Biến thể Delta đã có mặt ở 98 quốc gia, WHO cảnh báo "giai đoạn nguy hiểm"

04/07/2021 - 20:12

PNO - Các chuyên gia y tế cũng cho biết, đề xuất mở rộng tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em ở các nước phương Tây sẽ làm trì hoãn việc triển khai tiêm chủng trên thế giới và cho phép các biến chủng chết người có cơ hội phát triển ở nhiều nơi.

Một y tá đang tiêm vắc xin COVID-19 ở Bồ Đào Nha - Ảnh: AP
Một y tá đang tiêm vắc xin COVID-19 ở Bồ Đào Nha - Ảnh: AP

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo rằng các nước giàu chia sẻ vắc xin với các nước thu nhập thấp “quá chậm để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta” đang gây nguy hiểm đến mạng sống của hàng triệu người.

Ông Ghebreyesus cho biết việc chia sẻ vắc xin "nhỏ giọt và đang bị các biến chủng vượt qua mặt", sau khi có thông tin xác nhận biến chủng Delta hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới.

Cảnh báo của tiến sĩ Ghebreyesus được đưa ra khi bà Sarah Gilbert, giáo sư Đại học Oxford, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc xin AstraZeneca/Oxford, kêu gọi thận trọng đối với đề xuất tiêm chủng cho trẻ em ở Anh. Bà nói: “Chúng ta cần cân đối những gì chúng ta nghĩ về việc tiêm chủng cho trẻ em ở các nước có thu nhập cao với việc tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới, vì ưu tiên hàng đầu hiện nay là ngăn chặn sự lây truyền của virus COVID-19 trên toàn cầu”.

Bà Gilbert giải thích: “Chúng ta chưa thể thoát khỏi đại dịch, và đó là lý do tại sao tôi rất lo lắng về việc tiêm vắc xin cho phần còn lại của thế giới, vì chúng ta cần ngăn chặn virus lây truyền và tiếp tục tiến hóa. Nó có thể mang đến cho chúng ta một biến thể mới thực sự khó đối phó”.

Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết việc chia sẻ vắc xin đã chậm lại đến mức như nhỏ giọt - Ảnh: AP
Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho biết việc chia sẻ vắc xin đã chậm lại đến mức như "nhỏ giọt" - Ảnh: AP

Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus cho biết các nhà lãnh đạo thế giới phải đảm bảo rằng ít nhất 10% người dân ở tất cả các quốc gia cần được tiêm chủng vào cuối tháng 9/2021, có như vậy những người dễ bị tổn thương và nhân viên y tế mới được bảo vệ.

Ông Ghebreyesus nói: “Biến chủng Delta rất nguy hiểm và đang tiếp tục tiến hóa và đột biến, đòi hỏi phải đánh giá liên tục và điều chỉnh thận trọng việc ứng phó sức khỏe cộng đồng. “Delta đã được phát hiện ở ít nhất 98 quốc gia và đang lây lan nhanh chóng ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng như cao”.

“Thế giới cần chia sẻ công bằng các thiết bị bảo hộ, bình oxy, các bộ xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin”. Ông Ghebreyesus nói thêm, đến tháng 7 năm sau, 70% người dân ở mọi quốc gia cần phải được tiêm chủng vì đó là cách tốt nhất để làm chậm đại dịch, cứu sống nhân loại.

Quan điểm này được Giáo sư James Naismith, Giám đốc Viện Rosalind Franklin, Oxford (Anh), ủng hộ. Ông Naismith nói: “Delta sẽ quét qua EU theo cách tương tự như ở Anh. May mắn thay, họ cũng đang tiêm phòng với tốc độ rất nhanh, và giống như Vương quốc Anh, có lẽ vừa vượt qua ngưỡng nguy hiểm tối đa, mặc dù mùa hè sẽ rất khắc nghiệt”.

“Nhưng khi rất ít người ở các nước đang phát triển được tiêm phòng, điểm nguy hiểm tối đa của họ còn ở phía trước. Một khi biến chủng Delta phát tác, nó sẽ áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe rất nhanh nếu việc tiêm chủng không được cải thiện. Hệ thống y tế quá tải sẽ dẫn đến sự gia tăng số người chết vì cạn kiệt oxy, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe kiệt sức và các dịch vụ chăm sóc khác bị tê liệt”, ông Naismith nói.

Ông nhấn mạnh, “cần phải suy nghĩ nhiều hơn về việc liệu việc tiêm chủng cho trẻ em ở các nước giàu có quan trọng và hợp lý về mặt đạo đức hơn so với việc tiêm chủng cho những người lao động chủ chốt và những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước đang phát triển hay không”.

Cho đến nay, 3 tỷ liều vắc xin đã được phân phối, nhưng các nước thu nhập thấp cần có thêm các trung tâm sản xuất vắc xin mới, ông nói. “Tôi kêu gọi những công ty như BioNTech, Pfizer và Moderna chia sẻ bí quyết công nghệ của mình để chúng ta có thể đẩy nhanh việc phát triển sản xuất vắc xin. Nếu chúng ta càng sớm bắt đầu xây dựng thêm các trung tâm vắc xin và nâng cao năng lực vắc xin toàn cầu, thì chúng ta càng sớm có thể ngăn chặn bệnh dịch chết người này”.

Tuần trước, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cùng với WHO kêu gọi “hành động khẩn cấp” để tăng nguồn cung cấp vắc xin. Họ cũng yêu cầu nhóm các quốc gia G20 đẩy nhanh nỗ lực để đạt được các mục tiêu tiêm chủng.

Các nhà khoa học nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tiêm chủng trên thế giới, vì các loại vắc xin hiện tại đã kém hiệu quả hơn đối với biến chủng Delta, và về cơ bản, Delta có khả năng lây truyền cao hơn.

David Bauer, trưởng nhóm Phòng thí nghiệm sao chép virus RNA tại Viện Francis Crick (Anh), cho biết: “Từ góc độ virus học, một điều rất rõ ràng là biến chủng Delta sẽ thay thế tất cả các biến thể khác hiện đang tồn tại. Mất khoảng 8 tuần để nó thay thế biến chủng Alpha ở Vương quốc Anh, nó cũng đang trên đường thế chỗ biến chủng Beta ở Nam Phi và có thể thấy xu hướng tăng trưởng tương tự theo cấp số ở Hoa Kỳ”.

Thanh Hải (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI