Bạo lực tinh thần ở học đường: Sẽ rất nguy hại nếu xử lý nửa vời

19/04/2023 - 12:06

PNO - Khi trẻ tiết lộ việc bị bạo hành, phụ huynh và giáo viên cần nhanh chóng hỗ trợ một cách có cân nhắc, nếu không tình huống sẽ trở nên tồi tệ.

Trẻ bị bạo hành tinh thần kinh khủng hơn cả thể chất.
Trẻ bị bạo hành tinh thần kinh khủng hơn cả thể chất (ảnh minh họa)

Sự việc nữ sinh tại TP. Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường khiến dư luận đau xót. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng bạo lực học đường không chỉ bạo lực thể chất mà bạo lực tinh thần cũng vô cùng nguy hiểm. Nó như kẻ thù vô hình với các nạn nhân.

Dấu hiệu trẻ bị bạo hành

Theo PGS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, bạo lực tinh thần thường khó bị phát hiện hơn, vì không có dấu vết thực thể. Hiện tại bạo lực tinh thần phổ biến qua mạng Internet. 

PGS Trần Thành Nam cho biết, có 17 biểu hiện của bạo lực tinh thần trực tuyến… nhiều người còn không nhận ra hoặc hiểu nhầm là trêu ghẹo hoặc tán tỉnh, nhưng thực tế thứ bạo lực này kinh khủng hơn, vì diễn ra suốt 24 giờ mỗi ngày trong suốt 365 ngày, không giới hạn thời gian, không có nơi an toàn, không dễ trốn thoát, không có giới hạn về địa lý và "nó" vô hình.

Biểu hiện trẻ bị bạo hành tinh thần, PGS Trần Thành Nam chỉ ra các dấu hiệu như trẻ có ít bạn bè chơi đùa; sợ đi học, sợ đi bộ đến trường và về nhà; sợ tham gia sinh hoạt có tổ chức với bạn bè. Trẻ đi đường vòng để đến trường hay về nhà; không còn hứng thú làm bài hay thình lình học sút. Về mặt tâm lý, học sinh lộ vẻ buồn rầu, vui buồn bất thường, khóc, hay trầm cảm khi từ trường về. Trẻ thường xuyên than nhức đầu, đau bụng hay các triệu chứng bệnh khác không có nguyên do, khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng; ăn không ngon; lộ vẻ lo lắng và giảm lòng tự tin...

Nguy hại khi người lớn ứng xử nửa vời

Ông Nam cho rằng người lớn cần ý thức rằng nạn nhân của bạo lực học đường chịu rất nhiều áp lực tâm lý. Các em trải nghiệm cảm xúc tự ti, bất an, bị cô lập, lo lắng và ức chế. Những kẻ bắt nạt sẽ luôn tìm cách gia tăng áp lực và đe dọa phải giữ bí mật về hành vi bắt nạt. Khi các em tiết lộ việc bị bắt nạt với cha mẹ và giáo viên, người lớn cần thể hiện sự tin tưởng và có kế hoạch hỗ trợ một cách có cân nhắc, nếu không sẽ làm tình huống trở nên tồi tệ hơn.

Nhưng trên thực tế, nhiều gia đình và nhà trường đã không ứng xử với sự cẩn trọng và trách nhiệm cần thiết. Họ chỉ gặp kẻ bắt nạt, hòa giải hoặc chỉ trích, trừng phạt, thậm chí chuyển kẻ bắt nạt đi và nghĩ thế là xong. 

Cách xử lý nửa vời đó chỉ làm cho kẻ bắt nạt thêm ấm ức và hành vi bắt nạt "đi vào bí mật" với nhiều hành vi leo thang hơn. Nhà trường chỉ làm việc với kẻ bắt nạt cũng không giải quyết được vấn đề. Nếu bên cạnh người "cầm đầu" còn rất nhiều người a dua, hùa theo trong một nhóm, thì ngay cả khi kẻ cầm đầu bị "quản thúc", người bị bắt nạt vẫn tiếp tục phải chịu đựng những hành vi bắt nạt của bạn bè kẻ bắt nạt.

Điều này làm cho nạn nhân cảm thấy tuyệt vọng không còn lối thoát. Trẻ thấy hối hận vì mình đã nói ra sự việc cho gia đình, nhà trường nhưng cũng không ai có thể giúp mình mà trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những suy nghĩ, diễn biến tâm lý như vậy có thể là những cú hích cuối cùng dẫn đến những lựa chọn cực đoan như kết thúc cuộc sống.

PGS Trần Thành Nam chia sẻ về cách xử lý bạo lực học đường.
PGS Trần Thành Nam chia sẻ về cách xử lý bạo lực học đường

Khi trẻ bị bạo hành tinh thần, theo PGS Nam, quy trình hỗ trợ đúng phải tin tưởng vào những tiết lộ và ngay lập tức có hành động bảo vệ nạn nhân. Ví dụ: Cách ly nạn nhân khỏi mối nguy bị bắt nạt cho đến khi chắc chắn về việc hành vi bắt nạt sẽ không tái diễn. Lắng nghe và cung cấp các giải pháp bảo vệ cụ thể để trấn an học sinh về sự an toàn của họ. 

Phụ huynh nên đưa đón con tới trường trong thời gian này, hỗ trợ con để đảm bảo không tiếp tục bị quấy rối và bắt nạt. Khuyến khích các em đến gặp nhà tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ quản lý hành vi cảm xúc, sàng lọc nguy cơ tự sát. Báo cáo sự việc cho các nhà trường, gia đình thủ phạm, các cơ quan chức năng để yêu cầu sự hỗ trợ và cùng nhau thống nhất về các biện pháp hành động để đảm bảo các hành vi bạo lực không leo thang và phải được chấm dứt. 

Phụ huynh của các em là nạn nhân cần được trao đổi để nhận diện sớm các nguy cơ bất ổn về tâm lý, những dấu hiệu sớm của hành vi tự hại hoặc tự tử. Phụ huynh cần học cách lắng nghe, tiếp cận, đặt câu hỏi phù hợp để hỗ trợ con vượt qua giai đoạn khó khăn của cảm xúc.

Ông Nam cho rằng, không chỉ nạn nhân cần được tham vấn hỗ trợ tâm lý và học các chiến lược tự bảo vệ, ứng phó phù hợp. Những đối tượng bạo hành, a dua cũng cần được giáo dục tâm lý về sự thấu cảm, chiến lược lựa chọn hành vi và hậu quả của hành vi. Thậm chí, chúng ta đưa ra những hình phạt nếu cần, để trẻ ứng xử thân thiện trong tương lai. 

Ông Nam nhấn mạnh, đây là một tình huống để các trường rà soát, thiết lập lại một một kế hoạch để phòng ngừa và ứng phó với bắt nạt và bạo lực ở trường. Các trường cần thiết lập một hệ thống gửi khiếu nại về các hành vi liên quan đến bắt nạt và bạo lực. Trong đó, quy trình chi tiết từ việc nhận khiếu nại đến xử lý người bắt nạt và hành vi bắt nạt một cách khoa học; phê duyệt một quy trình sơ cứu tâm lý và hỗ trợ nạn nhân của bắt nạt tái hòa nhập lại môi trường học tập một cách an toàn.

Phương An 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Nhu Ha 19-04-2023 19:45:17

    Bài hướng dẫn này có vẻ nặng về hình thức quá, trường hợp bạo lực học đường cần hiểu cả hoàn cảnh 3 bên: bên bắt nạt và bên bị bắt nạt, và cả tình huống nữa! Nên cần g.đ hai bên t g trực tiếp cùng giáo viên!

    • HU

      Thì lý thuyết là thế mà. Còn thực tế thì chẳng làm gì được hết. Vì nhiều phụ huynh có con hung hãn ác độc mà vẫn chằm chặp bênh con.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI