Bà mẹ Cù Lao Dung

22/06/2021 - 11:42

PNO - Những chết chóc, mất mát ấy không làm bà chùng bước mà càng nhân lên lòng hận thù. Gạt nước mắt tiễn con, bà vẫn giơ cao tuyên thệ một lòng sắt son dưới lá quốc kỳ.

Mỗi khi trời đổ mưa giông sấm chớp hoặc khi có xe chạy ầm trên con đê ngoài ngõ, bà Trần Thị Hoa (xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) lại hớt hải gọi con cháu vào nhà ẩn nấp..

Một, rồi hai, rồi ba “núm ruột” về với đất

“Thằng Tí đâu rồi? Trời ơi! Thằng Tí bị bắt đi rồi”, mỗi lần nghe tiếng động ầm ầm, bà Hoa lại hoảng hốt lần thanh giường muốn chạy đi tìm. Khi nghe chị Chín (mẹ Tí, người con trực tiếp phụng dưỡng bà) trấn an là Tí vừa đi mua đồ ăn chứ không bị bắt, bà mới tạm yên lòng. 

Ở tuổi 96, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hoa có thể quên tên mình, quên tên con cháu, quên mình vừa ăn cơm, uống nước hay chưa… nhưng ký ức đau thương, mất mát thời chiến nơi dải đất cù lao vẫn mãi in hằn. Nỗi đau chung của dân tộc đã hòa lẫn với nỗi đau riêng của người mẹ bao lần tiễn con đi - đi mãi không về. 

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hoa được người con thứ chín chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hoa được người con thứ chín chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo

Ngày 30/4/1975, ngày hội non sông thống nhất, các gia đình có con tham gia cách mạng đoàn tụ trong niềm hạnh phúc vô biên.

Nhưng ngay trong buổi chiều lịch sử đó, bà nhận được tin dữ: con gái thứ ba mất trên đường đưa đến bệnh viện do không may ngã bệnh, sốt tại đơn vị trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng, toàn lực lượng phải dồn sức cho chiến trường.

Người con thứ ba rất mưu trí, kề sát bà trong hoạt động bí mật tại địa phương, từng tham gia đoàn văn công của tỉnh. Bên thi hài con gái tuổi 27, bà khóc đến ngất lịm và những khi tỉnh lại luôn là câu nói: “Con ơi! Hồi trước cực khổ, giờ giải phóng rồi mà con không được hưởng!”.

Lo xong hậu sự, chờ mãi vẫn không thấy người con thứ tư tên Tăng Xuân Kê về nhà, bà bắt đầu dò la tin tức. Cuối cùng, tìm được người thương binh cụt mất hai chân hiếm hoi sống sót của đơn vị cho biết đồng đội Kê (bí danh Tăng Tuấn Kiệt) của mình đã hy sinh vào cuối năm 1968 trong một trận càn khốc liệt, thi hài được chôn cất ở nghĩa trang huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Sau bảy năm biền biệt, bà đã thắp nén hương đầu cho con trai.

Đau thương trùm phủ đau thương, bà vẫn cố gượng đứng dậy và càng kiên cường hơn. Xin đưa hài cốt con về nghĩa trang huyện nhà, bà lại bùi ngùi nhớ hình ảnh của con ngày xưa - cậu bé thiếu sinh quân sớm rời vòng tay gia đình.

Mười bốn tuổi đầu, tướng tá mỏng manh, mặc áo bà ba xách ngược chưa biết chỉnh cho ngay nhưng giỏi chữ nghĩa và yêu nước, kiên gan đố ai bì. 

Tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, anh Kê bị thương nặng được tải thương đến nơi khác, đơn vị tưởng đã hy sinh nên gửi giấy báo tử về gia đình.

Thời gian ngắn sau, bắt gặp lá thư của anh Kê báo “con vẫn khỏe và sắp vào trận chiến mới”, bà mừng phát khóc, đi khoe khắp xóm. Nào ngờ đó là kỷ vật cuối cùng vì chỉ mấy tháng sau, anh đã thực sự nằm yên trong đất. Từ ngày thoát ly, anh Kê chưa về nhà lần nào, chỉ có lá thư thay anh thăm ba má.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, khi vết thương lòng của bà vào chín năm trước chưa lành miệng, khi tiễn biệt con gái đầu lòng Tăng Thị Sại.

Năm 1966, bị lọt vào vòng vây của địch tại huyện Long Phú, chị Sại cùng bốn nữ chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường, quyết tử chứ không để rơi vào tay giặc. Hai chiến sĩ nam đã thoát ra được nhưng không đành lòng bỏ rơi đồng đội, quyết định quay lại tiếp ứng.

Chiến công oanh liệt và tình đồng đội thiêng liêng được kể lại bằng bảy thi hài nằm bên nhau trong rừng hoang, không nguyên vẹn. Chị Sại bị bẻ cổ và chặt ngón tay cướp mất chiếc nhẫn vàng, kỷ vật má mua cho từ tiền bán lá dừa nước nhiều năm gom góp. Chị mãi mãi tuổi 18, lời yêu chưa ngỏ cùng ai…

“Còn chiến tranh thì không ai hạnh phúc!”

Như đứt từng đoạn ruột khi con gái đầu lòng hy sinh, bà khóc đến đổ bệnh, phải nằm dưỡng nhiều tháng ở Bệnh viện Sóc Trăng.

Nhìn ruộng vườn, bà nhớ bàn tay tảo tần của con, rồi lại quặn thắt khi nhìn máy may, chiếc áo, khăn tay con thêu tặng bộ đội dở dang dòng chữ: “Chiếc áo phong sương tình ân nghĩa/ Nghĩa ân tình sương phủ áo chàng” hay câu chọc ghẹo hài hước: “Thương người uống rượu, ghét kẻ phá mồi”… 

Dù tuổi cao, không còn minh mẫn nhưng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hoa  luôn nâng niu những huy hiệu, huân chương được Nhà nước trao tặng như báu vật
Dù tuổi cao, không còn minh mẫn nhưng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hoa luôn nâng niu những huy hiệu, huân chương được Nhà nước trao tặng như báu vật

 Những chết chóc, mất mát ấy không làm bà chùng bước mà càng nhân lên lòng hận thù. Gạt nước mắt tiễn con, bà vẫn giơ cao tuyên thệ một lòng sắt son dưới lá quốc kỳ.

“Còn chiến tranh thì không ai hạnh phúc được đâu con, nên đứa nào lớn lên cũng phải đi làm nhiệm vụ. Người ta bị áp bức cùng đường buộc phải tranh đấu. Một người ngã xuống thì năm, bảy người khác đứng lên. Cả nhà mình, tất cả dân mình phải góp công cho cách mạng để mau tới ngày giải phóng, để sự hy sinh của những người như chị Hai bây thực sự có ý nghĩa” - pháo dội bom rền không phủ lấp được niềm tin sắt đá nơi bà. 

Các con lần lượt nối gót hiến dâng tuổi xuân cho nền độc lập, do được thấm đẫm tình yêu nước một cách tự nhiên từ trong nôi, từ lời ru của bà bằng nhạc cách mạng; từ hoạt động binh vận, nuôi giấu cán bộ, tiếp tế cho bộ đội của ông bà.

Một lần đi họp về bị địch tiếp cận, ông nhanh trí dùng cây dầm bơi xuồng vùi mớ tài liệu mật xuống bùn (trong đó có danh sách cán bộ và kế hoạch hoạt động). Không thu được bằng chứng, giặc vẫn điên tiết tra khảo ông với đủ cực hình: đánh đập, chích điện…

Sau ba tháng giam cầm, tra tấn dã man đến suy kiệt, không khai thác được gì nên chúng phải thả ông nhưng buộc gia đình dọn về nhà ở chợ (xã Đại Ân 2) hòng cắt đứt liên lạc với lực lượng cách mạng ở cồn (xã Đại Ân 1).

Lợi dụng tình hình, ông bà lại lén dọn đồ về cồn, móc nối ngay với các đồng chí. Cả nhà không thể nào quên cái đêm tối như mực, đồ đạc chất hết lên xuồng, dùng hai cây chuối đẩy lăn qua đập (để tránh đồn bốt giặc chốt chặn dày đặc ở các ngả ba sông).

Lấy cớ mưu sinh bằng nghề chặt lá, chằm lá dừa nước hay chài lưới kiếm tôm cá, bà bơi xuồng, lái ghe tiếp tế lương thực, thức ăn, muối, thuốc men, vải… cho chiến sĩ trong rừng. Mưu trí, gan dạ, bà vù vù qua mặt bọn lính.

Bà đổ gạo vô can nhựa, vặn nắp lại, thả xuống bánh lái ghe dưới mặt nước, chúng không ngờ được. Tay lái bằng sắt, bọng ở giữa cũng là chỗ lý tưởng để nhét “hàng mật”, bà dùng cây lá ém lại để không bị vô nước và giặc khỏi dòm ngó. Có khi nhét vào bập lá đặt dưới xuồng và đánh lừa rằng do xuồng bị lủng, phải trám cho nước khỏi vô.

Bà không nhớ nổi đã tiếp tế và nuôi giấu bao nhiêu người con tại nhà, hàng chục, hàng trăm. Khi có động, tất cả cùng trốn dưới hầm hoặc tỏa ra hốc cây, trầm mình dưới ao; bộ đồ suốt ngày không khô. 

Thời bình, các con đi công tác, ghé thăm nhà, ôm má và nhắc mãi món bánh dừa, món khổ qua dồn má nấu ngon xuất sắc. Má con bồi hồi ôn những cái tên, những gương mặt. Người còn, người mất…

Một lần ăn cơm, bà lẳng lặng dán từng hột quanh mâm, miệng lẩm bẩm: “Đông quá, biết đủ chia không”. Tưởng bà tuổi cao, lẩn thẩn, chị Chín hỏi ra mới biết bà gọi từng người con đã hy sinh về ăn cơm cùng cho vui, cho đỡ nhớ!

Ân cần lau mặt, choàng khăn cho má tránh sương gió lạnh chiều hôm, chị Chín tự hào nói: “Má là vậy, luôn sống hết lòng và san sẻ dù mình no đói gì cũng cam chịu. Con ruột hay con - chiến sĩ, má đều thương như nhau, nhà có gì trút hết, cho hết.

Thời bình, ba má tiếp tục chằm lá dừa nước, làm nhà máy gạo, không khá giả nhưng luôn giúp đỡ người nghèo khi túi gạo, khi chút tiền… Má ít dạy bằng lời, chỉ có lối sống ngay thẳng, rộng rãi, chịu thương chịu khó, con cháu cứ nhìn vào, làm theo”. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI