Bài thuốc trị cơn “đau đầu ngày tết”: Hiểu về giá trị trước khi nghĩ về tiền

30/01/2022 - 11:53

PNO - Để tìm lời giải cho bài toán tài chính gia đình vốn làm nhiều người đau đầu, chúng tôi đã trò chuyện với chị Hương Nguyễn - Giám đốc Công ty TNHH TAVA Việt Nam - về vấn đề “tài chính hạnh phúc cho phụ nữ”.

 

Với lối sống và tư duy tiến bộ về đời sống, chị Hương Nguyễn từng trở thành nhân vật trong chương trình Người phụ nữ hạnh phúc của VTV2
Với lối sống và tư duy tiến bộ về đời sống, chị Hương Nguyễn từng trở thành nhân vật trong chương trình Người phụ nữ hạnh phúc của VTV2

Phóng viên: Thưa chị, người ta hay than thở rằng thấy tết là thấy lo vì ai nấy đều tốn nhiều chi phí cho tết. Và “mùa lo” đang đến…

Hương Nguyễn: Tôi biết nhiều người không dám về quê ăn tết chỉ vì không đủ tiền cho quà biếu, lì xì; nhiều cặp vợ chồng nảy sinh những “mâu thuẫn cuối năm” như về quê hay đi du lịch, nếu về quê thì là quê ngoại hay quê nội, đi máy bay hay tàu xe… Rất nhiều thứ khiến mọi người phải bận bịu tính toán dịp cuối năm.

* Phải chăng chứng “đau đầu ngày tết” chỉ có ở các cặp đôi còn thiếu hụt tài chính, và khó khăn sẽ qua khi họ giàu hơn?

- Khi đào tạo tư duy tài chính cho nhiều học viên, tôi thấy người nghèo, người giàu đều có thể khổ vì tiền. Như chuyện biếu tặng ngày tết, người giàu cũng sẽ đau đầu tính xem biếu ai, biếu cái gì cho đáng với tiếng tăm, sự giàu có hay quyền lực của mình… 
Vậy, đằng sau những khốn đốn tiền bạc vào dịp tết không phải là sự thiếu hụt, mà là sự mù mờ về quản lý tài chính. Hay nói cách khác, mọi người chưa có một tư duy tài chính bền vững.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

* Tôi thường nghe các bạn trẻ “đồn” rằng hễ đặt cho chị một câu hỏi cụ thể, thì sẽ nhận lại một câu trả lời về tư duy. Chuyện tiền nong mùa tết vốn rất phi lý ở chỗ cứ giải xong bài toán của năm nay, thì tết sang năm lại khổ. Chuyện này chỉ có thể hóa giải ở cấp độ tư duy chứ không phải những phép tính thông thường, đúng không chị?

- Đúng vậy, nếu ta tính toán sao cho thỏa mãn các ý muốn của mình với một số tiền nhất định, thì ta giải được bài toán nhất thời. Và nó sẽ quay trở lại khi có dịp và ta lại vắt óc suy nghĩ. Chưa kể trong suốt quá trình đó ta bất an vì biết nỗi lo đó sẽ đến…

Vì thế, mọi người cần có một tư duy quản lý tài chính bền vững mà tôi hay gọi là “hạnh phúc tài chính”. Mọi người cần hiểu về giá trị trước khi nghĩ về tiền, bởi suy cho cùng thì tiền cũng chỉ tượng trưng cho giá trị. 

Ví dụ, nếu xem tết là sum vầy thì đừng so sánh sự sum vầy bằng số tiền bạn đem về nhà. Nếu xem việc biếu tặng là cách bày tỏ lòng biết ơn, thì đừng đo giá trị món quà bằng vật chất. Giá trị của sum vầy nằm ở cách bạn trở về, cách bạn quan tâm đến mọi người. Giá trị của món quà nằm ở cách tặng chứ không phải ở giá tiền.

Như vậy, nếu ít tiền, bạn sẽ tập trung tìm cách chia sẻ tình yêu, sự quan tâm - điều mà chắc chắn mỗi người đều rất dồi dào. Mặt khác, khi bạn tặng một món quà với tinh thần ấy, bạn sẽ không thấy mình đang “vơi” theo giá tiền của món quà, mà bạn thấy mình đang được nhân lên. Một đồng tiền được cho đi như thế là đồng tiền hạnh phúc, không nhất thiết phải quá nhiều đúng không?

* Vấn đề đã chuyển sang một hướng rất khác. Nhưng so với việc đong đếm chi tiêu thì việc suy nghĩ mình sẽ bày tỏ lòng biết ơn ra sao, sẽ bày tỏ tình cảm thế nào liệu có… dễ hơn không?

- Dễ hơn mà cũng khó hơn. Dễ là vì bạn sẽ không bao giờ quá nghèo để nghĩ về nó. Khó hơn là vì đó là sự thay đổi về tư duy mà bạn cần học, rèn luyện. Nhưng nó tuyệt vời ở chỗ, khi bạn “giải” được rồi thì mọi thứ về tiền sẽ cứ thế trôi chảy, không phải “mỗi năm đến tết lại đau đầu vì tiền” nữa.

Tôi hay kêu gọi mọi người biến ngày thường thành ngày tết. Hãy chăm sóc bố mẹ, quan tâm đến người thân, bày tỏ lòng biết ơn ngay khi có thể, vào bất kỳ ngày nào trong năm… chứ không đợi đến tết. Như thế, niềm vui kết nối sẽ xuyên suốt tháng năm. Và tết không còn là một “deadline” của yêu thương, để ta phải vội vã “vật chất hóa” nó thành một cục tiền. 

* Chị nhắc khá nhiều về tư duy tài chính và tầm quan trọng của nó với hạnh phúc gia đình. Vậy chị có thể chia sẻ với bạn đọc của Báo Phụ Nữ TP.HCM một vài yếu tố nền tảng của tư duy này không?

- Thứ nhất, mọi người cần quản lý tốt tài chính cá nhân, xác định rõ đâu là tài sản, đâu là tiêu sản. Ở bước này thì cần quản lý cảm xúc để tránh sa vào những ý muốn, chi tiêu quá nhiều cho những hàng hóa thuộc loại tiêu sản.

Ví dụ, không nên mua một chiếc túi đắt tiền để rồi lo âu vì thiếu tiền. Chỉ nên mua sắm theo nhu cầu thực sự. 

Thứ hai, bạn muốn mình trở thành triệu phú, tỷ phú, hay chỉ cần một đời sống tài chính ổn định? Mỗi người có một khát vọng phù hợp với một kế hoạch sống khác nhau. Khi xác định được bức tranh ấy, bạn sẽ bình an đi từng bước một, tránh tình trạng dao động tinh thần, đứng núi này trông núi nọ…

Thứ ba, trang bị kiến thức quản lý tài chính gia đình. Cần thống nhất giữa vợ chồng để trả lời được những câu hỏi này càng sớm càng tốt:

Thu nhập của gia đình sẽ được phân chia ra sao? Ai là người quản lý tài chính trong gia đình? Ai sẽ cùng bàn bạc những vấn đề tài chính phát sinh trong gia đình?

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Ngoài ra, bạn có thể quản lý tài chính bằng cách tạo thêm nguồn tiền cho gia đình với các bước:

- Đa dạng hóa nguồn thu nhập: Bạn không nhất thiết phải làm hai nghề để có hai nguồn thu nhập. Mà bạn có thể tăng thu nhập bằng chính chuyên môn của mình. Dù bạn làm gì, hãy đặt mục tiêu trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Khi ấy, sẽ có rất nhiều người muốn làm việc cùng bạn, sẵn sàng trả cho bạn thù lao xứng đáng. 

- Trang bị tư duy tài chính, tư duy đầu tư bền vững: Cần quay về mối quan hệ giữa tiền và giá trị, tránh xa những lời chào mời làm giàu nhanh. Bạn chỉ có nhiều tiền hơn khi bạn giỏi hơn, cống hiến nhiều hơn. Vậy, đồng tiền bền vững chính là đồng tiền được làm ra bằng giá trị của bạn, công sức, kiến thức và kỹ năng của chính bạn. Cách phát triển thu nhập cũng không có con đường nào khác là không ngừng phát triển bản thân để giỏi hơn, thành thạo hơn, sáng tạo hơn…

- Học về đầu tư: Để đầu tư lành mạnh, bền vững, bạn cần phải học để hiểu bản chất của đầu tư là gì, thế nào là đầu tư bền vững… Sự học sẽ giúp bạn chọn lọc được kênh đầu tư bền vững, tạo ra giá trị.

* Có vẻ như con đường tăng thu nhập lúc này đã khá sáng rõ…

- Khi làm việc với các cặp đôi, tôi biết một thực tế là rất nhiều người ít tiền nhưng lại muốn làm giàu nhanh. Họ đầu tư như đánh bạc và luôn sống trong bất an, khi mất thì mất hết. Ngược lại, khi có tư duy đầu tư bền vững, bạn sẽ luôn hiểu vì sao mình đầu tư vào kênh này mà không đầu tư vào kênh khác. Người đầu tư có kiến thức vẫn có thể thua lỗ, nhưng họ biết lý do, và họ có thêm bài học để trở nên thông thái hơn trên hành trình tài chính.

Vậy, giá trị của tư duy đúng đắn giúp bạn bình an hơn, hiểu bản chất của mọi thăng/trầm, được/mất. Bạn sẽ giỏi hơn, giàu kiến thức hơn, nhiều tiềm năng hơn qua từng trải nghiệm. Kiến thức quản lý tài chính cũng vậy. Điều này xứng đáng để ta học tập, và truyền cảm hứng cho bạn đời cùng đồng hành. Từ đó, bất kể bạn có bao nhiêu tiền, vợ chồng bạn cũng sẽ bình an làm chủ nguồn tài chính của mình.

* So với thói quen chi tiêu khá “bản năng” của các cặp vợ chồng thì đây là một thay đổi rất lớn trong tư duy về tài chính. Chị có thể chia sẻ một vài bí kíp để các cặp vợ chồng có thể đồng hành cùng nhau trong sự thay đổi này không?

- Bạn có thể bắt đầu bằng việc học. Có thể đọc sách, đọc tài liệu ở các kênh uy tín, hay tham gia các khóa học trực tuyến hoặc online ở trong nước và nước ngoài. 

Còn để khơi gợi sự đồng hành của bạn đời, bạn hãy bắt đầu bằng việc gửi cho anh/cô ấy một cuốn sách nhỏ, một bài viết nhỏ. Khi bàn về việc chi tiêu gia đình, hãy gợi cho nhau nghĩ về giải pháp thay vì sa vào những nỗi lo. Khi tìm kiếm giải pháp, chắc chắn các bạn sẽ nảy sinh nhu cầu học hỏi…

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

* Theo chị thì đâu là chìa khóa giúp các cặp đôi mở những ổ khóa tài chính trong gia đình?

- Nếu được nói một từ thôi thì tôi sẽ nói đến “tính xây dựng”. Mỗi người cần biết mình là một mảnh ghép của gia đình, và mỗi mảnh ghép phải làm tốt vai trò của mình thì gia đình mới tốt lên được. Khi có tính xây dựng, bạn sẽ không quá quan tâm nhiệm vụ của người nam hay người nữ là gì, mà xác định cả hai là một đội và phải hỗ trợ nhau. Người chồng có thể ở nhà chăm con, và người vợ ra đường kiếm tiền - nếu cách sắp xếp đó là thuận lợi nhất cho gia đình họ.

Tính xây dựng tương ứng với sự “đồng vợ đồng chồng” mà ông bà ta hay nói. Khi có tính xây dựng, bạn phải hiểu rõ điều kiện của gia đình mình để đưa ra những lựa chọn phù hợp, sẽ bớt đi những ý muốn cứng nhắc “dù nghèo cũng phải xây nhà to”, “làm ăn thua lỗ vẫn phải về quê bằng máy bay cho đẹp mặt bố mẹ” hay “đàn ông thì không thể làm việc nhà” - bởi những điều này làm hại hạnh phúc gia đình.

* Cảm ơn chị rất nhiều. Hy vọng những kiến thức này sẽ hữu ích cho các cặp đôi trong cảm hứng sang trang trước thềm năm mới. 

Minh Trâm (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI