Xin thương người ở lại!

06/10/2021 - 12:24

PNO - Người ngoài muốn chia buồn nhất định không được bỏ qua bước thăm dò những “vùng đỏ” trong tang gia này, là vùng dễ bị tổn thương, chưa thể tiết lộ thông tin.

Bàng hoàng trước tin một nhà văn, người sáng lập nhóm Facebook truyền cảm hứng sống tích cực tại TP.HCM đột ngột qua đời, tôi nhắn tin hỏi “phó nhóm” Facebook ấy.

Phó nhóm cho biết thông tin này là xác thực nhưng kèm theo lời khẩn cầu: “Nếu bạn đã đăng bài chia buồn lên trang cá nhân thì ẩn bài giúp, còn chưa đăng thì may quá. Anh nhà văn còn cha mẹ già yếu, bệnh nhiều. Hai bác hiện vẫn chưa biết con mình mất.

Tất nhiên rồi hai bác sẽ biết, nhưng xin chút thời gian để tôi và người nhà làm công tác tư tưởng cho hai bác đỡ sốc. Bạn biết đó, trải nghiệm “tre khóc măng” đâu dễ dàng”. 

Kết thúc cuộc trò chuyện ngắn chỉ vài phút với anh phó nhóm, thử vào tài khoản Facebook của người mất, tôi tá hỏa khi thấy có đến mười mấy bài viết gắn thẻ cho anh:

“Thảng thốt, không tin được, không biết nói gì, lịch hẹn vẫn còn đây, chỉ chờ giãn cách xong sẽ gặp mà sao anh vội ra đi?”, “Mong anh siêu thoát, trên ấy cũng cần người tài”, “Đời là cõi tạm, anh yên nghỉ nhé!”… 

Những dòng chia buồn ồ ạt như thác, không gì ngăn nổi, tôi thắt lòng khi nhớ đến lời dặn của anh phó nhóm, thực sự âu lo nếu lỡ hai bác biết được hung tin này. Facebook có tính kết nối, công khai quá cao, khó thể giấu được lâu. Và cũng không loại trừ trường hợp các bác cũng có tài khoản Facebook. 

Quả thực, anh phó nhóm cũng bất lực trong việc can ngăn. Anh đăng lên nhóm vài dòng úp mở về thương tiếc một người vừa ra đi (không nêu tên cụ thể) và mong mọi người hãy lưu giữ những kỷ niệm đẹp ấy trong lòng mình, xin thương người ở lại!

Thành kính phân ưu là sự chia sẻ cần thiết và đáng trân trọng với gia đình người đã khuất. Tuy nhiên, trong trường hợp nào đó, bốn chữ đong đầy nghĩa tình này lại gieo thêm nghiệt ngã, nhất là với thân nhân của những người vừa có cái chết vô thường. Dù cho đó là sự thật thì không phải sự thật nào cũng nên nói ra ngay và nói với mọi người.

“Đại gia đình tôi từng nghĩ kế để đưa bà mợ mới sinh sang nhà tôi ở tạm, nói dối là dự báo thời tiết sắp có bão dữ. Thực ra là để căn nhà ấy dành lo hậu sự cho người cậu mới qua đời vì tai nạn giao thông. Ai cũng hiểu mợ mới sinh yếu sức, lại bị huyết áp cao, nếu biết cậu chết thảm, sao mợ sống nổi!

Đợi mợ khỏe hơn một chút, bà ngoại mới dần dần thú thật mọi chuyện. Mợ đau buồn rất nhiều, nhưng rồi cũng vượt qua và càng gắng gượng để nuôi dạy con”, anh Hoài Ân (ngụ tỉnh Quảng Ngãi) kể. 

Tất nhiên người thân rồi sẽ phải biết tin, nhưng thông tin nên được hé lộ từ từ, nói giảm nói tránh, vừa nói vừa đỡ nâng tinh thần người nghe. Và phải chọn ai là người có kỹ năng chia sẻ, nói ở thời điểm nào để đỡ đau đớn nhất, ít ám ảnh nhất.

Với những người già, người đang bạo bệnh, người đang sa sút tinh thần, người được khuyến cáo tránh xúc động cũng vậy, mọi sự đường đột, thình lình có thể đưa đến hậu quả đáng tiếc, khó lường.

Trong giai đoạn giãn cách vì dịch COVID-19, nếu đại gia đình không ở cùng nhà thì khá thuận lợi để che giấu việc tang tóc với những ai thuộc diện chưa đủ sức để tiếp nhận tin báo tử, trừ trường hợp người bên ngoài nhanh tay loan báo trên mạng hay xộc vào nhắn tin, gọi điện an ủi thân nhân của người mất.

Ngặt nỗi, an ủi trúng người mà đại gia đình đang ra sức giấu ém, bưng bít thông tin vì e ngại hệ lụy dây chuyền. “Ủa bác chưa biết nữa hả? Trời ơi! Xót lắm! Anh ấy/chị ấy chết vì COVID, chết trong cô đơn, lạnh lẽo, còn phải nằm chờ thiêu vì quá tải”… ai đó có thể “giết người không cần đao kiếm”, dù thật lòng thương quý, quan tâm, xót xa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Chia buồn” gồm hai vế: nhắc đến tin buồn và chia sẻ, động viên. Người ngoài muốn chia buồn nhất định không được bỏ qua bước thăm dò những “vùng đỏ” trong tang gia này, là vùng dễ bị tổn thương, chưa thể tiết lộ thông tin.

Nếu đám tang được tổ chức tại gia thì việc trực tiếp đến viếng, thắp hương công khai không có gì đáng bàn. Cũng như bình luận vào bài đăng cáo phó của chính chủ tang gia hoặc ảnh đại diện đổi thành màu đen thì không có gì đáng bàn.

Sợ nhất là những ngón gõ “tài lanh” công bố giùm chuyện buồn của gia đình khác mà chưa được họ cho phép. “Mình có gì sai đâu? Sự thật như vậy mà!” là lý lẽ của lối nghĩ vô tư, vô tâm, thiếu thấu cảm. 

Tiễn biệt không vì chậm vài phút, vài giờ mà giảm đi giá trị của sự chân thành, trang trọng. Xin thương người ở lại mà cân nhắc, suy xét, đừng đưa thông tin trong thời điểm chưa phù hợp. 

Tô Diệu Hiền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI