Bị xâm hại, bé câm điếc mang thai ở tuổi 12

08/09/2017 - 10:10

PNO - Thông qua người dịch, M. kể ông H. đã hai lần đưa em vào nhà nghỉ. Theo M. thì đó là ngôi nhà có nhiều tầng, ông đưa giấy cho nhân viên ở đấy rồi dẫn em vào thang máy, lên phòng có máy lạnh.

“Nó tưởng cháu tui khù khờ, câm điếc sẽ dễ ém chuyện xấu. Nếu chúng tôi không đi thưa, nó sẽ tiếp tục xâm hại đứa trẻ khác thì sao?” - bà ngoại của cháu Phan Thị Quỳnh M. (sinh năm 2002, ngụ P.13, Q. Phú Nhuận, TP.HCM) đỏ mắt kể chuyện cháu gái. Đã hơn hai năm tính từ lúc gia đình cháu M. đưa đơn tố giác (tháng 8/2015) phiên xử vẫn chưa diễn ra vì hoãn đi hoãn lại nhiều lần. 

Bi xam hai, be cam diec mang thai o tuoi 12
Bé Quỳnh M. hiện 15 tuổi, hồn nhiên xúc cơm ăn như đứa trẻ lên 5

Bất hạnh chất chồng với M. từ khi chưa chào đời. Em tâm thần và câm điếc bẩm sinh, lại không biết cha là ai. Mẹ em đi làm ăn xa nên gửi con cho ông bà ngoại và dì nuôi. Vì bận mưu sinh, gia đình không theo sát M.

Vào khoảng giữa năm 2015, em có biểu hiện lạ như bỏ bữa, khi ăn thì nôn ói. Như có điều gì kích động thần kinh, M. thường lên cơn vô cớ, la hét, đánh đấm người đối diện, đêm mất ngủ. Linh cảm chuyện chẳng lành, dì của M. ra dấu hỏi có ai đụng chạm vào người, cởi quần áo không thì em gật đầu. 

M. cho biết, kẻ thủ ác ở gần nhà mình và khi ông ngoại chở M. đi trên đường, M. đập vai đòi xuống xe, xăm xăm đến cửa quán cà phê chỉ thẳng vào ông Nguyễn Khánh H. (SN 1968) đang ngồi cùng nhiều người khách.

Đau xót cho cháu và căm phẫn hành động của ông H. (người thuê trọ gần nhà), dì của M. đã gặp vợ của ông H. để cho biết bé M. mang thai với ông H., đề nghị cùng phối hợp giải quyết sự cố. Vợ ông này từ chối hợp tác và sau đó ông H. chửi mắng gia đình M. đã xúc phạm, làm ảnh hưởng danh dự của ông.

Thời điểm phát hiện mang thai, M. mới 12 tuổi lẻ vài tháng nên gia đình quyết định đưa em vào Bệnh viện Từ Dũ đình chỉ thai kỳ ở khoảng 9 tuần tuổi. Ngay khi kết quả giám định ADN xác định ông H. là cha của mô thai với độ chính xác đến 99,999…%, ông H. vẫn phủ nhận hành vi giao cấu với M. và không đồng ý với kết quả này.

Thông qua người dịch, M. kể ông H. đã hai lần đưa em vào nhà nghỉ. Theo M. thì đó là ngôi nhà có nhiều tầng, ông đưa giấy cho nhân viên ở đấy rồi dẫn em vào thang máy, lên phòng có máy lạnh, có giường và mô tả hành vi giao cấu khiến cháu đau, chảy máu. Sau mỗi lần vào “nhà nhiều tầng”, M. được ông H. cho 100.000 đồng. 

Ông H. từ chỗ không thừa nhận xâm hại tình dục cháu M., đến không thể chối cãi được trước các chứng cứ. Ông bị Viện Kiểm sát TP.HCM truy tố về tội “hiếp dâm trẻ em” theo khoản 4 điều 112 Bộ luật Hình sự (Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

Ông H. bị tạm giữ, tạm giam vào ngày 1/4/2016, sẽ xét xử sơ thẩm tại Tòa gia đình và người chưa thành niên. Nghe dì báo tin ông H. bị bắt, M. gật đầu, vẻ mặt giãn ra. Thỉnh thoảng nhìn xuống bụng, M. ra dấu bụng phình ra, hai tay vòng lại như ẵm em bé. Dì M. ra dấu đã bỏ thai, M. lại gật gật, mắt nhìn vào khoảng không, vô hồn…

Hiện tại, kinh tế gia đình bé M. khó khăn, ông ngoại mới mất, bà ngoại đã 65 tuổi, người dì làm thuê ở cửa hàng bán quần áo để lo cho gia đình riêng, lại phải nuôi M. và cậu em trai của M. đang tuổi ăn tuổi học. Nhưng để đứa cháu bất hạnh được học chữ, học kỹ năng sống, học nghề và nhất là được an toàn, gia đình quyết định gửi M. đến trường dạy trẻ khuyết tật. 

Không khoan nhượng với kẻ xâm hại trẻ khuyết tật

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP.HCM, người bảo vệ cho cháu M.) rớm nước mắt kể: “Cháu M. khẳng định chính ông H. đã tạo nên bào thai. Cháu dùng hai tay ra hiệu cái bụng to kềnh và ẵm em bé.

Như sợ người lớn không tin mình, khi mô tả đặc điểm nhận dạng của ông H., cháu còn dùng viết chì chấm ngay vị trí nốt ruồi trên mặt ông H. Hễ gặp tôi là cháu níu lấy, ra hiệu đấm đá, chéo hai cánh tay còng kẻ ác. Tôi hiểu ngồn ngộn trong cháu bé câm lặng ấy là ước mong công lý được thực thi. 

Khoản 1, điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ bảo vệ trẻ em là thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ở khoản 3, điều 6 quy định về các hành vi nghiêm cấm: xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em. Trường hợp này đề nghị xử lý nặng và đúng người đúng tội với kẻ thủ ác đã xâm hại tình dục trẻ em khuyết tật... Đồng thời, cũng là lời cảnh báo đến phụ huynh, nhà trường, xã hội về nguy cơ rình rập đối với trẻ em, nhất là trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt”.


Hoài Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI