Vọng khúc tương tư

26/08/2018 - 20:36

PNO - Nếu đã là thương, thì trọn cuộc đời cũng cứ thương. Giờ xế bóng heo may, hổng lẽ để tiếng đờn mãi thắt thẻo bên kia sông. Còn bên này sông, lại thêm một người dằn vặt xót xa.

Song Lang lừng khừng năm hồi bảy đỗi mới dám mon men ra bến sau, nơi mỗi tối tía hay ngồi kéo đờn. Tía dứt bản Trường tương tư. Tiếng đờn như giọng ai thở than, vẫn còn vang vọng theo sóng nước. Trời đêm thẫm đen. Mấy dề lục bình trôi tấp vào chân bến, tụ thành đám, dập dềnh cả khúc sông.

Vong khuc tuong tu


- Tía à, chắc con thôi học heng! Chớ trong đầu hổng nhét được chữ. Học nữa thi cũng rớt, ở nhà mần ruộng biết đâu lại hay hơn đó tía.


Song Lang mười tám, cùi cụi vạm vỡ, da ngăm đen theo từng mùa nắng bươn chải ruộng đồng. Để nói mấy cái lời này với tía, cũng dễ chừng ba đêm rồi nó trằn trọc thao thức.

Hổng phải nó cạn nghĩ mà buông xuôi, nhưng suy cho cùng, dù nó nhặt nhạnh bao nhiêu thứ hay giỏi, mới lạ trên lớp học, niềm vui đó chắc không thể khỏa lấp được nỗi lo đau đáu ruột gan dành cho tía.

Song Lang còn cả chặng đường dài của tuổi trẻ, còn tía, đâu bao nhiêu năm nữa. Rồi tía cũng như những cánh ô môi muộn mằn một mùa hoa, mà rụng lã chã xuống triền sông này, theo con nước vơi đầy về với phù sa sông quê. 

Hồi tuần trước, nó đưa tía lên huyện khám, ông bác sĩ trẻ thở dài, đưa nó ra một góc riêng, nói mắt tía mờ dần rồi, cái tuyến lệ của tía bị thoái hóa, giờ võng mạc kết một màng trắng đục, nguy cơ tía mù cao lắm. Song Lang nghe tay chân mình rụng rời. 

Nó giấu bặt chuyện này, chẳng dám nói tía nghe, chỉ ừ hử dặn tía thường xuyên nhỏ thuốc với ngủ nghỉ đầy đủ sẽ lại thấy rõ như xưa. 

Nhưng tía đâu có nghe lời Song Lang. Tía vẫn hằng đêm ra bến sau ngồi kéo đờn, bao năm rồi vẫn vậy. Khắp cái miệt này, ai cũng gọi tía là ông Cò Líu. Tiếng đờn của tía vang xa, vút theo từng ngọn gió, trôi trên từng con nước, len lỏi từng rặng bần mà in hằn tâm trí người dân nơi đây. 

Tía chỉ còn mỗi cây đờn cò bầu bạn sớm hôm. Khi vui tía đờn bài Bắc, nhịp nhanh, ngân ít, nghe xôn xao cả vùng sông nước. Bữa nào buồn, tía kéo bài Nam, âm điệu nhặt khoan, dìu dặt theo từng cơn gió lùa. Những mùa ô môi nhuộm hồng khúc sông, tía đờn bài Oán, cho đến cạn mùa ô môi, vẫn chỉ là bài Oán mà thôi. 

Khi thì Văn Thiên Tường, khi thì Bình sa lạc nhạn. Chừng ngó tán cây chỉ còn lơ thơ vài bông trổ muộn, tía đờn Trường tương tư. Bài Oán của tía nghe âu sầu, rầu rĩ tâm can. Lại thêm những lần tía kéo lên líu, rồi miết dây đờn, cái ngân nó da diết khắc khoải, như ai cào ai xé lòng dạ. 

Mà tía có đờn bài Nam, bài Bắc hay là bài Oán, thì người ta vẫn nói, tiếng đờn tía buồn rười rượi, buồn như phận người cơ cầu của miệt bưng biền này. Nói cho chính xác là buồn như đời tía vậy.

Có lần, Song Lang đem cái câu người ta nói về hỏi tía, tía ngoảnh nhìn phía bên kia sông, nơi đám bần lào xào theo gió. Ờ thì đời tía buồn lắm! Mà buồn hay vui thì vẫn phải sống mà con. Niềm vui có cái hay của nó. Nỗi buồn cũng có cái quý của nó. Lòng mình nặng hay nhẹ là do mình. 

Vong khuc tuong tu

***
Song Lang neo xuồng vào gốc bần bên này sông, một chiều muộn tháng tám, hoàng hôn lịm tím cả triền sông. Mai Út Thà lên Sài Gòn học, chỉ còn mỗi buổi này hai đứa ngồi với nhau. 

Ngày cầm giấy báo đậu đại học, Song Lang hớn hở mừng cho cuộc đời của đứa con trai côi cút. Ai dám nghĩ đứa trẻ ngày xưa bị bỏ rơi ngoài cổng đình làng được tía thương mà đem về dung dưỡng. Nghèo khổ giăng tứ bề với cái nghề xướng ca rày đây mai đó mà tía vẫn nguyện lòng bảo bọc nó đến tận bây giờ. Dường như ý thức được cái hẩm hiu phận mình nên nó cứ cùi cụi mà lớn khôn, chẳng lần nào dám ốm đau ngặt nghèo.

Chuyện tía vun vén cho nó ngày hai buổi tới trường đã là cả một đoạn trường cam khổ. Giờ bắt tía nuôi nó thêm bốn năm trên cái đất đô hội phồn hoa, đắt đỏ bậc nhất đó, liệu sức tía có gồng gánh nổi.

Tía già rồi, bận trái gió trở trời xương khớp tê buốt, thêm cái bệnh mắt thoái hóa bắt đầu chuyển nặng. Vậy nên nó đành nói dối, chẳng công sinh nhưng là công dưỡng, giờ nó ở lại cái miệt bưng biền này, cày sâu cuốc bẫm rồi cũng qua một đời người. Chỉ mong với tía những ngày heo may giăng ngang quãng đời xế bóng được phần an nhàn, thanh thản vui đùa cùng ngón đờn.

Bữa nó nói cho Út Thà nghe quyết định của mình, Út Thà khóc nhiều, không nói không rằng quay vào nhà, bỏ nó đứng mình ên ngoài bến, mưa quất ràn rạt vô mặt nó, cay xè khóe mắt. 

Mấy con le le gọi bạn mùa nước nổi, xao động cả khúc sông quê. Út Thà vẫn hổng chịu nói gì, cứ mân mê cái vạt áo, rồi nhìn miết mấy bông lục bình ngan ngát tím đang lững lờ xuôi theo con nước. 

- Út Thà lên đó, nhớ giữ gìn sức khỏe nha, nhớ học thiệt giỏi nghen, ờ nhớ rảnh rảnh về thăm nhà, thăm… ờ thì thăm…

Song Lang bỏ lửng câu nói, không dưng nó nghẹn nơi cuống họng. Song Lang bên kia sông, Út Thà bên này sông. Tuổi thơ hai đứa là những ngày bì bõm chung một dòng, lớn ròng con nước vẫn đều đặn í ới nhau.  

Có lần, mùa mưa, đường đê trơn ướt, Út Thà không may té xe, trầy xước tay chân. Nhìn Út Thà khóc, Song Lang nghe tim mình thắt lại, nhói ruột nhói gan. Năm đó nó mười sáu và dưới gốc bần này, Song Lang đã nói, trọn cuộc đời mình, nó sẽ chẳng bao giờ để Út Thà khóc nữa. 

Vậy nên, giờ Út Thà đừng khóc nghen. Út Thà cứ đi đi, trên đó còn có nhiều thứ mà Út Thà từng mơ ước. Song Lang ở lại đây, sẽ chờ Út Thà mang cái ước mơ đem con chữ về miệt bưng biền này, đám trẻ làng mình chẳng còn phải qua năm ba cây cầu lắt lẻo, thêm mấy đoạn đường đê heo hút mà tới trường nữa. 

Út Thà đừng khóc. Cuộc đời này, đâu chỉ duy nhất cánh cửa đại học mới dẫn người ta vào đời được. Còn nhiều con đường. Chỉ cần mình sống tốt, trọn vẹn niềm tin vào chính mình, thì mọi con đường đều dẫn mình về những tháng ngày bình yên. 

Song Lang là đứa con của ruộng đồng sông nước, nên tận sâu trong tâm khảm vẫn tin rằng, sông lắm phù sa, rồi đời cũng nở hoa bốn mùa.


Út Thà đưa cho Song Lang cái áo sơ-mi màu nâu đất, nó hì hụi tập may cả tuần nay, từ bữa Song Lang đứng mình ên dầm mưa. Cô Tư Lành nói, đất thủy chung lắm, trọn vẹn nghĩa tình với người, muôn đời chẳng bạc với ai. Mà hổng biết Song Lang có hiểu ý nó muốn nói gì không ta?

Ờ còn cái này, là cô Tư Lành gửi tía Song Lang nghen, khô trâu gác bếp, cô Tư Lành nói, tía thích lắm. Cô Tư còn dặn, tía đừng đờn khuya lơ khuya lắc nữa. Mỗi lần đờn rớt dây xề là cô biết tía ho. Rồi cô ngập ngừng: “… Mỗi lần tía bây đau là cô cũng thấy đau đau trong bụng…”.

Song Lang cho xuồng về lại bến nhà, bóng Út Thà thấp thoáng bên rặng bần. Trăng bắt đầu nhú lên mấy ngọn cây. Đêm thốc gió sông, lành lạnh.

Vong khuc tuong tu

***

Cô Tư Lành kéo Song Lang ngồi xuống sạp may, khi gặp nó giữa chợ. Cô ngoài bốn mươi nhưng vẫn đằm thắm nét mặn mà hồi con gái. Người ta nói cô đẹp nhất làng. Thời con gái, bao đám ngấp nghé nhưng cô chẳng ưng, nghe nói là lỡ đem lòng thương ai đó. Chừng đâu có ông kỹ sư con nhà danh giá từ miệt Rải Quạt lên dạm hỏi, bà Năm Trà mới gả cô.

Nhưng nghe đâu, bữa theo chồng cô buồn lắm. Biền biệt xa xứ ngót chừng hai chục năm, cô về lại quê mình, sau khi chồng ra đi vì bệnh tật. Cô không có con. Chồng lại đèo bòng, nên cô nhường tất thảy của nả, chỉ xin ba má chồng cho hồi gia phụng dưỡng mẹ già. 

Cô kê cái bàn máy may giữa chợ, nhận may vá cho dân trong làng. Được cái tay nghề khéo, nên khách khứa cũng nhiều. 

- Rồi bác sĩ nói sức khỏe tía bây sao? Ổng có ăn khô trâu gác bếp hông?
- Tía để dành, lâu lâu nướng lên xé ăn với cơm. Còn mắt tía hết chữa rồi, giờ thấy lờ mờ, tối trời là hổng thấy gì ráo cô Tư ơi.

Cô Tư Lành dúi mớ bông điên điển vàng ươm đầu mùa nước nổi với mớ tép đồng tươi mơn mởn cho Song Lang, không quên dặn nó nấu món canh chua mà tía thích. Cô thở dài như một buổi chiều. Chợ sớm đông người rào rạo tiếng nói cười, mà lòng cô sao lặng ngắt, trĩu một niềm riêng.

Bận Út Thà chắc nịch nói, cô Tư còn thương tía lắm. Mỗi lần nghe tiếng đờn của tía, cô lại lần ra bến mà đắng đót, cái duyên nợ dở dang phận mình. Có lần cô Tư nói với Út Thà, cả đời này cô nợ tía một ân tình.

Cuộc đời mỗi người, chỉ cần một đoạn ngắn thôi, sống trọn vẹn với lòng mình đã là đủ đầy hạnh phúc. Nhưng đã là số phận rồi, cô Tư với tía cách một con sông, thuyền đã rời bến mà không sang đúng bờ.

***

Tía bỏ dở đôi đũa, thở dài, lấy giọng, thanh âm trầm buồn. 

- Tía đặt cho bây cái tên Song Lang là vì trong dàn đờn, dù chỉ là dụng cụ gõ nhỏ xíu thôi nhưng song lang nắm giữ trường canh, giữ nhịp bài bản. Tất thảy thầy đờn đều phải nghe nhịp song lang mà vào bài hay dứt bài. Nói cho dễ hiểu, song lang quan trọng nhất trong dàn đờn, là mạch sống của dàn đờn.

Sao tự dưng nay tía là lạ vậy cà. Song Lang buông chén cơm xuống. Nào giờ nó hay thắc mắc sao tía đặt cái tên cái quê trớt, lại kiểu ủy mị yếu đuối, mà đâu dám hỏi. Nhiều bận, bị mấy đứa bạn học chọc ghẹo vì cái tên, nó chỉ biết cáu gắt trả lời, tại tía nó làm thầy đờn, tía thích thì đặt. Giờ nó mới biết cái ý nghĩa của tên mình. Hay tía muốn nói cho nó hiểu, với tía, nó chính là thứ quý giá và quan trọng của cuộc đời. 

- Tía cho người ta thuê công ruộng mần, con lên Sài Gòn mà học đi. Chuyện bây vì tía mà nói dối rớt đại học tía biết rồi. Sớm bây đi ruộng, bà Năm Trà với cô Tư Lành có qua nhà.

Song Lang trố mắt nhìn tía. Hóa ra Út Thà lên Sài Gòn rồi điện về cho bà Năm, kể sự tình của Song Lang. Nó ướm lời xin bà Năm chuyện tía với cô Tư Lành. Thời gian nhập học còn hơn chục ngày, còn kịp để Song Lang thực hiện cái ước mơ đời mình.

Chuyện đời nghĩ cũng lạ kỳ, lắm khi đối diện hằng ngày, vẫn không dám mở lời nói ra cái điều tâm nguyện. Vậy mà khi xa, chỉ bằng cú điện thoại, cảm xúc dồn nén vỡ ra, lại dễ dàng bộc bạch tấc lòng. Phải chăng khi đối mặt, nhìn vào nhau, lời lẽ khó thốt lên? Đám trẻ như Song Lang, như Út Thà, hình như bây giờ đều có thói quen lạ kỳ đó. 

Nếu đã là thương, thì trọn cuộc đời cũng cứ thương. Giờ xế bóng heo may, hổng lẽ để tiếng đờn mãi thắt thẻo bên kia sông. Còn bên này sông, lại thêm một người dằn vặt xót xa.

Ai cũng chỉ có duy nhất một cuộc đời để sống và để thương. Vậy nên, sau khúc tương tư người ta mới nghĩ ra cung thương hòa điệu, để thêm tin tưởng vào điều nhân nghĩa, duyên lành ở đời.

Vong khuc tuong tu


Bà Năm Trà có nói với tía, vài ngày nữa giỗ ông Năm, tía qua rồi thắp nén nhang, coi như ra mắt gia tiên để cô Tư Lành sang sông về với tía, coi như bầu bạn tuổi già. 

Rồi Song Lang lên Sài Gòn mà tiếp tục con đường tương lai, thêm cái trọng trách chăm nom phụ đứa cháu gái cưng của bà Năm Trà. Vẹn cả đôi đường. 

Trời nhá nhem tối, trăng treo chòng chành qua mấy ngọn bần. Tía lại ra sông đờn. Cả khúc sông vọng vang bài Bắc, Loan phụng hòa minh, điệu réo rắt, nhịp dồn nhanh. Gió quyện tiếng đờn bềnh bồng vút cao.

Trúc Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI