WHO kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô về COVID-19

13/08/2021 - 07:01

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh việc phát hiện ra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 tồi tệ nhất trong một thế kỷ, đã giết chết ít nhất 4,3 triệu người và tàn phá nền kinh tế toàn cầu là "cực kỳ quan trọng".

Ngày 12/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô từ các trường hợp mắc COVID-19 sớm nhất để hồi sinh cuộc thăm dò nguồn gốc đại dịch và công bố thông tin để giải quyết lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm gây tranh cãi.

WHO nhấn mạnh việc phát hiện ra nguồn gốc của đại dịch là cực kỳ quan trọng, kể từ lần đầu tiên SARS-CoV-2 được báo cáo ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019.

Trước sự phản đối từ Bắc Kinh, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cung cấp "tất cả dữ liệu và quyền truy cập cần thiết để có thể bắt đầu loạt nghiên cứu giai đoạn 2 càng sớm càng tốt".

Một nhân viên y tế lấy mẫu tăm bông từ một phụ nữ để xét nghiệm COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 13 tháng 5 năm 2020.
Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 13/5/2020

Sau nhiều lần trì hoãn, một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đã đến Vũ Hán vào tháng 1/2021 để đưa ra báo cáo giai đoạn đầu, được viết cùng với các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên trong bản báo cáo 2 tháng sau đó, WHO không đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về cách thức virus lây sang người.

Thay vào đó, WHO xếp hạng một số giả thuyết theo nhận định của mình và tin rằng rất có thể virus đã lây từ dơi sang người thông qua động vật trung gian. Các cuộc điều tra đã vấp phải sự chỉ trích vì thiếu tính minh bạch, khả năng tiếp cận cũng như không đánh giá sâu hơn lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Tháng trước, WHO đã yêu cầu giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra bao gồm kiểm toán các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán khiến Bắc Kinh tức giận. Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Zeng Yixin nói rằng kế hoạch này cho thấy "sự thiếu tôn trọng và sự kiêu ngạo đối với khoa học".

Trong một tuyên bố về việc thúc đẩy giai đoạn hai của nghiên cứu, WHO khẳng định cuộc tìm kiếm không phải là cuộc điều tra để đổ lỗi và không có việc chính trị hóa vấn đề.

"Chuỗi nghiên cứu tiếp theo sẽ bao gồm việc kiểm tra thêm dữ liệu thô từ các trường hợp sớm nhất và huyết thanh từ các trường hợp có khả năng xảy ra vào trước tháng 12/2019. Quyền truy cập vào dữ liệu là cực kỳ quan trọng để nâng cao hiểu biết của chúng ta về khoa học” - WHO cho biết.

Minh Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI