Anh đã hiện diện như thế nào trong mắt em?

06/09/2015 - 07:34

PNO - Chẳng biết tự bao giờ khi đối diện với một người đàn ông. Ta thầm quan sát xem vợ anh ta “hiện lên” như thế nào trên trang phục của anh ta.

Anh da hien dien nhu the nao trong mat em?
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

“Sao mắt chị buồn vậy?”. Nhỏ em chú bác lâu ngày mới gặp, chợt phán một câu không ăn nhằm gì tới sức khỏe, tiền bạc. Mà nhỏ là dân “con buôn” đấy, không phải làm việc văn phòng văn phiết gì đâu.

Ta cười “Trời sinh vậy”. Nhỏ cãi “Không, mắt tùy vào tâm trạng chứ không phải trời sinh. Cuộc đời ngắn lắm chị, vui để sống, không vui thì tìm vui, đừng để mình buồn”.

Chẳng lẽ ta bảo em, tại em singờ-mom sung sướng nên nói mạnh miệng thế, chứ cứ con đùm chồng níu, lương tháng trước đã hết mà lương tháng sau còn xa vời vợi, chồng đòi mua sắm thứ này thứ nọ, con thì đau bệnh, đám tiệc bên nội bên ngoại lu bù… thử coi đời vui được mấy gang tay?

“Người vợ hiện lên trên trang phục của người chồng/ Người chồng hiện diện trong mắt của người vợ. Mắt chị buồn, không nói cũng báo cho người đối diện biết chị không hạnh phúc”.

Ta bảo em, thôi về sắm thêm cái mu rùa, mai mốt hết kinh doanh thì làm thầy bói.

Chẳng biết tự bao giờ ta hay có ánh nhìn “nhiều chuyện” khi đối diện với một người đàn ông. Đó là bạn cũ, bạn mới quen, đối tác, khách… thầm quan sát xem vợ anh ta đã “hiện lên” như thế nào trên trang phục của anh ta. Rồi so sánh kẻ làm vợ là mình đã “hiện ra” như thế nào trên quần áo chồng mình.

Có anh quần áo tinh tươm lắm, li nếp ủi phẳng lì, thơm thoang thoảng. Chất liệu trang phục cũng trung bình khá. Có anh xuề xòa kiểu “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Có anh chải chuốt như đang diễn vai công tử; có chàng quần ống thấp ống cao, giày há mõm…

Ta thấy mình vào loại đàn bà trung bình khá. Trang phục chồng không là chất liệu xịn nhất, giày không bạc triệu một đôi, áo quần không bén đứt tay, nhưng anh tinh tươm và chỉn chu, trông trẻ ra mấy mùa bông mít rụng so với tuổi thật.

Ta cho rằng đàn bà có một người đàn ông “riêng mình” để mình được yêu thương, lo lắng, chăm bẵm là đàn bà hạnh phúc; mà không biết rằng cái sự lo lắng chăm bẵm đó là do mình tự nguyện, người ta có yêu cầu, có van xin gì đâu!

Để 10 năm chồng vợ, tưởng mình yên ổn với tháng tháng xòe tay nhận hai phần ba lương chồng, rồi tự chiên xào kho nướng với hầm bà lằng chi tiêu gia đình, với đối nội đối ngoại mà không chút lo âu bởi “chồng ngoan” là tự cho rằng mình hạnh phúc; là tự buộc mình phải cúc cung lo lắng chu toàn cho người đàn ông “của mình” mà không biết rằng ngoài chính chủ thì vẫn còn “phó bản”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI