6 điều cha mẹ cần làm với con trước khi ly hôn

13/09/2017 - 10:19

PNO - Con cái cũng chính là điểm tựa tinh thần tốt nhất để giúp cha mẹ vượt qua những trạng thái tâm lý bất ổn trong thời gian ly hôn.

Khi cha mẹ ly hôn, đứa con có nhiều biến đổi về mặt tâm lý. Và cách hành xử của cha mẹ đối với trẻ như thế nào đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm lý của chúng. Phụ huynh cần ứng xử với con trẻ ra sao để chúng hiểu và chấp nhận việc cha mẹ ly hôn?

6 dieu cha me can lam voi con truoc khi ly hon
 

Khi vợ chồng không thể sống với nhau và quyết định ly hôn thì việc ly hôn không có nghĩa là chấm dứt mọi chuyện, mà còn mở đầu rất nhiều tình huống cần phải giải quyết. Vấn đề ở đây không chỉ có trách nhiệm mà còn là tình thương và cách ứng xử với con cái.

Nên trò chuyện để con biết và chuẩn bị tâm lý 

Khi làm việc ở phòng tham vấn tâm lý học đường ở một trường THCS, em G.B có chia sẻ với tôi: “Em không hề biết việc ba mẹ ly hôn. Em đang học thì ba đến đón về để đến tòa. Đến tòa, em được cô thư ký hỏi muốn sống với ba hay mẹ. Em rất buồn khi biết ba mẹ mình ly hôn”.

Dù nói ra hay không trẻ vẫn sẽ cảm thấy buồn, mất niềm tin vào gia đình, tủi thân (thiếu thốn tình thương, sự chăm sóc, giáo dục…), và phần nào hẫng hụt về mặt tâm lý.

Rõ ràng việc cha mẹ ly hôn mà không được báo trước làm cho đứa con hẫng hụt rất nhiều về tinh thần. Khi rơi vào quyết định lớn là sống với cha hay với mẹ, sẽ khiến trẻ bối rối không biết sống với ai sẽ tốt hơn.

Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định của trẻ sau này. Cho nên, người lớn khi quyết định ly hôn cần nói rõ cho trẻ biết mọi việc đang diễn ra để trẻ chuẩn bị tâm lý.

Cho trẻ biết nguyên nhân khách quan dẫn đến việc ly hôn

6 dieu cha me can lam voi con truoc khi ly hon
 

Dưới góc độ tâm lý học, nếu cha mẹ ly hôn mà không cho trẻ biết nguyên nhân của sự việc thì trẻ nhỏ có thể nghĩ rằng cha mẹ ly hôn là do chúng chưa ngoan, học chưa tốt ở trường,… và điều này làm cho con cái cảm thấy vì lỗi lầm của mình mà cha mẹ phải ly hôn.

Và có không ít những đứa trẻ sẽ nuôi hy vọng cha mẹ có thể quay trở lại sống với nhau vì người lớn chỉ tạm thời chia tay. Việc nói với con cái về việc cha mẹ ly hôn một phần thể hiện sự tôn trọng trẻ, phần khác để trẻ hiểu hơn vấn đề mắc phải của gia đình.

Cha mẹ cũng cần khẳng định, việc ly hôn là giải pháp cuối cùng, trẻ không có lỗi gì trong chuyện này và trách nhiệm trong chuyện ly hôn thuộc về phần cha mẹ. Làm được điều này sẽ giúp trẻ hiểu hơn vấn đề và ít nhiều sẽ xoa dịu những nỗi đau, cảm xúc tiêu cực của con.

Tôn trọng quyết định của con

Đứa con là sự kết tinh của tình yêu, là tài sản chung của 2 người khi đến với hôn nhân. Tuy nhiên, khi hôn nhân đổ vỡ đứa con không thể chia đôi như những tài sản khác. Việc giành quyền nuôi con khiến không ít gia đình đau đầu, mất ăn mất ngủ.

Việc quyết định trẻ sống cùng ai, cha mẹ không thể tự quyết mà cần lắng nghe mong muốn của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần bình tâm suy nghĩ, dùng lý trí soi xét xem con của mình về sống cùng ai thì sẽ tốt cho bé hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Trên cơ sở đó mới có thể hạn chế tối đa sự mất cân đối trong tiến trình phát triển tâm lý của con trẻ. 

Lắng nghe tiếng lòng của con trẻ

Con cái cần cha mẹ hiểu việc ly hôn của cha mẹ đã “chạm” đến cuộc sống của chúng như thế nào. Con đường ngắn nhất để biết những điều trẻ đang suy nghĩ là lắng nghe những cảm xúc, suy nghĩ của con. Với những trẻ nhỏ, chúng có thể dễ dàng nũng nịu, bày tỏ những cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ ra bên ngoài.

Trẻ lớn hơn có thể chúng biết che đậy cảm xúc, không bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến chiều sâu tâm hồn trẻ.

Cha mẹ hãy quan tâm, hỏi han con về những nỗi sợ, những điều làm con phải lo lắng về việc ly hôn của cha mẹ và những thay đổi phía trước. Cha mẹ, con cái cùng ngồi lại để nghe những câu hỏi mới của trẻ và đảm bảo về cuộc sống phía trước của con.

Dành thời gian quan tâm, giáo dục con

Trong thời gian giải quyết vấn đề ly hôn, cha mẹ có thể bận nhiều việc phải giải quyết và căng thẳng nên không có thời gian quan tâm đến con cái. Vì lý do này mà thực tế có không ít trẻ có những biểu hiện tâm lý bất ổn hoặc là thu mình hoặc là nổi loạn. Mà vấn đề này không phải cha mẹ nào cũng tinh tế nhận ra.

Trong một số trường hợp, khi ly hôn các con phải chia nhau trẻ sống cùng cha trẻ sống với mẹ. Vấn đề nan giải này cha mẹ phải thật sự tinh tế thăm dò ý kiến của con trẻ. Trên cơ sở đó tìm ra giải pháp, lựa chọn tối ưu nhất. Cha mẹ cũng cần khẳng định với con rằng, dù các con không thể sống cùng nhau nhưng các con vẫn là anh em, chị em của nhau và chuyện đó thì không bao giờ thay đổi được.

Chính bằng trách nhiệm và tình yêu thương của những người làm cha mẹ, cho dù cuộc hôn nhân không trọn vẹn thì cha mẹ vẫn cố gắng dành thật nhiều điều tốt đẹp cho con sau khi ly hôn.

Cha mẹ cần phải ổn định về mặt tâm lý

Dù ở vai trò là người khởi xướng hay là một nạn nhân của cuộc ly hôn thì đều có những thay đổi, tổn thương về tinh thần. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải cố gắng vượt qua được những đau buồn, những trạng thái căng thẳng khi ly hôn thì mới có thể giúp đỡ được con cái và giáo dục con một cách tốt nhất được. Nói khác đi là cha mẹ phải thật sự ổn về tâm lý thì mới lo được cuộc sống mới của mình và con.

Tránh để những hình ảnh không hay của bố mẹ về ly hôn cứ diễn ra với trẻ vì điều này sẽ trở thành ký ức khó phai trên não. Thậm chí sẽ ảnh hưởng đến đời sống gia đình sau này của con trẻ.

Ở góc nhìn khác, con cái dường như cũng chính là điểm tựa tinh thần tốt nhất để giúp cha mẹ vượt qua những trạng thái tâm lý bất ổn trong thời gian ly hôn. Để từ có có thể vững vàng hơn mà chăm lo cho các con cả về mặt vật chất cũng như những điều tốt sự hình thành và phát triển tâm lý của con khi gia đình không trọn vẹn.

Thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An

Huỳnh Nhật Minh Thông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI