Biến thể Delta đe dọa kế hoạch nới lỏng hạn chế của nhiều quốc gia

02/07/2021 - 07:05

PNO - Trước những đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể nguy hiểm Delta, nhiều quốc gia đang cân nhắc hoãn lại các kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế, đồng thời triển khai nhiều giải pháp mới để khống chế sự hoành hành của biến thể này.

Hôm thứ Tư (30/6), Pháp đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng trong nhiều tuần, đưa cuộc sống ở nước này trở lại trạng thái gần như bình thường với việc cho phép mở cửa các nhà hát, rạp chiếu phim, viện bảo tàng, các địa điểm tập luyện thể thao.

Anh đã cho biết nước này đang cân nhắc dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội vào giữa tháng 7
Anh đã cho biết nước này đang cân nhắc dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội vào giữa tháng 7

Các nhà hàng ở nước này cũng được phép tiếp nhận khách hết công suất. Để thúc đẩy du lịch, Pháp cũng sẽ cho du thuyền hoạt động trở lại, trong khi Liên hoan phim Cannes dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Bảy này.

Từ ngày 1/7, Áo cũng sẽ cho phép du khách đã tiêm ngừa COVID-19 từ Mỹ đến nước này.

Trong tuần này, cơ quan y tế mới của Anh cho biết đang cân nhắc dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội vào giữa tháng 7, mặc dù số ca nhiễm COVID-19 mới ở những người trẻ chưa được tiêm chủng ở nước này đang tăng mạnh.

Thế nhưng, Deepti Gurdasani - một chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Queen Mary, London - cho rằng các quốc gia tương đối giàu có đã triển khai thành công các chương trình tiêm ngừa COVID-19 không nên quá chủ quan khi cho phép người dân quay lại với cuộc sống thoải mái quá vội.

“Việc nới lỏng các hạn chế khi dịch bệnh vẫn còn đang lây lan mạnh chẳng khác nào làm cho nó càng bùng phát nhanh hơn, nhất là khi có sự xuất hiện của biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh như Delta. Các nước không nên chủ quan khi nghĩ rằng mình có thể “sống chung” với biến thể này. Nếu không kiểm soát tốt, các quốc gia có thể sẽ phải đối mặt với thảm họa do đại dịch trong tương lai”, Gurdasani cảnh báo, được tờ NBC News trích dẫn.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo rằng mặc dù đã tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin cho hơn 40% dân số, nhưng điều đó không có nghĩa là Pháp sẽ có thể tránh khỏi một đợt bùng phát dịch mới trong thời gian tới khi biến thể Delta hoành hành ở nước này.

Hôm 30/6, Jean-François Delfraissy - người đứng đầu ban cố vấn khoa học của chính phủ Pháp - đã nhận định rằng Pháp có thể phải chứng kiến một đợt lây nhiễm mạnh trong năm nay do biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đang chiếm khoảng 20% ​​các ca nhiễm mới ở nước này.

Hôm thứ Ba (29/6), Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho đài phát thanh Pháp biết, nếu tình trạng trên xảy ra, chính phủ nước này sẽ có thể phải áp đặt các biện pháp hạn chế trở lại.

Úc phải thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đợt bùng phát COVID-19 mới liên quan đến biến thể Delta
Úc phải thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đợt bùng phát COVID-19 mới liên quan đến biến thể Delta

Úc, nơi chỉ ghi nhận hơn 30.000 trường hợp nhiễm COVID-19 với 910 ca tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu, cũng đang phải thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa nhiều thành phố lớn trong tuần này để khống chế một đợt bùng phát dịch mới, nguy hiểm hơn vì có liên quan đến biến thể Delta.

“Điều đáng quan ngại là biến thể Delta có thể vô hiệu hóa một số chính sách phòng chống dịch mà nhiều nước đã từng áp dụng thành công. Cách duy nhất để khống chế biến thể này là ngăn chặn sự lây lan của nó bằng cách phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp”, Gurdasani khuyên.

Trên thực tế, trước tốc độ lây lan mạnh của biến thể Delta trong những đợt bùng phát dịch gần đây, một số nước đã chuyển sang chiến lược chống dịch mới theo tinh thần nói trên.

Tại Nga, nơi đã ghi nhận 669 ca tử vong vì COVID-19 chỉ trong ngày 30/6 - con số cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu, các nhà chức trách đang kêu gọi người dân tăng cường tiêm ngừa.

Chính phủ Hàn Quốc - quốc gia cũng đã từng thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát dịch và đã tiêm ít nhất một liều vắc xin cho gần 30% dân số 52 triệu người - hiện đang nhận thấy cần phải thực hiện một số biện pháp mới để kiểm soát đại dịch. Các nhà chức trách nước này cho biết sẽ trì hoãn một tuần việc nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội ở thủ đô Seoul và các khu vực lân cận do số ca nhiễm mới đang tăng đột biến trở lại.

Nhật Bản, nơi dự kiến sẽ diễn ra Thế vận hội Mùa hè Tokyo trong chưa đầy một tháng tới, cũng đang cân nhắc gia hạn việc áp đặt tình trạng “tương tự khẩn cấp” tại thủ đô, thay vì sẽ dỡ bỏ vào ngày 12/7 theo kế hoạch trước đó, khi số ca nhiễm mới ở ước này đang tăng mạnh.

Nhất Nguyên (theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI