Bi kịch lạc quan

20/07/2014 - 17:26

PNO - PNCN - “Mình là chồng, là cha mà giống như cục nợ, gánh nặng của vợ con nên tôi không thiết sống nữa”, anh Nguyễn Văn Bẻ nói rồi ôm mặt khóc. Vợ anh, chị Nguyễn Dương Bích Trâm đôi mắt đỏ hoe nắm chặt tay chồng: “Nghèo khổ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bi kich lac quan

Chị Trâm chăm chồng ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình

Tai ương dồn dập

Cuộc sống đang yên ổn, hạnh phúc thì tai ương ập đến. Năm 2012, trong lúc đi làm hồ, anh Bẻ bị tai nạn giao thông dẫn đến mờ mắt, đau cột sống phải nhập viện. Chị Trâm, bấy giờ đang là công nhân may phải bỏ việc để chăm chồng. Nửa năm anh Bẻ nằm Bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình rơi vào tình cảnh khốn khó. Ngày anh ra viện, cả nhà hy vọng rồi cuộc sống sẽ trở về nếp cũ thì bất ngờ con gái út của vợ chồng anh - cháu Nguyễn Ngọc Uyển Nhi (SN 2008) đổ bệnh. Đưa đi khám, kết quả Nhi bị ung thư máu. Vợ chồng chị Trâm ôm nhau khóc, thương phận con gái thiệt thòi, từ nhỏ sinh ra đã mắc chứng Down, nay thêm bệnh ngặt.

Thương con, tài sản của gia đình chỉ còn lại căn nhà nhỏ ở Tây Ninh, trị giá 30 triệu đồng được chị Trâm rao bán để lấy tiền chạy chữa. Không chốn dung thân, trong lúc bốn thành viên gồm cha chồng, chồng cùng hai con gái lớn dắt díu về Củ Chi tá túc nhà người thân thì chị Trâm đưa Nhi lên thành phố sống những ngày lấy bệnh viện làm nhà. Ròng rã hai năm trời, vừa chăm con ở bệnh viện, chị vừa tranh thủ bán vé số để kiếm tiền trang trải các chi phí chữa bệnh cho con. Anh Bẻ, dù sức khỏe yếu vẫn không quản ngại, đi theo các công trình xây dựng để Cẩm Nhung, Trâm Anh - hai cô con gái lớn không dở dang chuyện học. Bệnh thuyên giảm, Nhi được xuất viện, mặc dù gia cảnh đã khánh kiệt song niềm vui sum họp, niềm hy vọng cả nhà sẽ gầy dựng lại vẫn tràn về nơi mái ấm nhỏ. Thế nhưng, như trò đùa của số phận, ba tháng sau, trong lúc đang xây nhà, anh Bẻ té từ trên cao bị chấn thương cột sống. Lần này anh quỵ hẳn, nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phó thác cho người thân.

Căn nhà đơn sơ của người anh chồng - nơi gia đình chị Trâm tá túc chỉ có một chiếc giường đã “quá tuổi” sử dụng, vốn là chỗ nghỉ của cha chồng, nay phải nhường lại cho anh Bẻ. Nhìn vào nghịch cảnh gia đình, bao phen mẹ con chị Trâm ôm nhau khóc. Những giọt nước mắt “lén lút”, trộm rơi ấy chỉ mẹ con chị biết với nhau. Dẫu trong lòng các con chị đau đáu niềm trăn trở: “Có nên đi học nữa hay không?”, còn chị là nỗi lo không biết rồi xoay xở ra sao với vai trò trụ cột, thì trước mặt anh Bẻ, họ vẫn giấu kín nỗi lòng để tươi cười, động viên anh gắng gượng. Chị Trâm xót xa: “Ảnh hay tủi thân, tự trách mình vô dụng nên cứ muốn chết”. Ba tuần nay, bệnh anh trở nặng, toàn thân như có ngàn mũi kim đâm, chị lại tất tả đưa anh vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Vẫn là tạo hóa trớ trêu, bệnh bé Nhi tái phát, chị như con thoi, vừa chăm chồng, đưa con vào Bệnh viện Ung Bướu vừa sắp đặt chuyện gia đình, dặn dò các con chăm ông nội năm nay 93 tuổi, bị mù và nhiều bệnh tật.

Bi kich lac quan

Các con chị Trâm thay mẹ cha cáng đáng mọi việc

Nỗ lực vượt qua

Bao lần nghe con gái Cẩm Nhung, hiện là sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM thổ lộ ý muốn nghỉ học để kiếm việc gì làm, chị Trâm đều ngăn cản: “Mẹ không muốn con từ bỏ giấc mơ được ăn học đàng hoàng”. Mới 11 tuổi, Trâm Anh đã thể hiện sự già dặn, chín chắn, em lý giải: “Chị Nhung đang là sinh viên, nghỉ học thì biết bao giờ mới được học lại. Trong khi em mới học lớp 5, có thể đi học lại bất cứ lúc nào và để có một công việc ổn định thì hãy còn rất xa”. Thương các con ham học, từ nhỏ luôn đạt thành tích cao trong học tập, chị Trâm rưng rưng: “Chưa biết rồi đây sẽ xoay xở ra sao, nhưng sự hiếu học, nỗ lực học giỏi của các con là động lực để tôi cố gắng”. Nhi năm nay sáu tuổi, bất chấp những cơn đau hành hạ vẫn thể hiện mong muốn được cắp sách đến trường, cô bé thường lấy vở bắt các chị hướng dẫn học. Vừa rồi, chị Trâm đã đăng ký cho Nhi vào một trường dành cho trẻ khuyết tật ở Củ Chi. “Lúc nào đau con đi bệnh viện, hết đau con đi học” - cô bé ngọng nghịu “hứa” với cả nhà.

Chăm chồng ở bệnh viện, chị vẫn tranh thủ ai nhờ gì làm nấy, đổi lại là khoản “thù lao” khi hộp sữa, lúc miếng ngon cho chồng. Cẩm Nhung ngoài giờ học, tranh thủ nhận phát tờ rơi hoặc tìm việc bán thời gian trên thành phố. Chiều tối, em ghé cửa hàng gia công nhận áo quần mang về cắt chỉ thừa. Trâm Anh sau giờ học cũng tranh thủ bán vé số. Nhi nhận “trách nhiệm” chăm sóc đàn gà con những lúc em không bị cơn đau hoành hành.

Phía trước, dẫu khó khăn, và không ai biết còn điều gì sẽ xảy ra, song sự cố gắng để chống chọi, vượt qua, giữ lấy niềm tin vào ngày mai tốt đẹp luôn tỏa sáng trong mái ấm này. Về thăm “nhà” chị Trâm, sẽ còn ngạc nhiên trước một lớp học tiếng Anh “tự phát” do Cẩm Nhung “chủ nhiệm”, dạy miễn phí các em nhỏ trong làng. Nhung lạc quan: “Dù gia đình rơi vào bĩ cực, chúng em vẫn phải động viên nhau với niềm tin, hy vọng rồi tất cả sẽ qua".

PHONG VÂN 

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI