Hợp nhất các đơn vị về cùng một mái nhà không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức, mà còn hướng đến mục tiêu cao hơn: tái phân bổ nguồn lực, tăng hiệu quả hoạt động và từng bước đưa nghệ thuật truyền thống trở lại đời sống công chúng. Và như trong lời gửi khán giả của Nhà hát tuồng Việt Nam: "Việc sáp nhập 3 nhà hát vào một đơn vị thống nhất có thể mang lại thách thức, nhưng cũng là cơ hội để phát triển".
Giảm gánh nặng quản lý, tăng hiệu quả biểu diễn
Từ nhiều năm qua, sân khấu truyền thống Việt Nam đang phải đối mặt với bài toán khó: Chiến lược nào hiệu quả nhất để bảo tồn và phát huy di sản? Các nhà hát tuồng, chèo, cải lương vẫn hoạt động cầm chừng, không ít vở diễn chỉ được dàn dựng chỉ để tham dự các kỳ liên hoan. Sau liên hoan, không nhiều suất diễn được tổ chức và nếu có, lượng khán giả cũng không đông. Các nhà hát gần như chỉ mở cửa hoạt động một số đợt trong năm.
 |
Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát tuồng Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ về một nhà |
Trong khó khăn đó, mỗi đơn vị đều phải duy trì bộ máy quản lý riêng. Tình trạng này khiến phần lớn ngân sách bị tiêu hao cho chi phí hành chính, khiến phần dành cho sáng tạo, biểu diễn bị thu hẹp. Trong bức tranh tổng thể đó, việc hợp nhất không phải là xóa đi bản sắc, mà là giải pháp để thoát khỏi sự manh mún, dàn trải và thiếu hiệu quả.
Một giám đốc nhà hát truyền thống trước đây từng nêu băn khoăn trước thực tế nguồn ngân sách đang bị chia nhỏ cho quá nhiều nguồn chi ngoài việc dàn dựng biểu diễn: nhân viên hành chính, phục vụ, nghệ sĩ trong biên chế nhưng tài năng yếu, nghệ sĩ lớn tuổi… Lực lượng nghệ sĩ biểu diễn thực tế chỉ chiếm khoảng 1/3, thậm chí có đơn vị chỉ 1/4 nhân sự của nhà hát.
Mỗi loại hình sân khấu truyền thống đều có niêm luật, nguyên tắc và sức hấp dẫn riêng. Do đó, khi hợp nhất 3 nhà hát, vai trò của người đứng đầu càng trở nên quan trọng. Giám đốc nhà hát phải là người có hiểu biết sâu rộng về từng loại hình nghệ thuật, có chuyên môn vững, tư duy đổi mới và khả năng sáng tạo để dẫn dắt nhà hát phát triển trong bối cảnh mới. Quan trọng hơn, người đứng đầu nhà hát cần biết cách dung hòa lợi ích giữa các nghệ sĩ, bảo đảm sự công bằng trong việc phân bổ ngân sách, phê duyệt kế hoạch và triển khai dự án, để không loại hình nào bị xem nhẹ hay lép vế trong một mái nhà chung. Đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt |
Lực lượng biểu diễn ngày càng mỏng, trong khi phần lớn ngân sách lại bị tiêu tốn cho bộ máy quản lý. Việc xây dựng một nhà hát chung theo mô hình tổ chức chuyên biệt nhưng tích hợp sẽ giúp giảm gánh nặng hành chính, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực biểu diễn.
Bên cạnh đó, xây dựng "ngân hàng nghệ sĩ" có tính liên ngành cũng sẽ giúp luân chuyển nhân sự linh hoạt, tạo điều kiện để nghệ sĩ có cơ hội thể hiện, rèn nghề và tạo ra sản phẩm chất lượng hơn.
Tuy nhiên, hiệu quả thực sự chỉ đến khi quá trình hợp nhất gắn liền với việc cải cách trong tư duy quản lý, phương án, chiến lược đầu tư và cách tổ chức. Mỗi bộ môn, dù chung “một mái nhà”, vẫn cần giữ đặc thù sáng tạo riêng. Không thể đánh đồng cải lương với chèo hay tuồng dưới một thương hiệu chung. Cần có chiến lược phát triển riêng cho từng loại hình, từ đào tạo nhân lực đến tiếp cận đối tượng khán giả mục tiêu. Mô hình phù hợp có thể tương tự như các chuyên ngành trong một trường đại học, cùng chia sẻ nguồn lực nhưng tự chủ trong chuyên môn.
Đồng thời, chính sách đầu tư cũng cần thay đổi. Không thể tiếp tục để sân khấu truyền thống bị lép vế so với các loại hình hiện đại khi hiệu quả hoạt động của nhà hát chỉ được đo bằng con số doanh thu. Sân khấu truyền thống cần được đầu tư chiều sâu, với tiêu chí đánh giá dựa trên chất lượng nghệ thuật, khả năng bảo tồn di sản và mức độ tiếp cận khán giả trẻ thông qua những kênh mới như sân khấu học đường, video ngắn, nền tảng phát trực tuyến.
Xu hướng toàn cầu
Thực tế, nhiều quốc gia đã đi trước Việt Nam trong việc xây dựng mô hình hợp nhất để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Tại Nhật Bản, Nhà hát Quốc gia Nhật Bản là nơi quy tụ các loại hình như Noh, Kabuki và Bunraku. Nhà hát vừa tổ chức hoạt động biểu diễn, đồng thời cũng là trung tâm đào tạo nghệ sĩ, qua đó bảo tồn di sản văn hóa trong một thể thống nhất nhưng chuyên biệt.
 |
Thông báo do Nhà hát Tuồng Việt Nam gửi đến khán giả thông báo việc hợp nhất các nhà hát |
Ở Singapore, Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia đã triển khai các chương trình hợp tác, tài trợ đào tạo và tổ chức lễ hội nhằm đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng hiện đại. Trong khi đó, tại Nigeria, Nhà hát Quốc gia là trung tâm biểu diễn hàng đầu của quốc gia, nơi các loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại cùng phát triển trong một cơ chế quản lý hợp nhất nhưng đa dạng về nội dung.
Quyết định hợp nhất lần này, nếu đi cùng một chiến lược bài bản, sẽ là bước khởi đầu cho một cuộc cải tổ lớn hơn của ngành sân khấu truyền thống. Nếu vẫn duy trì theo từng nhà hát như cách làm cũ nhưng thiếu định hướng và thiếu nguồn lực, thì không chỉ là sự lãng phí ngân sách, mà e rằng, việc hoạt động cầm chừng của các nhà hát sẽ khiến những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam ngày càng mai một.
Việc hợp nhất các nhà hát là bước đi cần thiết để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển sân khấu truyền thống Việt Nam một cách bền vững. Tuy nhiên, để đạt được thành công, cần có chiến lược rõ ràng, chính sách hỗ trợ phù hợp và sự đồng lòng từ các nghệ sĩ, nhà quản lý và cộng đồng. Chung một mái nhà và cần chung một tầm nhìn - nơi từng đồng ngân sách không chỉ là chi phí duy trì, mà là đầu tư cho tương lai của bản sắc dân tộc.
Hoa Nguyễn