Về đi, có người đang chờ cửa

08/02/2024 - 15:12

PNO - Phần lớn sự nuối tiếc của những đứa con với đấng sinh thành nằm ở chỗ: chúng ta đã không về với cha mẹ nhiều hơn và về thì không dành thời gian chất lượng bên cha mẹ.

 

Một chiều cách đây mấy năm, khi tôi đang len lỏi giữa dòng xe tan tầm thì điện thoại rung. Là mẹ tôi gọi nhắc: “Chở con bé về ăn cơm!”. 

Tôi ngẩn ra, làm sao tôi có thể đưa con về ăn cơm với ông bà ngoại khi đang cách quê nhà hơn 1.600km?

Tôi nhớ mãi cảm xúc khi ấy, nỗi xót xa loang ra. Vậy là mẹ tôi đã lẫn, bà không thể phân biệt được không gian và thời gian. Bà không nhớ tôi đã chào bà đi Sài Gòn trước đó mấy ngày. Bà nghĩ tôi chở con rong chơi trên con đường gần nhà, cơm chín thì gọi về…

Trước đó, chị gái tôi đưa con sang chơi từng kể mẹ không nhận ra những đứa cháu. Bà hay thình lình hỏi: “Đứa nào đây?”, “Sao lại có thanh niên nào ngồi xem ti vi trong nhà mình thế này?”. Ba tôi thì “mách” bà giấu chìa khóa cửa, giấu thuốc uống, giấu tiền… khiến ông khốn khổ đi tìm. 

Tết năm ngoái, tôi về đưa mẹ đi làm tóc chiều cuối năm. Mẹ vui lắm, ngồi thư giãn khi cô thợ chải, sấy; thỉnh thoảng bà quay sang cười với tôi: “Sao con biết mẹ ở đây mà vào?”. Tôi giải thích nhiều lần rằng chính tôi vừa đưa bà đến nhưng chỉ vài phút sau, bà tiếp tục lặp lại câu hỏi. Tôi nghĩ, ký ức gần của mẹ tôi bị xóa, hiện tại của bà được đặt trong một hoàn cảnh thực nhưng đã xa xôi, như việc gọi tôi về ăn cơm; việc mẹ đi làm tóc chỉ một mình, sao tôi lại có thể tìm ra bà trong đó…

Khi ấy, tôi nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn có người cha già hỏi đứa con trai 21 lần cùng một câu: “Con chim kia là chim gì?” khi họ ngồi trước hiên nhà. Sau vài lần kiên nhẫn trả lời và giải thích, anh con trai đã nổi cáu… Cuối cùng, người cha buồn bã nhắc chuyện lúc người con chỉ là cậu bé lên 3, cậu cũng hỏi ông những câu lặp đi lặp lại hàng chục lần như thế nhưng ông chưa khi nào không mỉm cười với cậu.

Quê xa, hằng năm cứ cách tết chừng 2 tháng, chúng tôi đã xôn xao: “Tết có về quê không? Mua vé chưa? Vé đắt không?”. Những năm gần đây, câu trả lời của tôi với chúng bạn luôn là: “Về chứ, tranh thủ được là về, không cứ gì phải tết”. Tôi và các chị em cảm nhận rất rõ rằng thời gian bên mẹ không còn nhiều nhưng không phải ai cũng có thể thu xếp cuộc sống riêng để về nhà với mẹ. 

Việc mẹ tôi yếu dần có thể hình dung theo bước chân bà đi bao xa. Mùa hè rồi tôi về thăm, mẹ vẫn ngồi sau xe theo ba tôi ra bến xe tiễn tôi. Hồi mùa thu, mẹ chỉ có thể ra đến cổng nhìn tôi lên xe ôm đi ra bến. Còn mùa đông này, mẹ đã không thể ra cửa. Chị tôi chở tôi ngược gió lạnh ra bến xe. Chúng tôi đều đeo băng tang trên áo, lòng ngập tràn niềm hối lỗi, xót xa.

Phần lớn sự nuối tiếc của những đứa con với đấng sinh thành nằm ở chỗ: chúng ta đã không về với cha mẹ nhiều hơn và về thì không dành thời gian chất lượng bên cha mẹ. Như chuyến về nhà mùa thu, tôi dự tính bóp vai, ấn huyệt cho mẹ để thử nghiệm bài mát xa vừa học trên mạng nhưng do phải “chạy deadline”, tôi đã ôm máy tính gõ cả ngày, chỉ chạm vào người mẹ qua quýt.

Trong gia đình tôi (và hầu hết các gia đình quê tôi), mọi người không có thói quen tỏ bày cảm xúc, hiếm ai biết nói với ai lời yêu thương, dù là cha mẹ con cái đi nữa. Sau khi có con và được con ôm hôn mỗi ngày, tôi đặt kế hoạch từng bước học cách chạm vào người thân và biết thể hiện tình cảm bằng lời. Vượt qua những ngượng nghịu ban đầu, thật may, cuối cùng tôi đã có thể thoải mái nắm tay và ôm mẹ… 

Cha mẹ già như ngọn đèn sắp cạn dầu, ngọn gió nhẹ thổi qua cũng khiến ta thảng thốt. Trước đây, trong kế hoạch cuộc đời, tôi từng nghĩ tới việc mua mảnh đất nhỏ, dựng mái nhà xinh ở quê để tiện thăm cha mẹ. Bây giờ, mong ước ấy càng dội lên mạnh mẽ, bởi tôi biết mình chỉ còn người cha già chờ cửa, chờ cơm. Nếu trì hoãn, những dự định tốt đẹp có thể mãi mãi không thành…

Châu Giang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI