Trẻ không biết cách tự bảo vệ, vì sao?

19/03/2024 - 12:40

PNO - Giáo dục trẻ tự biết cách bảo vệ và dạy dỗ một đứa trẻ bao giờ cũng bắt đầu khi chúng còn nhỏ - lứa tuổi không ít cha mẹ “bỏ qua” khi cho rằng “Con nít thì biết gì mà dạy”.

Chỉ trong tháng 2/2024, báo chí đã đăng hơn 5 vụ việc liên quan đến vấn đề con cái mất liên lạc, mất tích hoặc bị các nhóm đối tượng xâm hại tình dục. Điều đáng nói là đa phần các trường hợp “chủ động mất tích” bằng cách tự cắt liên lạc với gia đình, đi theo bạn trai quen qua mạng xã hội. Đặc biệt, có trường hợp nữ sinh chưa đủ 16 tuổi đã đồng ý ngủ qua đêm với bạn trai mới quen tại quán cà phê.

Theo đó, ngày 12/2, Công an huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã bắt tạm giam 5 đối tượng có tuổi đời từ 14-24, trong đó có đối tượng chỉ là học sinh THCS để điều tra về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Người bị hại là bé gái 12 tuổi. Nhóm này đã tiếp cận, bắt chuyện khi thấy bé gái đến một quán giải khát ở xã Krông Búk để uống nước. Sau khi làm quen thành công, các đối tượng rủ bé gái về nhà bạn của mình ăn uống và ngủ lại. Lợi dụng sự nhẹ dạ của bé gái, đồng thời trong hoàn cảnh quá khuya, nhóm thanh thiếu niên thay phiên nhau quan hệ tình dục với bé gái và bị gia đình phát hiện, trình báo công an.

Công an TP Hà Nội cũng vừa đăng nhiều thông báo tìm kiếm các thiếu nữ mất liên lạc với gia đình, kèm ảnh chân dung, sau nhiều ngày gia đình tìm kiếm. Sau khi thông tin đăng tải, các gia đình đều liên lạc được với con mình, nguyên nhân chủ yếu là đi chơi cùng bạn trai mới quen trên mạng xã hội.

Gần nhất, sáng thứ Bảy, ngày 24/2, nữ sinh L. (học lớp Mười, ngụ xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) chạy xe máy đi học rồi mất liên lạc với gia đình. Gia đình nghi ngờ cháu đi với một bạn nam học chung trường. Sau đó, vụ việc được trình báo cho cơ quan chức năng, đến ngày 25/2 gia đình mới tìm thấy nữ sinh. Ngày 26/2, Công an huyện Ia Grai cũng đã có quyết định tạm giữ hình sự đối với một thanh niên (20 tuổi, ngụ huyện Ia Grai), được cho là có liên quan đến vụ việc để điều tra về hành vi giao cấu với người chưa thành niên.

Thông qua các vụ việc kể trên, chúng ta dễ dàng nhận ra: đa phần người bị hại chưa thể hoặc không biết cách bảo vệ bản thân. Biểu hiện rõ nhất là không xác định giới hạn (nguy hiểm) với người lạ, dễ dàng đồng thuận, thỏa hiệp với đề nghị của người khác, bất kể lạ, mới quen hay đang trong một mối quan hệ tình cảm nào đó. Hậu quả xảy ra từ các vụ việc đã phân tích và nhiều câu chuyện tương tự liên quan đến trẻ vị thành niên là điều không ai mong muốn và nguyên nhân rất lớn đến từ việc giáo dục kỹ năng tự vệ, phòng vệ, bảo vệ bản thân của gia đình lẫn nhà trường còn chưa hiệu quả, đồng bộ.

Có thể kể ra một số lý do như sau:

1. Phối hợp giáo dục thiếu thống nhất

Tình trạng cha mẹ vượt đèn vàng, đèn đỏ khi lưu thông trên đường diễn ra nhan nhản trước sự chứng kiến và phản ứng của con cái; trong khi từ bậc học mầm non, trẻ nào cũng thuộc nằm lòng tín hiệu đèn giao thông. Hay như việc nhà trường dạy trẻ “kính trên, nhường dưới”, nhưng khi gia đình lục đục, xào xáo hoặc trong giao tiếp hằng ngày ít khi được tuân thủ.

Từ đó, việc dạy con không nhận quà bánh, không đi theo người lạ, không đến nơi nguy hiểm, không tin tưởng và thỏa hiệp với cái xấu… trở nên kém hiệu quả hoặc phản tác dụng. Nói và làm không đi đôi, nhà trường và gia đình không phối hợp giáo dục, khiến trẻ “tẩu hỏa nhập ma” khi ứng phó với nguy hiểm.

2. Giáo dục qua loa

Kỹ năng không thể hình thành trong ngày một, ngày hai. Trẻ cần được giải thích kỹ về mục đích, vai trò, tính hữu ích và cách thực hiện một cách thường xuyên, liên tục để hành vi trở thành thói quen. Được như vậy, trẻ mới đủ linh hoạt, khéo léo để xử lý vấn đề hiệu quả. Nhưng có lẽ điều này trong gia đình, thậm chí trong các giờ giảng kỹ năng sống ở trường học vẫn cho thấy sự hạn chế, vì điều kiện thời gian lẫn chuyên môn của người đứng lớp. Một số kỹ năng được dạy kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, trong khi ở nhà cha mẹ quá bận rộn nên không có thời gian "bận rộn cùng con" học kỹ năng.

3. Tâm lý chủ quan, thiếu đề phòng

Không ít phụ huynh chủ quan rằng "chắc chuyện chỉ xảy ra với người ta chứ không tới lượt con mình”, khiến hậu quả gặp phải thường nghiêm trọng hơn bình thường. Ngoài ra, chính vì không đề phòng, không lường trước những tình huống xấu có thể xảy đến như bị bắt cóc, cướp giật, hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh, động vật/côn trùng tấn công, bị lạm dụng/xâm hại tình dục… nên cha mẹ đã không dành thời gian trò chuyện, giáo dục con, thậm chí phó thác cho nhà trường…

Trẻ cũng tin tưởng vào các “tiên đoán” hay “dạy dỗ” của cha mẹ/người lớn nên nới lỏng sự phòng vệ hoặc chủ quan khi học tập và rèn luyện kỹ năng. Chính tâm lý “nước tới chân mới nhảy” sẽ để lại các tổn thương, mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần ở trẻ và người xung quanh.

4. Đặt nặng “dạy chữ”, xem nhẹ “dạy người”

Sự thiên lệch trong cán cân giáo dục: kiến thức - kỹ năng - thái độ vốn đã tồn tại từ rất lâu. Xu hướng xem nhẹ việc “thành nhân” hơn “thành công” khiến chúng ta tập trung dạy chữ, dạy kiến thức, dạy tính toán, dạy viết hơn là dạy trẻ kỹ năng sống, thái độ sống… tạo ra những đứa trẻ có kiến thức tốt, lý thuyết nắm vững nhưng thực hành hạn chế, “trăm hay” nhưng “tay không quen”.

Do đó, khi xảy ra sự cố trong học tập, cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh, trẻ sẽ khó phân định đúng - sai, tốt - xấu để ứng xử hiệu quả. 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

5. Phớt lờ những cảnh báo 

Trên thực tế, trường học, báo chí - truyền thông và các khuyến cáo của nhà chuyên môn, cơ quan chức năng được cập nhật liên tục, công bố rộng rãi, đầy đủ và sâu sắc về các kỹ năng sống cần thiết, nhưng nhiều người đã phớt lờ, từ chối tiếp nhận hoặc thiếu sự quan tâm học hỏi. Trong khi, có thể những kiến thức và kỹ năng này là cứu cánh quan trọng trong lúc gặp tình huống nguy hiểm.

6. Biết sai nhưng không sửa

Bản thân người lớn biết rằng mình sai khi không làm gương cho con nhưng ngại thừa nhận, ngại học tập, rèn luyện và sửa đổi. Điều này vô tình bắc thang cho con leo - con có thể bê nguyên xi lời nói, quan điểm, cách sống của ba mẹ, người lớn để biện bạch cho mình khi học tập và rèn luyện kỹ năng. Chưa kể, nhiều phụ huynh thiếu phương pháp, kỹ năng giáo dục con nhưng vẫn tiếp tục lần mò trong bóng tối, sợ “vạch áo cho người xem lưng”, sợ người khác biết mình yếu, thiếu kỹ năng… nên tự giải quyết vấn đề, tự dạy con với nền tảng hiểu biết sơ khai, hạn hẹp, khiến sai lầm chồng chất sai lầm, trong khi bối cảnh xã hội khác xưa rất nhiều, vấn đề an ninh không phải luôn luôn ổn định, hành vi của kể xấu ngày một tinh vi hơn.

Nhận ra các lý do trên cũng góp phần quan trọng trong việc giáo dục trẻ tự biết cách bảo vệ mình và dạy dỗ một đứa trẻ bao giờ cũng bắt đầu khi chúng còn nhỏ - lứa tuổi không ít cha mẹ “bỏ qua” khi cho rằng “Con nít thì biết gì mà dạy”. 

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI