Đề xuất 7 nhóm giải pháp xử lý bất cập cho thành phố Thủ Đức

16/10/2020 - 11:14

PNO - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã nhận định, Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM muốn thực hiện thành công, thành phố cần triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp cốt lõi để khắc phục các bất cập hiện hữu.

Ý kiến này được ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nêu ra sáng 16/10, tại ngày làm việc thứ hai của Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Nhã cho hay, bước đầu, khu Đông TPHCM hình thành những trung tâm mới về tài chính (tại Thủ Thiêm, quận 2), khu nghiên cứu khoa học - công nghệ cao (tại quận 9 và quận Thủ Đức). Đây là một trong những tiền đề để thành phố đưa ra ý tưởng xây dựng thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, tạo nên cực tăng trưởng mới cho TPHCM.

Ông Nguyễn Thanh Nhã trình bày các giải pháp để khắc phục bất cập ở khu Đông - thành phố Thủ Đức tương lai
Ông Nguyễn Thanh Nhã trình bày các giải pháp để khắc phục bất cập ở khu Đông - thành phố Thủ Đức tương lai

Tuy nhiên, theo ông Nhã, khu Đông thành phố hiện tồn tại nhiều bất cập: quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch sẽ dẫn đến khó khả thi, giao thông không an toàn.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM còn chỉ ra khó khăn trong xây dựng và phát triển khu Đông mang tính cấp bách, cần giải quyết như: các dự án lớn về giao thông trong khu vực hiện đang chậm tiến độ, kẹt xe vẫn diễn ra và tình trạng ngập lụt ngày càng tăng.

“Hiện nay, có khoảng 10 vị trí ngập thường xuyên do mưa lớn hoặc triều cường trong khu vực mà nặng nhất là thuộc quận Thủ Đức” - ông Nhã nêu.

Đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức ngập nặng khi mưa lớn
Đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức ngập nặng khi mưa lớn

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, ông Nhã đề xuất 7 nhóm giải pháp, gồm: Giải pháp về quy hoạch (bao gồm quy hoạch không gian đô thị,  quy hoạch kinh tế - xã hội); quản lý đất đai, tài sản; đầu tư và thu hút đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng số và chuyển đổi số; giải pháp về quản lý; nghiên cứu và giáo dục; xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp.

Trong giải pháp về đầu tư và thu hút đầu tư, ông Nhã cho rằng: “Mỗi một trọng điểm sáng tạo, cần có một chính sách khác nhau để giải quyết từng mục tiêu khác nhau”. Song song, theo ông Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, phải tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có để giảm thiểu thời gian xây dựng, tập trung vào mục tiêu chính là xây dựng các hệ sinh thái sáng tạo.

Cũng theo ông Nhã, thành phố cần xác định bộ máy chịu trách nhiệm và nhân sự chủ chốt cho dự án Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Họ có thể theo sát dự án mà không bị gián đoạn bởi quy định nhiệm kỳ công tác.

Ngày 15/10, tham dự phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng một số lãnh đạo
Ngày 15/10, tham dự phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng một số lãnh đạo, nguyên lạnh đạo của Trung ương và địa phương tham quan mô hình một số dự án sẽ triển khai tới đây tại TPHCM. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Trung ương luôn ủng hộ TPHCM phát triển và sẽ đồng hành, tìm cách giúp TPHCM kháo gỡ các khó khăn

Tổng quan chung, ông Nguyễn Thanh Nhã hoạch định, khu Đông TPHCM là một chiến lược phát triển có tầm nhìn 20 năm, phân thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2020-2022): Ban hành kế hoạch và khung phát triển tổng thể, các quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư. Thu hút các công ty đầu tàu, đào tạo nhân lực, thúc đẩy lực lượng lao động hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành kinh tế sáng tạo.

Giai đoạn 2 (2022-2030): Xây dựng công trình tại các trung tâm đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhóm và tạo mạng lưới liên kết. Cải thiện tình trạng giao thông và môi trường đô thị.

Giai đoạn 3 (2030-2040): Quảng bá dự án quy mô quốc tế. Thiết lập mạng lưới hợp tác toàn cầu. Ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế sáng tạo.

Tuyết Dân - Đỗ Hoa

 

 
TIN MỚI