Va chạm để lớn lên

29/01/2021 - 15:40

PNO - Con tôi đánh bạn. Tôi lo lắng, hồi hộp chờ phản ứng từ phía phụ huynh của cậu bé...

Ngày nọ, con trai tôi lại “ngứa răng” ôm cắn cậu bạn thân 3 phát, khiến cánh tay thằng nhỏ bầm tím.

Cậu bạn cũng thuộc dạng lì đòn, không hề hé răng mách cô, nên giáo viên chẳng hề hay biết. Biết chuyện, tôi dẫn con đến bắt con xin lỗi bạn ngay trước mặt mẹ thằng bé. Chị ấy chỉ cười xòa: "Con nít con nôi. Rồi mai chúng lại quàng vai bá cổ bình thường chị ạ. Không sao đâu!". 

Trẻ học cách tồn tại và lớn lên cùng nhau - Ảnh minh họa
Trẻ học cách tồn tại và lớn lên cùng nhau - Ảnh minh họa

Nghe chị ấy nói, tôi thấy lòng nhẹ nhõm, và hú hồn khi nhớ tới những chuyện người ta đòi kiện cáo, tố nhau ì xèo trên mạng xã hội, đòi xử lý cả nhà trường vì mấy vết răng của trẻ trên người bạn. 

Con nít có đứa này đứa kia, đứa lành tính, ngoan ngoãn, đứa chướng khí, ương bướng. Bạn không thể đòi hỏi hoặc chọn lựa gửi con vào một cái lớp chỉ toàn những đứa bé ngoan. Ừ thì, con trẻ mình sinh ra, nuôi dưỡng chăm bẵm từng ngày, ai chẳng thương, chẳng xót, nhưng nếu người ta chỉ khư khư xem con mình là vàng ngọc, vậy con người khác chẳng lẽ thứ… bỏ đi? 

Trẻ con, đứa nào mà không có tâm lý thích “giữ của”, từ đồ chơi, gấu bông, bình sữa, thậm chí đến cái núm vú giả cũng nhất quyết không cho ai đụng tới. Nhưng chúng cũng thật kỳ lạ là hay thích những món đồ lạ lẫm của… người khác.

Con trẻ phản xạ theo bản năng, đã thích thì sẽ tự đi lấy, đâu cần biết phải hỏi xin hay mượn. Đứa thì “giữ của”, đứa thì thích món đồ chơi đó quá thì nhào tới  giành giật.

Đứa nào mạnh, đứa đó thắng. Cào, cấu, cắn, nhéo, thậm chí… đánh nhau. Tâm lý phải giành cho bằng được khiến các bé không ngại va chạm. Hai tuổi, thậm chí lên 5 tuổi hoặc lớn hơn, các bé vẫn có thể quên mất bài học biết chia sẻ mà người lớn dạy, để hành động theo bản năng.

Ông bố tát bé 2 tuổi ngay trước mặt cô vì bé này giành đồ chơi & cắn con của anh ta. Ảnh cắt từ clip.
Một ông bố tát bé 2 tuổi ngay trước mặt giáo viên vì bé này giành đồ chơi và cắn con của anh ta. Ảnh cắt từ clip.

Có phụ huynh nào dám mạnh miệng nói rằng con mình suốt thời học mầm non không hề thương tích? Có hết cả đấy, trai gái đều có thể có những “trải nghiệm” đầu đời bằng những vết cắn, cào cấu, trầy xước do bạn học gây ra. Lớp mấy chục đứa mà chỉ có 2,3 giáo viên thì khó tránh khỏi sơ suất. 

Vả lại, trẻ con thường hành động rất nhanh, cô giáo nhiều khi không can thiệp kịp. Đang đứng nói chuyện, đứa này cũng có thể nhanh tay vả vào mặt đứa kia. Có đứa lanh thì phụ huynh đón là mách, nhưng cũng có đứa nhát hoặc lì thì im ru, đến khi tắm rửa phụ huynh mới phát hiện dấu vết.

Con trai tôi, vốn là đứa ốm yếu nên ngay từ đầu năm lớp Mầm đã bị bạn trai khác bắt nạt cấu vào tay rướm máu. Cô giáo xin lỗi rối rít, nhưng tôi xem đó chỉ là chuyện nhỏ.

Lên lớp Chồi, lần này thì con trai dường như đã học được cách phản kháng chứ không nhịn rồi lủi thủi mách cô như những lần trước. Con đã cào lại cậu bạn túm tóc nó vì giành đồ chơi lắp ráp.

Cô giáo mách phụ huynh, tôi và mẹ thằng bé kia phải ngồi lại nói chuyện với nhau, hứa về uốn nắn con, để ý sát sao con hơn. Cô cũng tâm lý, tách hai đứa ra hai tổ khác nhau, không cho “xáp lá cà” như trước.

Con tôi sang tổ mới lại thân với một bạn trai khác. Sáng nào tụi nhỏ xuống sân tập thể dục, đứng ngoài cổng nhìn lén, thấy hai ông con quàng vai bá cổ thân thiết, tôi thở phào nhẹ nhõm. 

Là phụ huynh, tôi biết rõ khi cho con hòa vào môi trường mới, không có người thân, anh chị em bảo bọc nữa, con sẽ phải học cách để hòa nhập với các bạn. Nhưng ở độ tuổi chỉ biết ăn, chơi, ngủ thì việc chia sẻ, yêu thương, tôn trọng người khác, điển hình là bạn cùng lớp, phải được người lớn dạy dỗ, uốn nắn từ từ, từng chút một.

Va chạm để lớn lên. Và tha thứ để tất cả cùng được yêu thương, nên người. Trường mầm non chính là “xã hội” đầu tiên của những đứa trẻ. Việc của người lớn là chung tay kiến tạo cho con một “xã hội” thu nhỏ văn minh, đầy sự tôn trọng, yêu thương để nuôi dưỡng những mầm xanh đó lớn lên... 

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI