Vụ chồng chém lìa tay vợ: Bài học đắt giá cho kỹ năng giải quyết xung đột vợ chồng

18/09/2022 - 05:31

PNO - Dùng dao chặt xương chém vợ, hành vi của người chồng mang tính côn đồ, có thể khiến nạn nhân mất mạng.

A
Vụ việc là bài học về giải quyết mâu thuẫn vợ chồng

Theo thông tin ban đầu, lúc 13g20 ngày 13/9, do mâu thuẫn tình cảm, Thái Xuân Bình (SN 1988) đã dùng con dao chặt xương chém vợ là chị N.T.T (SN 1995, ngụ Đồng Nai) nhiều nhát. Trong lúc bị chém, chị T. đưa tay lên đỡ thì bị Bình chém gần đứt ngang phần khuỷu tay trái và đứt lìa phần cẳng tay phải.

TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, hành vi của đối tượng gây án là rất nguy hiểm, khiến nạn nhân thương tích nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong.

Trong vụ việc này, vì bực tức, ghen tuông nên dù biết rõ dao chặt xương là hung khí nguy hiểm, có thể gây sát thương, thậm chí khiến vợ thiệt mạng, nhưng người chồng vẫn sử dụng.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tư thế chém người, hướng chém, để xác định khả năng sát thương của hành vi này. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng chém vào những phần trọng yếu như vùng đầu, vùng cổ, ngực của nạn nhân - nhưng do nạn nhân dùng tay che đỡ nên đã không chém trúng những phần trọng yếu - thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối tượng này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định, trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng thực hiện hành vi với mong muốn sát hại nạn nhân, hoặc chém vào vùng hiểm yếu của nạn nhân, nạn nhân không chết là do chống đỡ và được cấp cứu kịp thời, thì đối tượng sẽ bị xử lý tội giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như hành vi có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Nạn nhân không chết thì đối tượng được áp dụng tình tiết phạm tội chưa đạt và đối mặt với hình phạt không quá 20 năm tù. 

A
Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ về vấn đề pháp lý của vụ việc

Trong vụ việc này, luật sư Cường cho rằng, dù nạn nhân không chết, đối tượng gây án cũng sẽ không phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình, nhưng những thương tích sẽ đeo đẳng nạn nhân đến hết cuộc đời, có thể khiến nạn nhân thành người tàn phế. Đối tượng gây án là chồng của nạn nhân cũng sẽ phải chịu hình phạt nhiều năm trong tù, chưa biết khi nào mới trở về... Đây là kết cục bi thương đối với một gia đình.

Cũng theo luật sư Cường, nếu đối tượng không đưa nạn nhân đi cấp cứu, không gọi người cấp cứu hoặc cản trở người cấp cứu thì có thể xác định đối tượng có mục đích giết người. Mục đích thực hiện hành vi không chỉ thể hiện qua lời nói, suy nghĩ mà còn thể hiện qua hành vi cụ thể. Bởi vậy tư thế chém người, vị trí muốn chém và thái độ sau khi chém là những yếu tố quan trọng để xác định hành vi là giết người hay cố ý gây thương tích.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nạn nhân có ngoại tình hay không, để làm căn cứ xác định hành vi của đối tượng có thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh hay không.

Ngoài ra, xác minh mối quan hệ giữa nạn nhân với người đàn ông khác cũng sẽ làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội trên cơ sở xác định nạn nhân có lỗi một phần hay không. Tuy nhiên, dù nghi ngờ của người chồng là đúng, tức nạn nhân không chung thủy, thì đây cũng không phải là căn cứ để đối tượng có thể thực hiện hành vi giết người hoặc cố ý gây thương tích. Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người vợ trong tình huống này là hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và đánh giá hậu quả có thể xảy ra để xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đủ căn cứ để xử lý người chồng trong vụ việc này về tội giết người, thì đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích, theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra sẽ giám định thương tích của nạn nhân, để làm căn cứ để xác định trách nhiệm pháp lý hình sự đối với chồng của nạn nhân.

Luật sư Cường cho rằng đây sẽ là bài học về lòng chung thủy, về kỹ năng giải quyết mâu thuẫn vợ chồng. Chỉ vì ích kỷ, vì ghen tuông, vì những mâu thuẫn không có lối thoát cuối cùng dẫn đến bi kịch đau thương. Trong cuộc sống vợ chồng thì mâu thuẫn vợ chồng, thậm chí ghen tuông là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Khi xảy ra những tình huống mâu thuẫn, bất hòa thì hai bên phải bình tĩnh tìm cách giải quyết, làm rõ nguyên nhân sự việc để có cách tháo gỡ, hòa giải. 

Nếu hai vợ chồng không thể tự giải quyết được thì có thể nhờ bạn bè, người thân trong gia đình hoặc cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương hòa giải. Đây cũng là bài học cho nhiều người rằng, cái giá phải trả cho những cơn ghen tuông, nóng giận là rất đắt. Đôi khi có những sai lầm không còn cơ hội làm lại, chỉ một cơn nóng giận có thể hủy hoại hạnh phúc của cả một gia đình, tương lai của những đứa trẻ đi vào bế tắc.

An Nhiên

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI