Thế giới có thể không bao giờ biết được nguồn gốc của COVID-19?

14/07/2021 - 05:56

PNO - Một nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lập ra từ năm 2003 - với nhiệm vụ đi tìm nguồn gốc của những đại dịch mà thế giới từng phải đương đầu như SARS, MERS, Ebola - cũng đang nỗ lực để xác định mầm bệnh của COVID-19 trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu này cho rằng, vì một số trở ngại mà thế giới sẽ có thể không bao giờ biết câu trả lời.

Tiến sĩ Wang - một giáo sư 61 tuổi trong chương trình các bệnh truyền nhiễm mới của Trường Y khoa Duke thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - là một người chuyên nghiên cứu các loại virus có trong loài dơi. Trong hơn một năm qua, tiến sĩ Wang cũng đã tham gia việc truy tìm nguồn gốc của COVID-19, mặc dù ông và một số nhà khoa học khác vẫn đang theo đuổi việc điều tra nguyên nhân dẫn đến bệnh SARS - một loại dịch cũng liên quan đến coronavirus - trong một nhóm nghiên cứu do WHO lập ra từ 2003.

Dơi các nhà khoa học hiện đang đặt ra nghi vấn rằng dơi có thể là nguồn gốc của COVID-19
Dơi đang được nghi ngờ có thể là nguồn gốc của COVID-19

SARS, tức hội chứng suy giảm hô hấp cấp, xuất hiện vào năm 2002 và đã lấy đi sinh mạng của gần 800 người trên toàn thế giới.

Cũng như trường hợp của SARS trước đây, các nhà khoa học hiện đang đặt ra nghi vấn rằng dơi có thể là nguồn gốc của COVID-19. Tại một cuộc họp ở Bắc Kinh, tiến sĩ Wang cho biết rất có khả năng các loài động vật có vú và biết bay như dơi mang trong cơ thể chúng một loại biến chủng giống như SARS và gây ra những đợt bùng phát dịch COVID-19 trong thời gian hơn một năm qua.

Ở Trung Quốc, dơi được sử dụng rất phổ biến để chế biến các món ăn và chế tạo dược phẩm theo phương pháp cổ truyền. Chúng chiếm 1/5 số động vật có vú, tạo thành một quần thể đông đúc, cơ động và có khả năng lây truyền dịch bệnh khá nguy hiểm.

Năm 2017, sau hơn 10 năm nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học của tiến sĩ Wang đã đưa ra một giả thuyết rằng những con dơi mang trong mình biến chủng coronavirus và có khả năng chúng đã lây nhiễm loại virus này sang người. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng, những con dơi sống trong cùng một hang động đã lây nhiễm cho nhau các chủng virus khác nhau, và những chủng virus này đã hợp lại để tạo ra một loại virus giống như SARS và thâm nhập vào cơ thể người.

Nhưng việc tìm kiếm nguồn gốc thật sự của COVID-19 (tức SARS-CoV-2) hiện nay đang gặp nhiều rào cản chính trị. Hồi tháng Giêng năm nay, Trung Quốc đã trì hoãn việc cho phép các nhà nghiên cứu của WHO vào nước này để thực hiện nhiệm vụ nói trên. Báo cáo của nhóm này từ chuyến làm việc ở Trung Quốc sau đó, cho rằng COVID-19 rất khó có khả năng bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, đã bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích.

Gần đây, Mỹ và một số quốc gia khác đã kêu gọi nhóm chuyên gia của WHO thực hiện nghiên cứu giai đoạn hai để tìm hiểu kỹ hơn về hai giả thuyết chính liên quan đến nguồn gốc của COVID-19: Rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay từ động vật bị nhiễm bệnh lây sang người một cách tự nhiên.

Trên thực tế, nếu không có các rào cản chính trị, thì các nhà nghiên cứu cũng chưa thống nhất về cách giải thích nguyên nhân các mầm bệnh lây nhiễm từ động vật sang người.

Trong những năm sau khi dịch SARS bùng phát, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã cố gắng thu thập các mẫu động vật, với hy vọng tìm ra các tín hiệu cảnh báo sớm về khả năng lây nhiễm của nhiều loại dịch bệnh, trong đó có MERS - một bệnh hô hấp xảy ra ở Trung Đông năm 2012, và Ebola - một loại dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong lịch sử - kéo dài từ năm 2014 đến năm 2016 ở Tây Phi. Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhà khoa học cũng có thể xác định được virus tiền thân - tức virus có ở một số loài động vật trước khi lây sang người - dẫn đến những dịch bệnh này.

“Rất khó để thuyết phục mọi người rằng các loại động vật như dơi là nguồn gốc mang theo mầm bệnh COVID-19. Ngay cả bản thân tôi, tôi cũng không bị thuyết phục 100%. Chúng ta sẽ có thể không bao giờ biết được nguồn gốc của đại dịch này gì, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đi tìm câu trả lời”, tiến sĩ Wang chia sẻ.

Nhất Nguyên (theo WSJ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI