Từ Đình Thần Linh Đông, nhìn về TP. Thủ Đức

30/11/2020 - 12:09

PNO - Sáng 30/11, UBND quận Thủ Đức tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia Đình Thần Linh Đông (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM).

Đình Thần Linh Đông đã 197 năm tuổi, được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, theo quyết định ban hành ngày 4/11/2020.

Hàng năm, đình tổ chức lễ hội Kỳ yên, diễn ra hai ngày 15, 16/10 âm lịch. Lễ Kỳ yên nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu. Lễ hội không chỉ thu hút người dân vùng Linh Chiểu mà du khách thập phương đều tham gia cúng đình.

Lễ rước Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ Nhà Truyền thống quận Thủ Đức về Đình
Lễ rước Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ Nhà truyền thống quận Thủ Đức về Đình Thần Linh Đông

Phát biểu tại buổi lễ đón nhận, ông Trương Trung Kiên - Chủ tịch UBND quận Thủ Đức - cho biết, Đình Thần Linh Đông là một công trình đặc sắc, có giá trị văn hóa - lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật; thể hiện sự gắn kết cộng đồng của cư dân làng xã Nam bộ, tinh thần tôn trọng, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền hiền đã có công khai phá lập làng, lập đình... đồng thời cũng thể hiện trí tuệ, sự khéo léo của các bậc nghệ nhân xưa.

Đình Thần Linh Đông đồng hành người dân vùng Linh Chiểu, Thủ Đức trong gần 2 thế kỷ
Đình Thần Linh Đông đã đồng hành người dân vùng Linh Chiểu, Thủ Đức trong gần 2 thế kỷ

Đặc biệt, đình còn lưu giữ sắc phong do Vua Tự Đức ban cho thần Thành hoàng Bổn cảnh thôn Linh Chiểu Đông, huyện An Nghĩa vào ngày 8/1/1853, cùng nhiều hiện vật quý giá khác.

Đình Thần Linh Đông cũng là nơi đặt Khánh thờ của tiền hiền Tạ Dương Minh, người sáng lập chợ Thủ Đức.

Lãnh đạo quận Thủ Đức trao Bằng cho Ban quản lý Đình
Lãnh đạo quận Thủ Đức trao Bằng cho Ban quản lý đình
Giữa sự phát triển của một đô thị, chợ Thủ Đức vẫn giữ vẻ đẹp bình thản, lưu dấu trăm năm
Giữa sự phát triển của một đô thị, chợ Thủ Đức vẫn giữ vẻ đẹp bình thản, lưu dấu trăm năm

Chợ Thủ Đức cách đình tầm 1km, với những giá trị lịch sử to lớn về một vùng đất trong những ngày "khai thiên lập địa". 

Trước năm 1975, phía trước chợ Thủ Đức là con đường mang tên Tạ Dương Minh. Bên hông chợ, đường Kha Vạn Cân hiện nay, vào năm 1960 là độc đạo nối Sài Gòn với Biên Hòa (Đồng Nai) ra các tỉnh miền Trung.

Trên đường Kha Vạn Cân hàng chục năm nổi tiếng có làng mai, làng nem Thủ Đức. 

a
Đường Kha Vạn Cân bên hông Chợ Thủ Đức là độc đạo dẫn vào Sài Gòn năm xưa. Ai đi đâu xa về, thường hay dừng chân tại chợ Thủ Đức mua quà cho người thân.

Từ chợ Thủ Đức xuôi theo đường Võ Văn Ngân hơn 1km, rẽ vào một con đường nhỏ sẽ dễ dàng bắt gặp một ngôi mộ cổ. Mộ nằm giữa khu dân cư. Bia mộ khắc chữ Hán: "Đại Nam. Linh Chiểu Đông thôn tiền hiền, húy Huy, hiệu Thủ Đức, Tạ phủ quân chi mộ. Tuất ư lục nguyệt thập cửu nhật" (dịch: Đại Nam. Mộ ông họ Tạ, húy Huy, hiệu Thủ Đức, là tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông, mất ngày 19/6).

Mộ của Tiền hiền Tạ Dương Minh - người sáng lập Chợ Thủ Đức. Năm 2007, Mộ được UBND TPHCM công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Mộ của tiền hiền Tạ Dương Minh - người sáng lập chợ Thủ Đức. Năm 2007, mộ được UBND TPHCM công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Mộ được lập vào tháng 2/1890 để ghi nhận công cao khai khẩn vùng đất và lập chợ Thủ Đức ngày nay.

Thông tin trên tấm bia ghi lại: "Trong những năm 1667-1725, tại vùng Linh Chiểu Đông, tiền hiền Tạ Dương Minh và nhóm người Hoa cùng cư dân Việt sống tập trung, hợp sức khẩn hoang, trồng trọt, chăn nuôi, và chống chọi với bệnh tật, thú dữ, đồng thời lập chợ để điều tiết nhu cầu mua bán, giao thương của thị trường, phù hợp với vùng đất mới đang đà phát triển.

Ngôi chợ được mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Tên hiệu của ông cũng được dùng chính thức để gọi tên vùng đất Thủ Đức qua các thời kỳ cho đến nay". 

Nấm mộ hình con trâu đang ngủ nằm an yên ở giữa, kiểu tạo hình Ngưu miên tiêu biểu của những ngôi mộ cổ cuối thế kỷ XIX.
Ở giữa mộ, nấm mộ mang hình con trâu đang nằm ngủ bình an. Đây là kiểu tạo hình "Ngưu miên" tiêu biểu của những ngôi mộ cổ cuối thế kỷ XIX.

Ghi nhớ công ơn của tiền hiền Tạ Dương Minh, tiểu thương chợ Thủ Đức thường mang hoa quả đến mộ cúng hương. Người dân sống quanh đó cũng thường đến đây lau dọn để giữ sự tinh tươm, sạch sẽ.

Vùng đất Thủ Đức là địa phương có truyền thống lịch sử lâu đời, với nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ như: huyện Phước Long, huyện Ngãi An, khu thanh tra Thủ Đức. Năm 1911, đổi thành quận Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định; tháng 5/1975, đổi thành huyện Thủ Đức thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định; tháng 7/1976, huyện Thủ Đức trở thành huyện trực thuộc TPHCM.

Tháng 1/1997, huyện tách thành 3 quận: quận 2, quận 9, quận Thủ Đức.

Thời gian qua, TPHCM triển khai Đề án thành lập TP. Thủ Đức (trên cơ sở sáp nhập 3 quận: Thủ Đức, quận 2 và quận 9), khi mọi cơ sở, khả năng cho việc thành lập đã đầy đủ, chín muồi.

Mặc dù chưa thông qua, tên gọi TP. Thủ Đức được người dân ủng hộ, ghi nhớ ơn của bậc tiền hiền đã khai mở, tạo sức sống cho một vùng đất.

a
Nhiều cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng có quy mô lớn tại TP. Thủ Đức tương lai

Qua hơn 20 năm phát triển, TP. Thủ Đức trong tương lai đã đạt những kết quả quan trọng với nhiều thành tựu vượt bậc: đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; hạ tầng cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực; hình thành nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng: Khu Công nghệ cao, cụm trường đại học, các tuyến giao thông như vành đai 3, tàu điện ngầm Metro Bến Thành - Suối Tiên...

a
Bến xe Miền Đông mới có metro chạy ngang góp phần tạo thuận lợi giao thông, thúc đẩy phát triển liên kết 

 

a
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 hiện đại, khang trang được đặt tại quận 9

TP. Thủ Đức được xem là “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển vượt bậc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

TP. Thủ Đức dự kiến đóng góp 7% GDP cả nước.

a
Một góc quận 2

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI