Vô nhiễm với tiếng ồn

27/11/2021 - 05:49

PNO - Hàng xóm hát karaoke ồn ào, vậy mà tôi vẫn giữ tĩnh lặng cho lòng mình được. Đó là nhờ một vài bí quyết.

Nhà đối diện với nhà tôi đang xây.  Buổi trưa, thợ nghỉ một chút ăn cơm xong lại làm tiếp. Tiếng búa tiếng đinh chan chát, tiếng máy trộn bê tông lào rào, tiếng gọi nhau í ới chuyển gạch, chuyển hồ lên cao… rộn rã. Thời gian này, tôi vẫn còn làm việc tại nhà. Ai làm gì thì làm, tôi vẫn làm việc, vẫn tập thiền, vẫn hái rau, nấu ăn và ngủ trưa đúng giờ… không để ý những tiếng động trước nhà.

Tôi thậm chí cũng không thấy phiền hà hay khó chịu gì. Tôi còn thấy những anh thợ xây, những chị phụ hồ thật đáng yêu vì tinh thần hăng say lao động của họ. Để có một trạng thái vô nhiễm với tiếng ồn như vậy, tôi đã thực hành từ rất lâu. 

Cách đây năm năm, lúc tôi mới bắt đầu tập tành thiền tĩnh lặng, hàng xóm mở karaoke tối ngày. Phải mất cả tháng, tôi giải quyết sự khó chịu của mình với mớ câu hỏi luẩn quẩn trong đầu: “Sao họ lại mở to thế? Ồn vầy sao chịu nổi đây? Sao không để người khác yên? Hát cho tới bao giờ đây? Làm sao mình tập trung? Sao mà ngủ được…”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Tôi tự giải thích cho chính mình rằng đó là cách họ giải trí trong cuộc sống bộn bề; rằng tiếng hát như là cách họ chia sẻ những nỗi niềm của họ; rằng họ có quan điểm riêng, lý do riêng cho việc làm của họ...

Có thể họ nghĩ nhiều người cũng thích nghe karaoke giống họ nên họ mở thật to, nghe cho hay, cho “đã”. Có thể họ nghĩ đang góp vui cho hàng xóm. Có thể họ muốn thử loa. Có thể họ nghĩ chỉ hát một chút thôi... Tôi biết trong mỗi người đều có những ý định tốt đẹp, rằng ai cũng mong muốn bình yên, yêu thương, hạnh phúc. 

Nhưng sao tôi thiền được trong lúc ồn ào thế? Tôi thực hành sức mạnh tập trung, tập trung vào một suy nghĩ nào đó, ví dụ: “Tôi bình an và tôi chỉ lan tỏa những suy nghĩ bình an”. Cùng với việc hình dung về sự bình an, một mặt hồ phẳng lặng, khung cảnh làng quê, hình ảnh tôi lúc nhỏ vui chơi một mình trong vườn nhà ngoại...

Hoặc tôi sử dụng ngay chính những lời hát làm lời dẫn thiền. Khi họ hát bài về mùa xuân, tôi hình dung về một “thiên đường” trên quả đất. Khi họ hát những bài buồn, tôi gửi lời chúc lành cho họ: “Đó chỉ là ca từ. Bạn đang rất ổn mà”.  

Bằng việc dẫn dắt, lèo lái suy nghĩ của mình, tôi không để trạng thái bị ảnh hưởng. Tôi giữ mình độc lập với tình huống. Bài hát buồn, người hát buồn hay phấn khích, tôi vẫn giữ mình ổn định. 

Tôi chẳng tạo ra suy nghĩ tiêu cực nào cho họ, cũng chẳng ghét họ, nên chẳng có mâu thuẫn nào được tạo ra. Tôi cũng chẳng bị xáo trộn cảm xúc, tôi vẫn thiền tốt và ngủ ngon. 

Khi không thay đổi được hoàn cảnh, ta cần xem chúng như một phần của cuộc sống, cần thời gian hòa giải với chính mình để không tạo ra bất kỳ suy nghĩ lãng phí, tiêu cực nào. Sự ồn ào bên trong bắt đầu khi ta để những tiếng ồn bên ngoài đi vào đầu bằng việc suy nghĩ về nó, thắc mắc về nó, trách móc hay chỉ trích nó. Sự ồn ào bên ngoài sẽ không còn là gì nếu ta yên bình. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Lúc tôi học lớp Bảy, có đám thanh niên tụ tập trước nhà nói chuyện om sòm khi đêm đã khuya. Tôi định ra nói chuyện phải quấy với họ nhưng không dám, chỉ nằm tức bực mà không ngủ được. 

Ngày xưa, tôi cố thay đổi người khác để mình yên thân. Ngày nay, tôi thay đổi chính mình, tôi không cố thay đổi tình huống hay người khác làm gì nữa. Người khác và tình huống ở ngoài tầm kiểm soát của tôi. Chỉ có duy nhất một thực thể tôi có thể kiểm soát được chính là suy nghĩ của mình.

Ngân Thạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI