Vì sao trẻ em dưới 5 tuổi vẫn chưa được tiêm ngừa COVID-19?

22/01/2022 - 16:45

PNO - Mặc dù vắc xin hiện đang được thế giới xem là một giải pháp hàng đầu để ứng phó với COVID-19, nhưng vì nhiều lý do, hầu hết các quốc gia vẫn còn đang rất thận trọng trong việc triển khai tiêm ngừa cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Điều này đã tạo thêm không ít áp lực lên các bậc cha mẹ, khi vừa phải bảo vệ cho con nhỏ an toàn, tránh sự lây nhiễm, vừa phải chăm sóc các bé tại nhà khi các trường học và nhà trẻ phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch.

hầu hết các quốc gia vẫn còn đang rất thận trọng trong việc triển khai tiêm ngừa cho trẻ em dưới 5 tuổi
Hầu hết các quốc gia vẫn còn đang rất thận trọng trong việc triển khai tiêm ngừa cho trẻ em dưới 5 tuổi

Theo các chuyên gia y tế, so với người lớn, trẻ em dưới 5 tuổi ít có nguy cơ bị bệnh nặng hay tử vong khi nhiễm COVID-19 hơn. Nhưng hiện tại, biến thể Omicron đang khiến số trẻ em phải nhập viện tăng vọt ở nhiều nước.

“Mặt khác, do trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương trước nhiều loại dịch bệnh khác, việc nhiễm COVID-19 cũng có thể khiến các bé có diễn biến nghiêm trọng và cần được điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, chúng ta hy vọng sẽ sớm có vắc xin phù hợp cho trẻ ở độ tuổi này”, bà Elizabeth Lloyd - một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng C.S. Mott thuộc Đại học Y khoa Michigan cho biết.

Từ đầu tháng 11/2021, Mỹ đã phê duyệt sử dụng vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ em trên 5 tuổi. Vào thời điểm đó, nhiều người hy vọng sẽ sớm có các loại vắc xin phù hợp với trẻ dưới 5 tuổi.

Nhưng đến giữa tháng 12 năm ngoái, Pfizer và BioNTech đã tiết lộ rằng các thử nghiệm lâm sàng của họ đã mang lại kết quả đáng thất vọng. Và các công ty này đã quyết định thêm liều thứ 3 vào liệu trình tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi - một động thái làm kéo dài thời hạn cấp phép sử dụng vắc xin cho nhóm này.

Tuy nhiên, bà Lloyd cho rằng các bậc cha mẹ có thể yên tâm về một điều - đó là sự chậm trễ không có nghĩa là vắc xin không an toàn, vì các công ty hiện vẫn đang nỗ lực để làm cho vắc xin có hiệu quả nhất đối với trẻ dưới 5 tuổi. Theo bà, có một số nguyên nhân sau đây khiến cho việc phê duyệt vắc xin COVID-19 cho nhóm này đang bị chậm.

Pfizer và BioNTech bắt đầu thử nghiệm vắc xin cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi vào đầu năm năm 2021, và đưa ra lý do để tin rằng tất cả trẻ em đều có thể tiêm vắc xin vào cuối năm này. Nhưng sau một nghiên cứu với liều lượng nhỏ, các công ty nhận thấy liều 10 microgram mà trẻ lớn nhận được đã gây ra nhiều tác dụng phụ hơn ở nhóm trẻ nhỏ hơn, nên cuối cùng đã quyết định sử dụng 2 liều nhỏ hơn cách nhau 21 ngày cho nhóm trẻ.

Bà Kristin Moffitt - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Boston - cho biết mặc dù liều lượng thấp hơn đã làm giảm tác dụng phụ của vắc xin ở trẻ nhỏ, nhưng liệu trình tiêm 2 liều nhỏ như vậy dường như đã làm giảm bớt khả năng miễn dịch do vắc xin tạo ra.

Ngoài ra, mặc dù Pfizer và BioNTech đã tuyên bố vào tháng 12 năm ngoái rằng vắc xin liều thấp là an toàn và đã tạo ra phản ứng miễn dịch đầy đủ cho trẻ em dưới 2 tuổi, nhưng các công ty lại xúc tiến việc xin phép sử dụng khẩn cấp cho nhóm tuổi này. Theo bà Moffit, lý do có thể là Pfizer và BioNTech muốn đợi cho đến khi có thêm dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả trong nhóm trẻ từ 2 đến 5 tuổi, trước khi làm điều này.

Pfizer và BioNTech hiện đang nghiên cứu tác dụng của liều thứ 3 có khối lượng 3 microgram, được dùng ít nhất 2 tháng sau liều thứ 2, cho trẻ từ 2 đến 5 tuổi.

Trong khi đó, Moderna đang thử nghiệm liều lượng vắc xin cao hơn cho trẻ em trong độ tuổi này. Tháng 3/2021, công ty cho biết sẽ thử nghiệm 2 liều 50 hoặc 100 microgam cách nhau 28 ngày đối với trẻ từ 2 đến 12 tuổi. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, công ty cũng sẽ thử nghiệm với liều 25 microgam. Sau đó, công ty sẽ chọn liều lượng tốt nhất và mở rộng nghiên cứu. Nhưng đến nay, Moderna vẫn chưa có công bố về thử nghiệm này.

Về phía Moderna, công ty cho biết dự kiến ​​sẽ báo cáo dữ liệu thử nghiệm trên trẻ em từ 2 đến 5 tuổi vào tháng 3 năm nay, và sẽ xin phê duyệt sau đó. Nhưng bà Moffitt dự báo, sớm nhất thì đến tháng 4 việc này mới diễn ra.

Vì vậy, trước khi vắc xin được chính thức phê duyệt cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bà Lloyd khuyên các gia đình cần đảm bảo rằng tất cả các thành viên đã được tiêm chủng và tiêm tăng cường, nếu đủ điều kiện, nhằm để bảo vệ trẻ nhỏ. Ngoài ra, mọi người trong gia đình cũng nên tuân thủ các quy định an toàn phòng chống COVID-19 như khử khuẩn, giãn cách xã hội và thường xuyên đeo khẩu trang.

Nhất Nguyên (theo National Geographic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI