Xe nôi có thể thành bẫy tử thần

04/08/2016 - 09:23

PNO - Mỗi năm có khoảng 3.500 trẻ sơ sinh tại Mỹ tử vong đột ngột, nhiều trường hợp nguyên nhân vẫn còn bí ẩn, nhưng hầu hết đều xảy ra khi trẻ đang ngủ, mà chính chiếc xe nôi là thủ phạm gây họa.

Theo báo cáo từ Học viện Nhi khoa Mỹ, một nửa số trẻ sơ sinh tại Mỹ có nguy cơ bị nghẹt thở khi ngủ vì nằm trong xe nôi với đồ vật không an toàn. Chăn, mền, gối… là những vật có thể gây cản trở đường thở khiến trẻ chết ngạt nếu bị mắc kẹt, bị quấn chặt đầu vào đó. Việc sử dụng gối đã được chứng minh là làm tăng đến 2,5 lần nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS - Sudden Infant Death Syndrome).

Một nghiên cứu tương tự tại Anh cũng chỉ ra, những bà mẹ trẻ ít kinh nghiệm có nhiều khả năng sử dụng những loại xe nôi, xe đẩy tiềm ẩn nguy hiểm (chiếm 83,5%). Các tai nạn phổ biến nhất gây thương tích cho trẻ là té ngã, thường xảy ra nếu không sử dụng (hoặc sử dụng không đúng cách) đai an toàn của xe nôi; mất kiểm soát trên bậc thang hoặc thang cuốn; lật do quá tải hay phanh gấp; đổ sụp vì khóa “dỏm” và thiếu sự giám sát đầy đủ.

Xe noi co the thanh bay tu than
Nhiệt độ trong xe nôi khi phơi nắng có thể lên đến 15 độ C nếu bị che chắn bằng màn vải Nhiệt độ trong xe nôi khi phơi nắng có thể lên đến 15 độ C nếu bị che chắn bằng màn vải

Amy Swann, một người mẹ hai con ở thành phố Nottingham (Anh) đau buồn nhớ lại chuyện con trai đầu lòng là Matty tử vong chỉ vài ngày sau thôi nôi, trong lúc gia đình đi du lịch. Đêm đó, Matty thức dậy hai lần để bú. Amy tỉnh dậy lúc 7g30 sáng, đập vào mắt cô là chiếc xe bị lật ngược, mui và tấm khăn phủ lên mặt của Matty. “Khi nhào đến xe nôi, tôi thấy con nằm nghiêng bên trái với đôi môi tím ngắt. Chúng tôi cố gắng cấp cứu, nhưng trước khi nhân viên y tế có mặt, tôi biết mình đã mất đi đứa con yêu dấu”.

Một vụ tương tự xảy ra tại New Zealand năm 2010, mẹ của bé gái sáu tuần tuổi đặt bé ngủ trong xe đẩy ở phòng khách gia đình như thường lệ. Người mẹ cho biết bé nằm nghiêng, được cài dây, chiếc xe nôi xéo một góc 45 độ, vì cô không thích con phải nằm thẳng khi vừa bú xong. Người mẹ thức dậy lúc 6g sáng, thấy con vẫn ở yên vị trí ban đầu, nhưng cơ thể không còn phản ứng, dù trong các lần kiểm tra y tế trước đó, bé hoàn toàn khỏe mạnh. Theo giáo sư nhi khoa Ed Mitchell, người hỗ trợ điều tra vụ việc, trẻ sơ sinh chưa phát triển các cơ vận động cổ hoàn chỉnh, giúp nâng hoặc duỗi thẳng đầu nên đường thở dễ bị tắc, trong khi xe nôi thường không được thiết kế để dùng làm chỗ ngủ cho bé, đặc biệt là loại xe nghiêng.

Thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến bé sơ sinh hoặc trẻ nhỏ vì cơ thể chúng chưa thể điều chỉnh nhiệt độ như người lớn. Do đó, trẻ có nguy cơ phải chịu nóng quá mức và phát triển một căn bệnh liên quan đến nhiệt. Vì vậy, cha mẹ không nên che phủ xe nôi bằng một tấm chăn hay miếng vải mỏng, dù nó có thể bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời. Theo Svante Norgren, bác sĩ nhi khoa BV trẻ em Astrid Lindgren tại Stockholm (Thụy Điển), một miếng vải mỏng hay tấm chăn phủ trên xe nôi sẽ làm giảm sự lưu thông không khí, tạo ra sức nóng lớn hơn. Nghiên cứu cho thấy, dưới ánh nắng, xe đẩy được che phủ sẽ nóng hơn nhiều so với xe không bị “trùm đầu”, chênh lệch nhiệt độ có thể lên đến 15 độ C. Ở nhiệt độ 40 độ C, thận hoặc não sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh thường xảy ra do nhiệt độ quá cao, nên tránh sốc nhiệt là một trong những vấn đề hàng đầu để giảm nguy cơ. Cha mẹ nên để khuôn mặt bé thoải mái, không che phủ lúc ngủ, nhằm dễ dàng phát hiện những bất thường và bảo vệ con khỏi bị nóng. Cha mẹ cũng nên giữ con trong nhà suốt khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11g-17g). Nếu cần ra ngoài, hãy dùng dù che hoặc tấm chắn thoáng khí được thiết kế riêng cho xe nôi.

Ngọc Hạ (Theo Daily Mail, CDC, Nottinghampost, Stuff)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI