PNO - PN - Căn nhà cấp bốn có hàng rào râm bụt nằm giữa đồng ở ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM, ngày ngày chỉ có hai người phụ nữ cùng… ngồi bó gối thủ thỉ tâm tình. Nhờ vậy mà bà Trần Thị Tư và cô con gái Nguyễn...
edf40wrjww2tblPage:Content
NGHỊCH CẢNH
Sinh sáu người con thì có đến ba người bất bình thường: cô con gái thứ hai và cậu con trai thứ tư tâm thần ngơ ngẩn, cô con út hồi chín tháng tuổi bị sốt bại liệt, không tự chăm sóc được bản thân, cuộc sống của bà Trần Thị Tư (sinh năm 1941) tưởng như không có gì khó khăn hơn nữa… Nhưng, đó là khoảng thời gian bà còn có chồng, ông Nguyễn Văn Tám, cùng làm thuê làm mướn lo cho các con.
Ông Tám siêng năng, ai mướn gì làm nấy, miễn có tiền mang về cho vợ mua gạo. Công việc giúp ông “nổi tiếng” ở Bình Chánh là nghề sơn nhà cửa. Nhờ khéo tay, nhiều người thuê ông sơn sửa cho các công trình nên thu nhập khá ổn định. Khi có việc làm nhiều, ông còn dẫn con trai lớn theo phụ. Ngày có việc ông đi làm, ngày không ai mướn, ông dẫn con đi mò cua, bắt ốc. Nhờ ông siêng năng, tháo vát, bà Tư chỉ cần lo vườn tược, đàn gà quanh nhà, chăm những đứa con ngơ ngẩn. Trong ba con bị bệnh, chỉ mỗi Giang là hiền lành, nhưng vì Giang không tự đi đứng, vệ sinh được, nên mọi việc đều cần bàn tay của mẹ.
Có lần bà Tư đi chợ, ba anh chị lớn tới trường, bỏ Giang ở nhà, cô té úp trong nhà vệ sinh. Mẹ về, Giang đã thâm tím mặt mày. Chị lớn và người anh thứ tư Nguyễn Hữu Phúc thì cứ ngồi nghệch mặt ra nhìn em mà cười. Bà Tư bật khóc: “Không biết lúc đó bao nhiêu tủi hờn ở đâu cứ tuôn ra. Thấy tôi khóc mãi, Giang ráng bò dậy, lết tới chân tôi: “Má ơi! Má ráng tập cho con đi nghe má”. Nhìn ánh mắt khẩn thiết của con mà lòng tôi đau như cắt”.
Vậy là bà Tư tập cho Giang đi, nhưng các cơ yếu ớt, tập hoài chẳng được. Nhiều lần không có má, Giang cũng cố vươn tay, kéo ghế bàn, tập đứng dậy nhưng không chịu nổi tấm thân nặng, cô bật té, rồi giận mình, Giang đạp tung tất cả đồ đạc. Cảnh em gái ngo ngoe giữa nhà được người anh tâm thần lấy làm trò vui khiến người mẹ thêm đau đớn. Bà Tư quyết tâm phải chữa trị cho con gái. Bà đưa Giang ra xã, nhờ địa phương hướng dẫn đến bệnh viện, rồi ai chỉ thầy nào hay, thuốc nào tốt, bà đều bế con đi tìm. Tuy không thầy nào chữa hết bệnh cho Giang, nhưng nhờ có mẹ, Giang được vươn người ra khỏi vườn nhà. Chị được chính quyền quan tâm, cho chiếc xe lăn, tạo điều kiện để chị hòa nhập cùng cộng đồng người khuyết tật của địa phương. Giang ít khóc hơn và biết tự mình chăm sóc những việc nhỏ nhặt như rửa mặt, đánh răng, ăn uống…
Từ không tự chăm sóc bản thân, giờ Thanh Giang đã "lo" được luôn phần chăm sóc má
TRỜI THỬ LÒNG NGƯỜI
Năm Giang 19 tuổi, ông Tám bị tai biến nằm liệt một chỗ. Nhà đã khó, càng thêm khổ. Ba người con đầu lập gia đình, ở riêng. Người con gái thứ hai bỏ nhà đi, nhà chỉ còn bà Tư, Giang và Phúc. Phúc rất thương mẹ và em, nhưng vì khờ khạo, làm gì giúp mẹ cũng không xong. Tội nghiệp con, bà không la rầy Phúc mà cố gắng dạy con cách trông giữ ba và chăm sóc em gái. Từ lúc chồng bệnh, bà Tư bắt đầu đi làm mướn cho những nhà xung quanh. Cũng như chồng, ai gọi làm gì bà làm nấy.
Bà nói: “Trời còn thương, dù ông ấy bị tai biến, nhưng tôi còn làm được để lo cho ông ấy và các con”. 12 năm ông Tám nằm liệt một chỗ cũng là khoảng thời gian Giang và Phúc đều tự vượt lên chính mình. Phúc chống sào đi hái chuối, rọc lá để má mang ra chợ bán. Giang có thể tự bò, lết, vệ sinh thân thể và đút cơm cho ba ăn. Ba người con khỏe mạnh, lâu lâu tạt về, cho bà Tư vài chục ngàn đắp đổi…
Cách đây mười năm, Giang được chính quyền địa phương ưu tiên cho nhận trợ cấp theo Nghị định 67, mỗi tháng được 240.000đ, đó là khoản thu nhập ổn định nhất của cả nhà. Giang chứa chan hy vọng: “Coi như em phụ đỡ má được một tay”.
Bà Tư ngậm ngùi: “Không biết có phải vì bị dồn xuống tận đáy cuộc sống nên tụi nhỏ có sức bật dậy hay sao mà đứa nào cũng khá hơn hồi trước”. Giang bắt đầu tập nấu cơm từ năm 25 tuổi. Những lúc má đi chợ, không bê nổi nồi cơm, Giang lấy từng lon gạo xúc đổ vô, rồi khua khoắng nước, từ từ kéo nồi về cạnh bếp, réo ầm ĩ gọi anh Tư đến bắc nồi cơm lên. Phúc hay giận dữ, đập đồ đạc, nhưng từ lúc thấy Giang biết lo nấu cơm, anh cũng lành hơn, biết phụ giúp em. Ngày nào má đi bán, hoặc đi làm về trễ, Phúc và Giang lo cho ba ăn. Hai năm trước ông Tám mất sau một cơn tai biến tái phát.
Năm 2013, Phúc bỗng dưng hết hẳn bệnh tâm thần, xin anh Ba giới thiệu cho đi làm. Khỏi phải nói, cả nhà mừng đến thế nào. Được tin con trai đã xin được việc, đi làm, bà Tư lóng ngóng… bị trượt chân, té gãy cổ xương bàn chân, phải băng bột gần sáu tháng. Phúc đi làm về, thấy má như thế, trách: “Mới nghe con đi làm, má đã đổ bệnh ra rồi. Giờ má yếu vậy, làm sao con yên tâm giao nhà cho má coi chừng em Giang?”. Bà Tư cười, mắng yêu con: “Mồ tổ cha mày, tại má mừng quá chớ sao! Ừ, má hứa từ giờ má ráng khỏe, để bây yên tâm đi làm lo cho em”.
Biến đổi kỳ diệu nhất là từ sau sự cố má bị gãy chân, bó bột, bỗng nhiên Giang… bật dậy được, không chỉ tự chăm sóc bản thân mà còn có thể lo cơm nước trong nhà, chăm sóc má, để anh Phúc không phải lo lắng khi rời khỏi nhà. Bà Tư rưng rưng: “Trời cũng có mắt, không nỡ bít hết đường mình đi”. Cho dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng với gia đình bà Tư, vượt qua bao bất hạnh, có được ngày hôm nay đã như một giấc mơ…
Dẫn tôi đến thăm nhà bà Tư, bà Lê Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Chánh, người “đồng hành” nhiều năm với những khó khăn của gia đình bà Tư vẫn tự hỏi: “Sao mọi điều ở nhà này biến chuyển kỳ diệu quá? Thật không thể nào ngờ người như Giang có thể tự vận động, nấu cơm, chăm mẹ. Không ngờ đứa khờ mấy chục năm như Phúc, giờ biết đi làm, lương mỗi tháng gần hai triệu đồng… Phải chăng sự nỗ lực, lòng thương con của bà Tư chính là phương thuốc kỳ diệu giúp những người con của bà hết bệnh?".