Bao giờ xây dựng văn hóa đặt ngang hàng kinh tế, chính trị?

16/10/2020 - 10:11

PNO - Ngày 16/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 bước vào ngày làm việc thứ hai. Trong phiên làm việc buổi sáng, đại hội lắng nghe một số đại biểu trình bày tham luận, nêu thực trạng trong lĩnh vực mình quản lý và đưa ra một số kiến nghị.

Liên quan đến lĩnh vực xây dựng văn hóa, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cho rằng, TPHCM luôn xem trọng nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hoá và xác định: "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội". Thành ủy TPHCM cũng đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết liên quan để thực hiện song thực tế, sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao của thành phố chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Thuận chỉ ra nguyên nhân: "Những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, làm phai nhạt dần các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc".

Ông Trần Thế Thuận cho rằng, đầu tư phát triển văn hóa cần ngang với kinh tế, chính trị...
Ông Trần Thế Thuận cho rằng, đầu tư phát triển văn hóa cần ngang với kinh tế, chính trị...

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và thể thao chưa ngang tầm với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và vị trí đặc biệt của thành phố. Thành phố là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhưng sự phát triển của các công trình văn hóa và thể thao còn hạn chế, hầu hết các cơ sở vật chất phục vụ lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao chưa đủ sức phục vụ cho sự hội nhập quốc tế.

"Ngành văn hóa và thể thao thành phố hiện đang quản lý chủ yếu là những công trình được xây dựng từ hơn chục năm qua, chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn. Số lượng các công trình thể dục thể thao tính trên đầu người của thành phố thấp nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý văn hóa…" - ông Thuận nêu.

Ông Thuận cho hay, vừa qua, thành phố cũng có sự nỗ lực, tích cực đầu tư xây dựng văn hóa, thể thao thông qua một số đề án và dự án như Nhà hát giao hưởng, nhạc - vũ kịch; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh; Bảo tàng Tôn Đức Thắng; Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ…

Đại hội bước vào ngày làm việc thứ hai
Đại hội bước vào ngày làm việc thứ hai

Tuy nhiên, ông Thuận nhận định, để lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao thực sự phục vụ người dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện thì thành phố cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao tương xứng với tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Song song, cho chủ trương thực hiện mạnh mẽ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý công tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; ưu tiên đưa đi đào tạo trong và ngoài nước nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức cũng như các thứ hạng cao trong khu vực và quốc tế.

Ông Thuận đồng thời kiến nghị thành phố cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực văn hóa và thể thao thực hiện những bước đột phá mới. Cụ thể, cần ban hành một Nghị quyết chuyên đề về văn hóa nghệ thuật TPHCM giai đoạn 2020-2035 và một Nghị quyết chuyên đề về thể dục thể thao TPHCM giai đoạn 2020-2035, trong đó có phân kỳ giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuyết Dân - Đỗ Hoa

 

 
TIN MỚI