nửa tỉnh, thành tại Trung Quốc mặc cho các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ. Ngay lập tức, quốc gia tái kích hoạt một loạt yêu cầu giãn cách, hạn chế đi lại và xét nghiệm trên khắp đất nước. Hàng triệu người được xét nghiệm, đôi khi nhiều hơn một lần. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc kiềm chế sự bùng phát lần này sẽ khó hơn nhiều so với trước đây, do sự lây lan nhanh chóng và không có triệu chứng của biến thể Delta.

Xi Chen - nhà kinh tế y tế tại Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ) - nhận định: “Tôi nghĩ chính sách không khoan nhượng khó có thể tiếp tục. Ngay cả khi chính quyền có thể phong tỏa tất cả các khu vực lây nhiễm, người dân vẫn có thể chết vì bệnh, trải qua đói kém hoặc mất việc làm”. Jiang Ruoling - một cư dân ở Nam Kinh phải trải qua bốn lần xét nghiệm trong vòng ba tuần - cho biết: “Các biện pháp kiểm dịch khiến tôi cảm thấy như bị tra tấn”.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang mất dần đà tăng trưởng do các hạn chế mới và chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với căng thẳng gia tăng hơn nữa. Thời gian hàng hóa chờ đợi tại các trung tâm giao thông lớn của Trung Quốc liên tục kéo dài, tình trạng thiếu tàu container, hàng hóa kẹt vì phải kiểm dịch tại các cảng đường thủy. Zhang Wenhong, chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc về việc ứng phó COVID-19, đã đưa ra ý tưởng theo mô hình tương tự của Israel và Anh, trong đó nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và để người dân sẵn sàng sống chung với bệnh thay vì cách ly ca nhiễm khỏi cộng đồng. 

Tương tự như tình cảnh của Trung Quốc, chính sách “không khoan nhượng” mà Úc đang áp dụng trước nguy cơ bùng phát biến thể Delta có thể khiến nền kinh tế của nước này mất hơn 1 tỷ USD mỗi tuần, giữa lúc các chuyên gia cảnh báo những hạn chế có thể kéo dài đến tháng 10. Patrick McGorry - Giám đốc điều hành của nhóm sức khỏe tâm thần Orygen có trụ sở tại Melbourne (Úc) - cho biết, các hạn chế đã dẫn đến một “đại dịch tiềm ẩn” về bệnh tâm thần mà chính quyền và các chuyên gia y tế công cộng không muốn thừa nhận. Do đó, ông cho rằng trong khi thực hiện các biện pháp cứng rắn cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao hơn (vào khoảng 80% dân số), các nhà chức trách cần phải có kế hoạch rõ ràng về việc mở cửa trở lại để mang lại cho mọi người hy vọng về lối thoát khỏi đại dịch. 

Linh La (theo SCMP, BBC, Reuters, Telegraph, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI