Xin hãy hành động ngay lập tức

21/03/2014 - 17:35

PNO - PN - Mỗi ngày, những tin tức về bắt cóc trẻ sơ sinh, bạo hành con cái, bán trẻ em gái vào nhà chứa… tràn ngập trên mặt báo. Vậy mà mẹ vẫn phải chở con đến trường, giao con vào tay cô bảo mẫu, mãi đến chiều mới hấp ta hấp tấp...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Mỗi đêm, khi con ngồi học bài, mẹ rùng mình nghĩ bàn tay này, đôi mắt kia sẽ ra sao khi con rơi vào tay lũ buôn người. Quay quắt lo, nhưng mẹ chẳng biết làm sao ngoài việc theo con từng giây từng phút. Người ta bảo nuôi con là phải giúp con tự lập, tự lo liệu lấy việc của mình, tự cọ xát với cuộc sống để trưởng thành. Nhưng, mẹ làm sao yên tâm buông tay, khi quanh tuổi thơ của con bây giờ là thập diện mai phục? Mà thật ra, mẹ cũng đâu theo con được hết, mình mẹ làm sao bài binh bố trận cho đầy?

Xin hay hanh dong ngay lap tuc

Công ước quốc tế về Quyền trẻ em nói rằng “trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi”. Nhìn 18 năm thơ dại trong đời người ấy, thấy sao dài dằng dặc khi quanh mình đầy những ma trận hãi hùng. Trẻ em mới sinh ra ở bệnh viện được một ngày tuổi đã bị đánh cắp. Người ta hô hào về an ninh bệnh viện, về thủ tục ra vào viện, nhưng một đứa trẻ vẫn bị ẵm đi mất ngay giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ mấy phút sau khi bà ngoại rời mắt khỏi hai mẹ con. Sữa không an toàn vẫn bán cho trẻ uống, vắc xin không an toàn vẫn tiêm và trẻ... chết, đồ chơi không an toàn vẫn đầy ắp ngoài chợ... Những năm tháng đầu đời sao mà mong manh và nguy hiểm! Làm sao cha mẹ bảo vệ được con trước những rủi ro nhiều đến thế, có tính hệ thống đến thế?

Hôm qua, bé Na ốm. Con bé mới 12 tháng tuổi mà mẹ nó đã gửi nó lăn lóc ở nhà một bà hàng xóm. Bà giữ đến bốn đứa sàn sàn như nó, buổi trưa trời nóng, con bé lăn ra ngủ ngay trên nền gạch, quần áo phong phanh, quạt chạy vù vù, bà bảo: “Nhà mới lau, sạch lắm, ngủ vậy cho mát”. Con bé ho, chảy mũi, mấy ngày không đỡ, mẹ nó mới đưa đi khám, bác sĩ bảo viêm phổi mất rồi, phải uống chừng này thuốc, mỗi ngày phải đưa cháu lên chích thuốc. Mẹ nó bồng con về, lòng đầy lo nghĩ: ai đi làm, ai đưa con đi chích thuốc? Mẹ nó chẳng hề biết cái buổi trưa và nền gạch men lạnh ngắt trong nhà bà giữ trẻ. Mấy ngày sau, con bé đỡ sốt, lại thấy nó lăn lê trên nền gạch ấy, bà giữ trẻ bảo hết bệnh rồi thì đi học thôi…

Trẻ đến trường, tưởng đâu là nơi chốn an toàn, nhưng không! Trẻ bị giúi đầu vào thùng nước, bị bóp mũi, bị đánh, bị đạp. Không chỉ các bảo mẫu trường mầm non mới bạo hành trẻ. Khi con học tiểu học, mỗi ngày đến trường con đều căng thẳng vì nhà vệ sinh: trường bắt mặc váy đồng phục, mà con thì bé quá làm sao vén váy cho gọn, cho khỏi ướt, nhà vệ sinh thì dơ bẩn, cô giáo, bạn bè thì chế giễu. Giải pháp của con là nhịn uống để khỏi tiểu. Mấy tháng trời mẹ mới phát hiện điều đó, may còn kịp, để lâu bệnh tật đến đâu?

Một đứa bé bị bố đánh bằng điếu cày vào đầu, đã chết trong bệnh viện. Hóa ra ở nhà cũng chưa chắc đã an toàn. Bao nhiêu đứa bé bị những ông bố vô lương tâm vứt oạch xuống đất, đá vào bụng, đạp chân vào ngực? Bao nhiêu đứa bé ở nhà bị hàng xóm, thậm chí người thân lạm dụng tình dục? Bao nhiêu đứa trẻ bị dụ dỗ, bị lừa đảo từ internet? Môi trường gia đình cũng đang bị tệ nạn xã hội thâm nhập, và khi không còn an toàn nữa, nó trở thành loại cạm bẫy kinh khủng nhất, tàn ác nhất với trẻ em: cạm bẫy ở nơi người ta ít phòng bị nhất. Hãy nhìn những đứa trẻ bị chính cha mẹ đem bán cho bọn buôn người, đổi lấy khoản tiền rẻ mạt, sẽ thấy cạm bẫy trong gia đình có khi còn chưa được nhận diện hết, nhưng mặt ngầm của nó, vết hằn của nó trong ký ức tuổi thơ khủng khiếp chừng nào.

Xin hay hanh dong ngay lap tuc

Xin hay hanh dong ngay lap tuc

Xin hay hanh dong ngay lap tuc

Xin hay hanh dong ngay lap tuc

Trẻ em cần lớn lên trong môi trường an toàn, an toàn cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội 

Có những người mẹ đã cố dang tay che chở con nhưng không che chở được. Báo Phụ Nữ từng đăng một bài viết đau nhói lòng người: Xe buýt cán chết thằng Đỏ rồi! Những đứa trẻ ngồi sau xe mẹ chở đi học, có khi ngồi kẹp giữa hai người lớn mà không đội nón bảo hiểm, sinh mạng mong manh có khi chỉ tính bằng một lần va vấp, xóc nảy trên đường. Trẻ em bây giờ học từ sáng sớm đến tối mịt. Hôm mẹ chở con về, một cô bé khác cũng đang được mẹ chở đi trước mặt, cô bé gục đầu vào lưng mẹ ngủ, chiếc váy đồng phục phô đôi chân non nớt, thâm đen những vết muỗi cắn từ những giờ học chính, học thêm triền miên vô tận. Đôi chân của cô bé ấy đã khiến mẹ quyết định thôi không cho con đi học thêm nữa.

Có lẽ, nhiều người sẽ nói hãy nhìn vào những tài năng thiếu niên, qua các cuộc thi âm nhạc đang làm ra tiền tỷ; hãy nhìn vào những đứa trẻ nổi tiếng vì học giỏi, vì hát hay, vì xinh đẹp. Nhưng, đã nhìn thì xin nhìn tường tận: dưới bàn tay hào nhoáng nhưng tàn nhẫn của truyền thông, những đứa trẻ ấy đã bán mất tuổi thơ cho những màn trình diễn hái lúa non, chín ép.

Mười tám tuổi, thoáng vèo cái tuổi thơ đi qua. “Tất cả chúng ta rồi sẽ ngã ra khỏi tuổi thơ, không kịp nhìn táo trắng nở hoa…” có nhà thơ đã viết vậy. Chẳng biết trong những thời thơ ấu đang trôi qua quanh mẹ và con, dấu ấn nào sẽ thay cho hoa táo trắng? Ngày mai, chân dung thế hệ trưởng thành từ những ác mộng “thập diện mai phục” này rồi sẽ như thế nào? Sẽ ngơ ngác vì được bảo bọc quá kỹ? Sẽ mất lòng tin vào con người, đề phòng, nghi ngờ mọi thứ vì đã gặp, đã nghe, đã thấy quá nhiều cạm bẫy? Sẽ trì độn vì sữa độc, đồ chơi nhiễm độc và những chương trình quảng cáo trên ti vi? Ba và mẹ chỉ có hai con, hầu hết những gia đình khác cũng thế, những đứa trẻ sinh ra trong kỳ vọng về một thế hệ tốt hơn, đẹp hơn, khỏe hơn, thông minh hơn, rồi sẽ ra sao?

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của LHQ về Quyền trẻ em từ năm 1990. Năm 2004, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hàng loạt hội và ban bệ bảo vệ trẻ em ra đời, nhưng tội ác vẫn ngày ngày diễn ra, còn gia tăng hơn trước. Có lẽ, luật chưa thật sự đi vào đời sống; khung pháp lý, chính sách bảo vệ chăm sóc trẻ em chưa thật đầy đủ và hiệu quả.

Ở xứ mình, chuyện “con ai nấy nuôi” đã thành nếp, “đèn nhà ai nấy rạng” đã thành tập quán, nên việc bảo vệ trẻ em vẫn đang dừng đâu đó bên ngoài những ngôi nhà, những cơ chế. Chưa có sự kết nối thực sự giữa những nơi đang hằng ngày chăm sóc trẻ, dạy dỗ trẻ với bộ máy luật pháp, nên có khi chuyện xảy ra rồi mà cơ quan pháp luật vẫn “bình chân như vại”, thậm chí chỉ coi là “chuyện con nít”!

Công ước quốc tế về quyền trẻ em “Thừa nhận rằng, để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông”. Có lẽ, lúc này, trước tất cả những điều trên, vấn đề cơ bản là trẻ cần lớn lên trong môi trường an toàn, an toàn cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Những vụ việc vừa rồi đã gây ra tâm trạng bất an vô cùng lớn. Không thể mãi nói suông, xin hãy hành động ngay lập tức, để trẻ được sống trong an toàn, được chăm sóc và được yêu thương…

 Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI